|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thaco gia nhập mảng bán lẻ thông qua thương vụ mua lại Emart?

21:55 | 18/05/2021
Chia sẻ
Tờ Korean Times cũng cho biết Emart kì vọng Thaco - một trong những nhà sản xuất ô tô lớn của Việt Nam đang phát triển sang lĩnh vực nông nghiệp và có nhiều bất động sản bán lẻ, sẽ mở rộng chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại Đông Nam Á lên con số 10 vào năm 2025.

Theo Korean Times, Tập đoàn Emart sẽ bán toàn bộ mảng kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam cho Tập đoàn Ô tô Trường Hải (Thaco) sau nhiều nỗ lực mở rộng kinh doanh ra thị trường Đông Nam Á bất thành.

Dẫu vậy, siêu thị mang thương hiệu Emart vẫn sẽ tiếp tục ở lại Việt Nam theo mô hình nhượng quyền. Tập đoàn Hàn Quốc sẽ thu phí nhượng quyền từ Thaco. Với thương vụ này, Emart kỳ vọng Thaco sẽ có thể mở rộng quy mô chuỗi Emart lên 10 siêu thị tại Đông Nam Á trong 4 năm tới.

"Sự hợp tác chiến lược của chúng tôi với Thaco không chỉ xoay quanh việc nhượng quyền, mà đây cũng là cơ hội để chúng tôi xuất khẩu các sản phẩm mang thương hiệu của riêng mình", một đại diện của Emart cho hay.

Cùng với việc mở thêm cửa hàng/siêu thị nhượng quyền, Emart sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) Hàn Quốc xuất khẩu sản phẩm sang Việt Nam. Số sản phẩm bán tại Emart đã tăng từ 170 vào năm 2015 tăng lên 1.200 vào năm 2020.

85% sản phẩm bán tại Emart mang thương hiệu độc quyền "No Label" và 70% sản phẩm mang thương hiệu "No Label" được sản xuất bởi các SMEs Hàn Quốc, theo một thống kê từ Korean Times.

Báo Hàn: Emart bán siêu thị cho Thaco, tiếp tục hoạt động dưới hình thức nhượng quyền - Ảnh 1.

Siêu thị Emart sẽ hoạt động dưới hình thức nhượng quyền? (Ảnh: Mytour).

Thực tế, thông tin về việc Emart rời Việt Nam đã rộ lên từ tháng 12 năm ngoái. Dù ngay sau đó, đại diện Emart Việt Nam đã lên tiếng phủ nhận. Tuy nhiên, đại diện nhà bán lẻ đến từ Hàn Quốc cũng tiết lộ Emart đã gặp khó khăn trong quá trình triển khai mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua việc mở thêm nhiều địa điểm kinh doanh mới. 

Do đó, tập đoàn Emart quyết định thay đổi chiến lược bằng cách tìm kiếm đối tác có năng lực ngay tại Việt Nam để cùng nhau mở rộng mô hình kinh doanh đang rất thành công của Emart, ông Chun Byung Ki, Tổng Giám đốc Emart Việt Nam khi đó cho hay.

Được biết, Emart Việt Nam khai trương đại siêu thị đầu tiên tại Việt Nam năm 2015 tại Gò Vấp. Siêu thị này nhanh chóng nổi lên là một siêu thị đông đúc khách hàng mua sắm từ vật dụng gia đình đến thực phẩm tươi sống với mức giá tốt. Tập đoàn bán lẻ Emart Hàn Quốc đang cho thấy sự am hiểu thị hiếu và đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.

Sau thành công của Emart 1, tháng 5/2018, Tập đoàn này đã công bố khởi công dự án trung tâm thương mại – siêu thị Emart 2 cũng tại Gò Vấp. Emart 2 có diện tích sàn xây dựng khoảng 35.000 m2, bao gồm 11.000 m2 dành cho hầm để xe và 3 tầng nổi dành cho khu vực bán hàng, kinh doanh sản phẩm.

Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chậm tiến độ.Tờ báo Hàn Quốc cũng cho biết Emart đã không thể mở rộng quy mô chuỗi vì chính quyền địa phương chậm trễ trong việc phê duyệt kế hoạch xây dựng.

Trong khi đó, phía Thaco chưa đưa ra bình luận gì về việc này. Ông lớn trong ngành ô tô Việt Nam mới đây cũng tiết lộ về kế hoạch phát triển cho 10 - 20 năm tới với mục tiêu tăng trưởng hằng năm từ 10% đến 20%.

Tại buổi gặp mặt với Thủ tướng chính phủ ngày 6/3, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco cho biết, Thaco hiện đang có kế hoạch đa dạng hóa hoạt động kinh doanh như đầu tư vào ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa và tập trung phát triển logistics để phục vụ chuỗi cung ứng cho hai ngành ô tô và nông nghiệp.

Emart 2 có địa chỉ tại 12/78 đường Phan Huy Ích, phường 14 trước đây là trụ sở Công ty Cổ phần Da giày Sagoda, một doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa theo Quyết định 735/2001/QĐ-TTG.

Ngày 11/6/2020, tại cuộc họp Tổ công tác về đầu tư trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã ra kết luận cho rằng Công ty Cổ phần Da giày Sagoda đã cổ phần hóa năm 2001, thời điểm pháp luật không quy định phải có phương án sử dụng đất trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, không thuộc trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án phê duyệt.

Do đó, trường hợp Công ty Cổ phần Da giày Sagoda được phép thực hiện dự án Trung tâm thương mại dịch vụ - siêu thị theo quy định pháp luật về đầu tư, việc chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện theo Điều 52, điểm g khoản 1 Điều 57, Điều 58 Luật Đất đai, Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo đề xuất UBND TP quyết định việc chấp thuận cho Công ty Sagoda chuyển mục đích sử dụng đất khu đất tại số 12/78 Phan Huy Ích, Phường 14, quận Gò Vấp từ đất cơ sở sản xuất kinh doanh sang đất thương mại dịch vụ với thời hạn thuê đất áp dụng theo khoản 3 Điều 126 Luật đất đai năm 2013 là 50 năm, và nộp tiền thuê đất hàng năm.

Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì phối hợp Ủy ban nhân dân quận Gò Vấp và các cơ quan có liên quan thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ tỉ lệ 1/2000 tại khu vực dự án này, cập nhật vào quy hoạch chung của quận Gò Vấp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Tiểu Phượng