|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Báo động về tình trạng giảm diện tích ở 'thủ phủ' chè Lâm Đồng (Kỳ 1)

12:04 | 05/11/2018
Chia sẻ
Với khoảng 23.000 ha chè, tỉnh Lâm Đồng luôn được coi là địa phương có diện tích và sản lượng chè hằng năm cao nhất cả nước. Tuy nhiên, do khó khăn chung của ngành chè nhiều năm qua cùng một số thay đổi về cơ cấu cây trồng, nên  diện tích cây chè trên địa bàn tỉnh đang giảm nhanh ở mức đáng báo động.

Vì sao cây chè bị phá bỏ?

Sau nhiều năm giảm đều (khoảng 1.000 ha/năm), tới tháng 9/2017 trên toàn tỉnh còn hơn 20.950 ha. Đặc biệt, tới tháng 9/2018, diện tích chè giảm tuột dốc chỉ còn khoảng 12.700 ha, tức trong vòng 1 năm giảm hơn 8.000 ha. Là cây trồng công nghiệp chủ lực, có lịch sử phát triển lâu đời, đem lại nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp trong 20 năm qua, nên thực trạng trên đang đặt ngành chè tỉnh nhà trước áp lực phải tái cơ cấu mạnh mẽ.

Tại huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc, hai địa phương chiếm 70% diện tích trồng chè của cả tỉnh (khoảng gần 17.000 ha vào năm 2015) nhưng chỉ sau vài năm, diện tích đã giảm hẳn gần một nửa. Theo cơ quan chức năng hai địa phương trên, từ năm 2014 tới nay, việc trồng dâu, bơ, sầu riêng cho giá trị kinh tế cao gấp 3 tới 8 lần trồng chè nên câu chuyện người dân tiếp tục phá bỏ chè để chuyển đổi sang cây trồng khác hiện rất khó kiểm soát.

bao dong ve tinh trang giam dien tich o thu phu che lam dong ky 1
Một vườn chè Oolong tại thị trấn Lộc Thắng người dân đang phá bỏ cuối tháng 10. Ảnh: C.Thành

Chặt bỏ chè vì cây dâu, bơ cho giá cao

Xuất khẩu vào thị trường Đài Loan gặp trở ngại lớn

Cuối tháng 9/2018, Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT tiếp tục thông báo tới các đơn vị chức năng, doanh nghiệp liên quan về việc các nước Đài Loan, thị trường EU trả về 10 lô chè đen và chè xanh do dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng quy định. Trong đó, riêng thị trường Đài Loan thông báo trả về 9 lô chè thuộc các doanh nghiệp tại Lâm Đồng, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hải Phòng, Yên Bái và Phú Thọ. Nhiều chuyên gia trong ngành chè cho rằng, mấu chốt vấn đề thị trường chè là Đài Loan là từ năm 2014 Trung Quốc đã tăng cường hoạt động giao bang thương mại với nhiều chính sách thông thoáng như cho thuê đất 100 năm, giảm thuế... nên chè từ Trung Quốc đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Đài Loan. Cộng với hàng rào kỹ thuật quá khắt khe đã khiến thị trường xuất khẩu chủ lực trên vài năm nay đi vào bế tắc.

Chính Thành

Những ngày cuối tháng 10/2018, chúng tôi đi dọc con đường trải thảm nhựa rất đẹp vào xã Đạ Bri (TP Bảo Lộc). Đi tới đâu cũng thấy các quả đồi nối đuôi nhau rộng bạt ngàn nhưng giờ chỉ còn lác đác vài chục vườn chè cành, chè hạt. Thay vào đó là những vườn cà phê, dâu tằm xanh tốt hiện diện khắp nơi.

Ông Nguyễn Đình Nhan (63 tuổi, ngụ Xóm 3, Thôn 3, xã Đạ Bri), một lão nông vui vẻ dẫn chúng tôi ra vườn dâu rộng 2.000 m2 vừa trồng khoảng 9 tháng nay và cho hay: “Cây chè đòi hỏi nhân công, chăm sóc hơn các loại cây trồng khác, đặc biệt là giá cả không bằng cây dâu cho giá trị kinh tế gấp 4-5 lần trồng chè nên gia đình tôi không đắn đo khi chặt bỏ vườn chè” - ông Nhan nói và cho biết, không chỉ riêng ông mà trong xóm có nhiều hộ đều bảo nhau bỏ cây chè để chuyển sang trồng cây dâu tằm khoảng 1 năm nay.

