|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Báo cáo] Thị trường gạo tháng 2/2024: Thế giới có thể thiếu hụt 7,5 triệu tấn gạo trong niên vụ 2023-2024

13:56 | 19/03/2024
Chia sẻ
Trong báo cáo mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 ở mức kỷ lục 522,9 triệu tấn, tăng 2,7 triệu tấn so với niên vụ trước và vượt sản lượng 7,5 triệu tấn. Với dự báo này, tồn kho cuối kỳ toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 sẽ giảm xuống chỉ còn 169,2 triệu tấn, mức thấp nhất trong 6 năm.

Tiêu thụ gạo của Ấn Độ trong niên vụ 2023-2024 được dự đoán sẽ tăng gần 3,5 triệu tấn so với niên vụ trước lên mức 118 triệu tấn. Ngoài ra, tiêu thụ của Philippines cũng dự kiến tăng 500.000 tấn, Indonesia tăng 400.000 tấn, Mỹ tăng 537.000 tấn…

Ngược lại, tiêu thụ gạo tại Trung Quốc – nước tiêu thụ lớn nhất thế giới, dự báo giảm mạnh hơn 5 triệu tấn, xuống 149,9 tấn.

Đồng thời, USDA cho biết sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 dự báo đạt 515,4 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn so với niên vụ 2022-2023.

Sản lượng của Philippines dự kiến sẽ giảm 325.000 tấn; Ấn Độ giảm khoảng hơn 1,7 triệu tấn; Trung Quốc giảm 1,3 triệu tấn, Indonesia giảm 500.000 tấn, Thái Lan giảm 909.000 tấn… và dự kiến sẽ được bù đắp bởi sản lượng tăng 1,7 triệu tấn tại Pakistan và 1,8 triệu tấn tại Mỹ… 

Nguồn: USDA

Trong khi đó, thương mại gạo toàn cầu trong năm 2024 được USDA dự báo đạt 53,3 triệu tấn (xay xát), tăng 955.000 tấn so với dự báo trước đó và tăng 615.000 tấn so với niên vụ 2022-2023.

Các hạn chế xuất khẩu gạo được Chính phủ Ấn Độ thực hiện trong năm 2022 và 2023 vẫn là yếu tố chính kìm hãm thương mại gạo toàn cầu. 

Xuất khẩu gạo của Ấn Độ vào đầu năm 2024 vẫn trong xu hướng giảm, trong khi các nước khác như Thái Lan, Việt Nam, Pakistan lại đang cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ.  Trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1 triệu tấn gạo với trị giá thu về 735,6 triệu USD, tăng 20,4% về lượng và tăng đến 55,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. 

Các dự báo gần đây cho thấy nhu cầu của Philippines và Indonesia, hai nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao trong năm 2024. Các quốc gia tại châu Phi cũng đang chuyển hướng sang nhập khẩu gạo Việt Nam sau khi Ấn Độ áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu từ giữa năm ngoái.

Tại ĐBSCL, giá lúa gạo trong tuần đầu tháng 3 tăng nhẹ 100 – 300 đồng/kg so với tuần trước, nhưng vẫn giảm khoảng 1.000 – 1.200 đồng/kg (8 – 10%) so với đầu tháng 2. Còn nếu so với cùng kỳ năm ngoái mức giá hiện tại vẫn đang cao hơn khoảng 23% đối với lúa tại ruộng và 35 – 48% đối với gạo.

Giá lúa gạo trong nước và xuất khẩu có dấu hiệu chạm đáy và nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhích dần lên trong thời gian tới. Bên cạnh đó, vụ Đông Xuân là vụ lúa có nguồn cung lớn và chất lượng tốt nhất. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu đang tăng cường thu mua gạo dự trữ cho các hợp đồng trong quý II/2024.

Về nhập khẩu, số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ cho thấy, trong tháng 1, Việt Nam đã bất ngờ vươn lên vị trí thứ ba trong danh sách các nước nhập khẩu gạo hàng đầu từ Ấn Độ với khối lượng đạt 78.713 tấn, trị giá 32,7 triệu USD, tăng 58,5% về lượng và tăng tới 2,2 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo nhập khẩu đạt  bình quân 415 USD/tấn, tăng 35%.

Chi tiết báo cáo thị trường gạo tháng 2/2024 tại đây:   

Hoàng Hiệp

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).