Bảo hiểm hưu trí rơi vào quên lãng
Sản phẩm hưu trí tự nguyện sẽ khó triển khai nếu thiếu sự hỗ trợ về chính sách thuế
Bởi thực tế, đại lý cũng không muốn bán sản phẩm này vì hoa hồng thấp hơn so với các sản phẩm khác, trong khi người mua cũng chẳng mặn mà. Doanh thu phí mới của sản phẩm này tính đến tháng 6/2016 đạt chưa đầy 1% trong tổng doanh thu phí mới. Trong đó, PVI Sunlife là hãng bảo hiểm có đóng góp nhiều nhất cho doanh thu bảo hiểm hưu trí của thị trường.
Theo số liệu công bố chính thức của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của khối nhân thọ 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 7.177 tỷ đồng, tăng 33,42% so với cùng kỳ năm 2015. Các nghiệp vụ bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp và bảo hiểm liên kết chung vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu phí khai thác mới. Cụ thể, bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 45,98%, bảo hiểm hỗn hợp là 40,68%, bảo hiểm tử kỳ là 2,36% và các nghiệp vụ còn lại (hưu trí, trả tiền định kỳ, sinh kỳ và trọn đời) chiếm 2,07%…
Về số lượng hợp đồng khai thác mới, 6 tháng đầu năm, dẫn đầu là nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp với 279.780 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 41,54%), tăng trưởng 28,5% so với cùng kỳ năm 2015. Tiếp theo là các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư với 256.054 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 38,01%), tăng trưởng 33,7%; nghiệp vụ bảo hiểm tử kỳ là 129.330 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 19,2%), giảm 22%; các nghiệp vụ còn lại là 8.420 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 1,25%), tăng trưởng 116%, trong đó, sản phẩm bảo hiểm hưu trí tăng trưởng hơn 100% về số lượng hợp đồng khai thác mới. Mặc dù vậy, nếu so về con số tuyệt đối với các sản phẩm khác thì đóng góp của bảo hiểm hưu trí còn rất khiêm tốn, bởi tính đến thời điểm này, bảo hiểm hưu trí đã triển khai được 3 năm (tháng 10/2013, Dai-ichi Life Việt Nam là công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên chính thức bán sản phẩm hưu trí tự nguyện cho cả cá nhân và doanh nghiệp).
Một điểm đáng lưu ý, đó là xét về số lượng hợp đồng, cũng như doanh thu phí khai thác mới của bảo hiểm hưu trí tự nguyện toàn thị trường kể từ khi bắt đầu triển khai có một phần đóng góp không nhỏ của hãng bảo hiểm PVI Sunlife, với những hợp đồng bảo hiểm bán cho doanh nghiệp là đối tác của Công ty. Tuy nhiên, hiện giờ PVI đã thoái hết vốn khỏi liên doanh, chính vì vậy, lợi thế cũng như thế mạnh khai thác sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện đến từ các đối tác liên doanh này có tiếp tục được phát huy vẫn là câu hỏi ngỏ.
Thực tế, trong thời điểm mới triển khai đề án bán sản phẩm hưu trí tự nguyện, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã rất kỳ vọng vào phân khúc sản phẩm được đánh giá là mới mẻ tại thị trường Việt Nam khi đó. Tuy nhiên, khác với mong muốn của các hãng bảo hiểm, thị trường lại không quá “nồng nhiệt” và các hãng bảo hiểm cũng nhận thấy rằng, sản phẩm hưu trí tự nguyện sẽ khó triển khai nếu không có sự hỗ trợ về các chính sách thuế.
Hưu trí tự nguyện nếu so với những sản phẩm bảo hiểm nhân thọ khác đang được các công ty bảo hiểm triển khai không có nhiều sức hấp dẫn, ưu đãi thuế không cao… khiến sản phẩm ngày càng bị thị trường “lạnh nhạt”. Đại diện một công ty bảo hiểm từng bán được khá nhiều hợp đồng bảo hiểm hưu trí cũng phải thừa nhận, sản phẩm này bán rất chậm. Thông thường, khách hàng quan tâm chủ yếu vẫn là khách hàng cá nhân, nhưng sau khi được đại lý tư vấn, không mấy người hỏi mua. Còn đối với khách hàng doanh nghiệp, việc bán sản phẩm là vô cùng khó.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một chuyên gia trong ngành cho biết, so với thời điểm mới ra mắt, quy định pháp luật đối với sản phẩm hưu trí sau này tuy đã có một số điều chỉnh, nhưng lại theo chiều hướng bất lợi, chẳng hạn như người mua bảo hiểm hưu trí phải nộp thuế thu nhập cá nhân trên khoản công ty đóng góp. Trong khi đó, đối với các sản phẩm nhân thọ, doanh nghiệp mua cho nhân viên sẽ tính vào chi phí, nhưng riêng với bảo hiểm hưu trí tự nguyện thì chỉ được khấu trừ tối đa 1 triệu/người… Điều này phần nào lý giải, vì sao bảo hiểm hưu trí tự nguyện không thể phát triển.
“Chẳng những thiếu lợi thế so sánh với các sản phẩm bảo hiểm khác, mà bảo hiểm hưu trí tự nguyện còn có nguy cơ cạnh tranh với bảo hiểm hưu trí tự nguyện bổ sung do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội triển khai trong thời gian tới. Hiện số lượng hợp đồng bảo hiểm hưu trí tự nguyện được bán ra chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dường như phân khúc bảo hiểm này vẫn đang trong giai đoạn đóng băng”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/