Theo cách tính chi tiết của ông Nhan, với giá kén tằm ổn định gần 2 năm nay, từ 140.000 - 150.000 đồng/kg cùng hai sào dâu hai vợ chồng ông cho thu nhập đều khoảng gần 10 triệu đồng/tháng. Đem ra so sánh, cũng với 2 sào chè cành mỗi tháng ông hái 1 lứa khoảng 300 kg với giá chè ở mức 8.000 đồng/kg thì mỗi tháng trừ tiền công, phân bón vợ chồng chỉ thu nhập trên 2 triệu đồng/tháng. “Cây dâu cho hiệu quả kinh tế cao gấp 5 lần cây chè nên tôi nghĩ bỏ chè trồng dâu là quyết định chính xác” - ông Nhan nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Mri xác nhận với chúng tôi, do kén tằm thời gian qua được giá, cộng với việc diện tích cây chè già năng suất khá thấp nên người dân phần lớn chọn chuyển đổi sang trồng cây dâu, bơ. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2018, diện tích trồng dâu mới của người dân khoảng 70-80 ha, tương ứng với số diện tích chè người dân chặt bỏ.

Ở góc độ địa phương, UBND xã Đạ Mri cũng khuyến cáo bà con không nên chặt cây chè ồ ạt, chạy theo giá cả thị trường mà cần giữ “3 cây, 3 con” để ổn định sản xuất lâu dài, không phá vỡ quy hoạch. Tuy nhiên, theo ông Hùng, việc xã khuyến cáo là một chuyện, trong khi nếu người dân tiếp tục chuyển đổi cây trồng thì với chức năng quản lý nhà nước không thể cấm việc này.

Tương tự như một số xã tại TP Bảo Lộc, tại huyện Bảo Lâm, nhiều đồi chè đã chuyển qua các cây trồng khác, nhiều nhất là cà phê và cây bơ. Chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Hoài (53 tuổi, ngụ Tổ 21, thị trấn Lộc Thắng) khi gia đình này mới chặt bỏ 5.000 m2 chè sang trồng dâu và cà phê được ít ngày. Bà Hoài cho biết, cây dâu từ khi trồng phát triển rất nhanh, ít bệnh và bà hy vọng 1 tháng nữa có thể nuôi lứa tằm đầu tiên. “Thấy 2 năm nay giá kén ổn định, trồng chè năng suất thấp quá nên ngoài 5 sào dâu xen cà phê vừa trồng tôi đang tính chặt tiếp 3 sào chè để chuyển hẳn sang trồng cây dâu. Ở đây nếu mình không nuôi tằm chỉ bán lá dâu cho các hộ khác thì thu nhập tốt hơn cây chè” - bà Hoài nói.

Qua trao đổi, Phòng Nông nghiệp huyện Bảo Lâm cho biết, nếu như trước đây toàn huyện có khoảng 14.000 ha thì năm 2016 theo thống kê còn 11.548 ha chè. Tới năm 2017, diện tích chè giảm mạnh nhất và tới hết tháng 9/2018 toàn huyện chỉ còn 7.889 ha, tập trung ở thị trấn Lộc Thắng, xã B Lá, Lộc Quảng,… Giảm nhanh nhất là tại TP Bảo Lộc. Nếu năm 2016 thống kê thành phố còn 7.000 ha chè thì tới tháng 9/2018 diện tích chè chỉ còn khoảng 3.043 ha.

Giảm cả chè cao sản, chất lượng cao

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật, Sở NN&PTNT cho biết, theo số liệu từ tháng 9/2017 trên toàn tỉnh còn hơn 20.950 ha và tới tháng 9/2018 diện tích chè còn khoảng 12.700 ha, về bản chất không phải giảm đột ngột trong vòng 1 năm. Nguyên nhân từ năm 2015 người dân bắt đầu có động thái trồng số lượng lớn diện tích cây cà phê, sầu riêng, một số loại cây ăn trái… xen canh với diện tích chè. Tới năm 2017, khi Cục Thống kê Lâm Đồng tổng điều tra diện tích lại thì rơi đúng vào thời điểm người dân chặt hẳn cây chè để chuyển sang kinh doanh các loại cây trồng xen vài năm trước.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nhiều diện tích chè cao sản, chè chất lượng cao cũng đang bị các công ty và người dân chặt bỏ để chuyển đổi sang các loại cây khác, không riêng diện tích chè hạt, chè già cỗi cho sản lượng và năng suất thấp.

