|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Báo cáo] Thị trường thép tháng 4/2024: Xuất khẩu thép xây dựng bật tăng, HRC sụt giảm

10:04 | 02/06/2024
Chia sẻ
4 tháng đầu năm, sản xuất thép thành phẩm của Việt Nam đạt 9,36 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tiêu thụ đạt 9,35 triệu tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 2,95 triệu tấn, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), sản lượng thép thô thế giới của 71 quốc gia đạt 155,7 triệu tấn trong tháng 4/2024, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm, sản xuất thép thô ở 71 quốc gia đạt 625,4 triệu tấn, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, sản xuất thép thô ở Trung Quốc đạt 343,7 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023. Đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ sản xuất 49,5 triệu tấn thép thô, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. 

 

4 tháng đầu năm 2024, sản xuất thép thô của Việt Nam đạt 7,15 triệu tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Tiêu thụ đạt 6,96 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 903.000 tấn, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2023

Sản xuất thép thành phẩm đạt 9,36 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tiêu thụ đạt 9,35 triệu tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 2,95 triệu tấn, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2023.

 

Tính riêng tháng 4, bán hàng thép xây dựng đạt 1,19 triệu tấn, tăng 23% so với tháng trước và tăng 62% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 167.562 tấn, tăng 76% so với tháng 4/2023.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định lượng hàng xuất trong tháng 4 phản ánh rõ về nhu cầu vào mùa xây dựng trễ hơn so với kỳ vọng tháng 3. Nhu cầu trên chủ yếu cung cấp cho các công trình, mảng dân dụng vẫn còn ở mức thấp.

Ngoài ra, lượng hàng wire rod cho cán kéo (thay thế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc) cũng chiếm lượng tương đối lớn. Và các nhà máy thúc đẩy mạnh lượng xuất khẩu để cân đối kế hoạch sản xuất và tiêu thụ (xuất khẩu ngoài thị trường Campuchia còn hướng đến các thị trường khác).

Ở chiều ngược lại, bán hàng thép cuộn cán nóng trong tháng 4 ước đạt 491.796 tấn, giảm 15,3% và giảm 16,3% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu giảm gần 50% xuống 145.000 tấn.

VSA cho biết thị trường HRC thế giới biến động, kéo theo thị trường trong nước khó khăn theo. Tính đến giữa tháng 5, giá HRC trung bình tại Việt Nam là 542 USD/tấn, giảm 33 USD/tấn so với tháng 3 và giảm đáng kể so với đầu năm 2023. 

Ngoài ra, Việt Nam hiện mới có hai doanh nghiệp có thể sản xuất thép HRC là Hoà Phát và Formosa. Trong đó, tính riêng lẻ Hoà Phát, lượng bán hàng của doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ giảm nhẹ so với tháng 3.

Cụ thể, Hoà Phát tiêu thụ 252.000 tấn thép HRC trong tháng 4, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. So sánh với tháng 3, con số này giảm 3%.

Hoà Phát và Formosa cho rằng việc Trung Quốc bán phá giá thép  HRC tại thị trường Việt Nam và thế giới đang ảnh hưởng đến hoạt động tiêu thụ sản phẩm này.

Chi tiết tiết báo cáo thị trường thép tháng 4/2024 tại đây:

 

Nội dung: Phạm Mơ - Lan Hương - Hoàng Kiều; Thiết kế: Vân Miên