|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ngành thép hồi phục không đồng đều, có đơn vị rơi vào 'vòng xoáy vay nợ'

16:05 | 28/05/2024
Chia sẻ
Ngành thép đang chứng kiến sự phân hóa cao khi các doanh nghiệp đầu ngành tận dụng được những tín hiệu tích cực ít ỏi, trong khi các đơn vị nhỏ hơn gặp nhiều thách thức về dòng tiền dẫn đến rơi vào vòng xoáy nợ.

Hồi phục chưa đồng đều 

Bức tranh kinh doanh của ngành thép trong quý I/2024 chứng kiến sự phân hóa rõ rệt khi phần lớn sự phục hồi tập trung ở các doanh nghiệp đầu ngành như Hòa Phát, Nam Kim và Hoa Sen. Trong khi các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn vẫn đối mặt với nhiều thách thức. 

Theo thống kê của VPBankS Research, ngoại trừ 3 công ty trên, doanh thu các công ty thép còn lại trên thị trường chứng khoán giảm 15%. Xét về số lượng, khoảng 63% số doanh nghiệp (bao gồm cả sản xuất và thương mại) bị sụt giảm nguồn thu. 

"Điều này cho thấy toàn ngành vẫn đang gặp nhiều khó khăn", chuyên gia VPBankS nhận định, nhất là các doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước vẫn khó tìm đầu ra cho hàng hóa. 

 Nguồn: VPBankS. 

Thực tế, Hòa Phát ghi nhận doanh thu tăng trưởng 16% lên 30.852 tỷ trong quý đầu năm và lãi ròng gấp hơn 7 lần cùng kỳ đạt 2.871 tỷ đồng. Tương tự, doanh thu Hoa Sen và Nam Kim cũng tăng trưởng lần lượt 32% và 21% so với cùng kỳ. 

Trong khi đó, doanh số của Thương mại SMC sụt giảm 43% trong kỳ còn hơn 2.200 tỷ đồng. Doanh thu VNSteel giảm 10% còn hơn 7.500 tỷ. Thép Pomina có 2 nhà máy ngừng hoạt động khiến doanh nghiệp lỗ ròng 225 tỷ đồng... 

Sự phân hóa chủ yếu đến từ cạnh tranh đầu ra khi thị trường nội địa ảm đạm, các doanh nghiệp tăng trưởng chủ yếu nhờ đa dạng hóa thị trường, quy mô công nghệ hay khả năng đàm phán trong thị trường dư cung. 

Chẳng hạn, các dự án đầu tư công được đẩy mạnh với trọng tâm là cao tốc có hàm lượng thép thấp, các công trình cầu đường và sân ga bến đỗ thường là phân loại thép chất lượng cao nên đòi hỏi công nghệ cao, điều mà các doanh nghiệp thép vừa và nhỏ vẫn còn hạn chế.

Theo chuyên gia VPBankS, quãng thời gian khó khăn của ngành thép đã trôi qua và thị trường đào thải những doanh nghiệp yếu kém. Các đơn vị có thể tái cấu trúc, tiết giảm chi phí đang từng bước hồi phục chờ đợi chu kỳ mới.

Các chỉ số biên lợi nhuận của hầu hết doanh nghiệp thép đã tạo đáy từ năm 2022 và đang trên đà hồi phục. Lợi nhuận trước thuế của đa số doanh nghiệp nhìn chung đã thoát khỏi ngưỡng âm. 

Nhóm phân tích nhận thấy thị trường vẫn còn nhiều biến số về giá thép, than cốc, quặng sắt... nên những doanh nghiệp nào có khả năng chủ động và quản lý hàng tồn kho tốt sẽ ghi nhận sự cải thiện biên lợi nhuận rõ rệt hơn nữa trong năm 2024. 

Trong vòng xoáy nợ vay

Dù đã có những tín hiệu đi qua vùng đáy và chuẩn bị cho chu kỳ mới, các khó khăn của ngành thép vẫn đang hiện hữu khiến nhiều doanh nghiệp vẫn gia tăng đòn bẩy để gồng đỡ chờ đợi thời cơ mới. 

Thực tế, nợ vay của các doanh nghiệp ngành thép đang tăng nhanh trong quý I, về gần mức vay nợ trong thời điểm ngành này chạm đáy chu kỳ năm 2022. 

"Khả năng đáp ứng về tỷ lệ nợ và khả năng trả nợ tốt nhất nằm ở 3 cổ phiếu quen thuộc là HPG, NKG và HSG", chuyên gia phân tích điều này là hợp lý trong giai đoạn đầu của chu kỳ hồi phục, các doanh nghiệp có lợi thế về quy mô sẽ tận dụng được những tín hiệu tích cực ít ỏi với nguồn lực dồi dào.

Phần còn lại của thị trường nhìn chung vẫn duy trì tỷ lệ nợ tương đối lớn, đi kèm chỉ số thanh toán lãi vay rất thấp cho thấy hiệu quả kinh doanh vẫn chưa quá khả quan để có thể bù dòng tiền trả nợ. Nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục cần huy động nợ vay và tạo thành "vòng xoáy vay nợ" tới chu kỳ tiếp theo.

 Nhiều doanh nghiệp thép vừa và nhỏ rơi vào vòng xoáy nợ vay. Ảnh: Hoàng Hà.

Một số thách thức hiện hữu khác như các chỉ số vòng quay hàng tồn kho, vòng quay khoản phải thu tăng lên cho thấy tốc độ đẩy hàng tồn kho của doanh nghiệp bị chậm lại và kéo dài thời gian khách hàng chiếm dụng vốn.

Trong bối cảnh thị trường dư cung, khả năng bán hàng và đàm phán hợp đồng của nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng bị hạn chế, làm ảnh hưởng đến hiệu quả luân chuyển dòng tiền. 

VPBanks nhận thấy mức độ sản xuất của thị trường thép đang ở mức khá cân bằng sau hồi phục và trước một chu kỳ mới, kỳ vọng tăng trưởng sẽ tiếp diễn trong quý II chủ yếu đến từ mức nền thấp cùng kỳ, trong khi vẫn chưa có tín hiệu xác nhận sự quay lại của chu kỳ ngành. 

Động lực chính trong năm 2024 tiếp tục là hoạt động đầu tư công. Các dự án lớn đã hoàn tất khâu đấu thầu cho giai đoạn đầu tiên và đã bước vào thi công, việc huy động lượng lớn vật liệu xây dựng sẽ là một điểm nhấn quan trọng cho ngành. 

Bất động sản dân dụng cũng là yếu tố đầu ra quan trọng. Tuy nhiên, giá trị các dự án hoàn thành và các giao dịch nhìn chung vẫn ở mức thấp, các doanh nghiệp chủ yếu thực hiện nốt các dự án đã xong pháp lý, hoàn thiện đầy đủ thủ tục để bàn giao.

Ngành thép nội địa còn phải đối mặt với sản lượng ồ ạt và giá thép phá đáy từ Trung Quốc. Lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc đã bắt đầu tăng từ giữa năm 2023, tạo ra áp lực lớn khiến nhiều doanh nghiệp phải đệ đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá. 

Huy Lê