Ngay tại TP Đà Lạt, nhiều nông dân tại xã Xuân Trường chuyên trồng chè Oolong, Tứ Quý cũng bỏ cây chè để chuyển đồi trồng các loại rau, hoa công nghệ cao khác. Theo một số người dân, giá cả không ổn định chính là yếu tố khiến nhiều hộ không còn mặn mà với cây chè mặc dù đã đổ nhiều tiền, công sức đầu tư vào cây chè chất lượng cao. Bà Nguyễn Thị Xuân (47 tuổi, xã Xuân Trường) vừa phá bỏ 3 sào chè Oolong để làm nhà kính trồng rau cho biết: Khoảng 5-6 năm trước, giá chè Oolong, Tứ Quý các công ty chế biến mua với giá từ 35.000 đồng tới trên 40.000 đồng/kg thì giờ đã xuống gần nửa giá. Thêm vào đó, chỉ cần giá thấp kéo dài liên tục tầm 2 năm, người dân gần như không còn vốn để tái đầu tư tiếp tục, buộc phải tính toán chuyển sang cây trồng cho năng suất cao hơn.

Tại huyện Bảo Lâm khu vực thị trấn Lộc Thắng, người dân cũng phá bỏ một phần diện tích chè Oolong để lấy đất trồng bơ xen canh với cây cà phê. Bởi với giá chè Oolong dao động 16.000 - 18.000 đồng/kg, sau khi trừ tiền nhân công, thuốc, phân bón… người dân lời rất thấp.

Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Bảo Lâm, ông Đậu Văn Xuân cho rằng, diện tích chè người dân chuyển đổi chủ yếu là loại chè hạt, chè già trồng xen canh cho sản lượng thấp. Các loại chè chất lượng cao người dân phá bỏ không nhiều, chủ yếu do quá trình đô thị hóa nên bị giảm. Tại địa phương, qua nhiều lần tỉnh thu hồi đất thuộc vùng nguyên liệu Nhà máy chè Minh Rồng và giao cho UBND huyện Bảo Lâm quản lý, sử dụng nên diện tích chè Oolong tại thị trấn Lộc Thắng giảm còn khoảng 300 ha và giảm nhẹ tại một số xã khác.

Ông Đoàn Trọng Phương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chè Lâm Đồng (Ladotea) chia sẻ, trong xu thế phát triển nhiều địa phương dần giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, du lịch là điều tất yếu. “Nhiều nông trường chè trên địa bàn tỉnh giờ đã được đô thị hóa gần hết. Tôi ví dụ như đất của Nông trường chè Hà Giang (khoảng 187 ha) thì dành để mở rộng TP Bảo Lộc. Còn nông trường chè 28 Tháng 3 rộng hàng trăm ha cũng phá bỏ để đô thị hóa, xây dựng Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng II, các công trình xã hội khác. Hay như huyện Bảo Lâm, Di Linh trong quá trình xây dựng, mở rộng các công trình đều thu hồi đất của các nông trường chè nên diện tích nhìn chung, kể cả chè chất lượng cao ngày một bị giảm dần” - ông Phương nói.

Theo ông Phương nhận định, giá chè thấp vài năm qua có nguyên nhân lớn xuất phát từ việc thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Một số thị trường trước đây họ đặt ra tiêu chuẩn thấp, chè của Lâm Đồng hoàn toàn đủ tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ, Trung Đông... (0,005 ppm). Tuy nhiên, từ năm 2014 tới nay, một số thị trường quy định chất fibronil cho phép chỉ 0,002 ppm khiến nhiều lô chè xuất khẩu của doanh nghiệp cả nước bị trả lại. “Hàng rào kỹ thuật cao, chè xuất khẩu lại không có thương hiệu nên mặc dù chất lượng đạt nhưng giá bán rất thấp, chỉ khoảng 2,5 tới 2,8 USD/kg đã tác động ngược lại tình hình sản xuất, khiến nhiều người dân thay cây chè bằng các cây trồng cho năng suất cao hơn” - ông Phương cho hay.

Kỳ 2: Cần cơ cấu lại ngành chè Lâm Đồng

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Chính Thành

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.