|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bảo hiểm dính yếu tố 'bất khả kháng' mang tên virus Corona

08:18 | 10/02/2020
Chia sẻ
Các doanh nghiệp bảo hiểm đang buộc phải đổi lại kế hoạch cho mùa bảo hiểm năm nay do dịch viêm đường hô hấp cấp bởi virus Corona.

Sau thời gian “giảm tốc” để tái cơ cấu, năm 2020, một số doanh nghiệp nhân thọ có thị phần lớn bắt đầu trở lại đường đua, trong khi một số doanh nghiệp có thị phần nhỏ hơn cũng coi năm 2020 là năm bản lề để tiếp tục bứt phá mạnh mẽ với những chiến lược mới. Khối phi nhân thọ cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, yếu tố bất khả kháng là đợt dịch bệnh do virus Corona (2019-nCoV) đang diễn ra ngay từ đầu năm, có thể có những ảnh hưởng nhất định đến các kế hoạch kinh doanh của các hãng bảo hiểm này.

Dù vẫn còn quá sớm để đưa ra nhận định tình hình dịch bệnh sẽ ảnh hưởng như nào đến sự tăng trưởng của đến ngành bảo hiểm, tuy nhiên tác động dễ nhận thấy là hầu như các công ty bảo hiểm đều đã phải thay đổi các chương trình phát động kinh doanh sau Tết, các sự kiện lớn cũng có khả năng phải hoãn lại qua mùa dịch vì yếu tố an toàn sức khỏe cộng đồng.

Được biết, một số Tập đoàn bảo hiểm nước ngoài đã đình chỉ tất cả các hoạt động công tác trong khu vực châu Á cho đến hết thời điểm cao điểm của dịch.

Các hãng bảo hiểm này cũng liên tục giám sát sự leo thang của dịch bệnh và làm việc chặt chẽ với các cơ quan liên quan, cũng như các tổ chức y tế toàn cầu và các đại lý du lịch để khuyến nghị nhân viên, khách hàng nghiêm túc thực hiện theo các hướng dẫn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm giảm thiểu khả năng bị lây nhiễm bệnh.

Trong khi đó, tại Việt Nam, các công ty bảo hiểm, cả nhân thọ và phi nhân thọ, cũng triển khai các giải pháp hạn chế dịch bệnh như hạn chế tiếp xúc đông người, triển khai các cuộc họp trực tuyến, thay vì các chương trình kickoff (khởi động) đầu năm cho nhân viên và đại lý,….

Hiện tại, hầu hết công ty bảo hiểm đều đang tập trung cho việc xử lý các quyền lợi bảo hiểm nếu phát sinh do nhiễm chủng mới của virus Corona theo đúng những gì đã cam kết trong điều khoản hợp đồng và đưa ra các chương trình hỗ trợ cụ thể, thiết thực cho khách hàng.

Bên cạnh việc giải tỏa tâm lý lo ngại, các hãng bảo hiểm lớn đã nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ cho khách hàng theo tiêu chí đơn giản quy trình, gia tăng quyền lợi.

Ngoài ra, ngay trong tháng đầu tiên của năm 2020, khi WHO tuyên bố về đại dịch mang tính toàn cầu do virus Corona gây ra, thị trường bảo hiểm cũng bắt đầu chứng kiến các động thái của doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ "nói và làm" như thế nào theo phương châm khách hàng là trọng tâm...

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ nói rằng, cần phải theo dõi diễn biến dịch một thời gian nữa mới có đủ cơ sở để đánh giá đợt dịch bệnh này sẽ ảnh hưởng lớn như nào đến ngành, vì những tháng sau Tết cũng chưa phải tháng cao điểm chốt doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Tuy nhiên, trước mắt có thể nhìn thấy một số tác động không mấy tích cực vì hạn chế tương tác tránh dịch bệnh, nên đại lý không mở rộng được khách hàng.

Cơ hội cho bán bảo hiểm qua trực tuyến cũng không được kỳ vọng nhiều bởi theo thống kê sơ bộ của một số công ty bảo hiểm, doanh thu qua kênh này từ khi dịch bệnh khởi phát không tăng đáng kể.

“Thời điểm này, hầu hết khách hàng vẫn chỉ quan tâm đến khẩu trang, nước rửa tay và các loại thực phẩm phòng ngừa bệnh.

Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tích cực hơn, đợt dịch bệnh này có thể sẽ tác động tốt tới bảo hiểm sức khỏe vì mọi người sẽ quan tâm tới bảo hiểm này hơn khi rủi ro nhiều”, đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ nhìn nhận.

Trước đó, đánh giá về xu hướng phát triển của các dòng sản phẩm trong năm 2020, hầu hết các hãng bảo hiểm đều nhìn nhận, không chỉ bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, năm 2020 tiếp tục là năm bùng nổ các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, bởi cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm và tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp, các cơ quan chức năng có kế hoạch tăng cường kết nối liên thông giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại.

Gia Linh

M&A bất động sản một thập kỷ nhìn lại
Trong 10 năm qua, thị trường M&A bất động sản tại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động và có sự phát triển đáng chú ý. Các thương vụ M&A chủ yếu tập trung vào các phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.