|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Báo cáo] Thị trường đường tháng 2/2022: Xung đột Nga - Ukraine gián tiếp tác động đến thị trường đường

16:17 | 20/03/2022
Chia sẻ
Xung đột giữa Nga và Ukraine không ảnh hưởng lớn đến cung – cầu đường thế giới bởi cả Nga và Ukraine đều tự cung tự cấp về đường. Tuy nhiên, giá dầu thô tăng cao do xung đột đã kéo giá đường đi lên từ cuối tháng 2.

Theo thông tin từ Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), mặc dù giá dầu thô ở mức cao nhất trong 7 năm gần đây nhưng chỉ số giá giao dịch đường thô và đường trắng trên thị trường thế giới tiếp tục xu hướng giảm trong nửa đầu tháng 2 do triển vọng nguồn cung tăng với các tin tức thời tiết thuận lợi cho phát triển mía tại Bazil và Ấn Độ.

Đến nửa cuối tháng 2, các thông tin và đánh giá khác nhau về khả năng Nga tấn công quân sự Ukraine đã khiến cho thị trường đường không có xu hướng rõ rệt, và chỉ chuyển sang xu hướng tăng vào cuối tháng sau khi Nga chính thức bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine từ ngày 24/2.

Còn theo dữ liệu của tradingeconomics.com, mặc dù giảm trong tháng 2 nhưng với mức tăng vào đầu tháng 3, giá đường thô thế giới từ tháng 7/2021 đến nay vẫn đang đứng ở mức cao nhất trong 4 năm gần đây.

[Báo cáo] Thị trường đường tháng 2/2022: Xung đột Nga - Ukraine tác động gián tiếp đến thị trường đường - Ảnh 1.

Diễn biến giá đường thô thế giới so với các năm trước (Nguồn: tradingeconomics.com. Đơn vị: USD/tấn).

Các nhà phân tích cho rằng giá nhiên liệu tăng có thể khiến lượng đường xuất khẩu của Brazil, nhà cung cấp lớn nhất thế giới ra nước ngoài giảm đáng kể trong mùa vụ sắp tới khi các nhà sản xuất ưu tiên sản xuất ethanol hơn so với sản xuất đường.

Về tình hình cung - cầu, mới đây Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) đã cắt giảm dự báo thâm hụt đường toàn cầu trong niên vụ 2021 - 2022 (tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) xuống 1,9 triệu tấn so với dự báo ban đầu là 2,6 triệu tấn.

Việc cắt giảm này chủ yếu là do dự báo tiêu thụ giảm xuống 172,4 triệu tấn, so với dự báo trước đó là 173 triệu tấn. Trong khi đó, sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2021 - 2022 tăng nhẹ tăng từ 170,4 triệu tấn lên 170,5 triệu tấn.

Còn tại thị trường trong nước, giá đường vẫn giữ ổn định trong tháng 2 khi nhu cầu tiêu thụ giảm do dịch COVID – 19, trong khi nguồn cung dồi dào từ đường nhập khẩu chính ngạch và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam, cộng với đường từ vụ ép 2021 – 2022.

Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam (VSSA), trong tháng 2 tất cả các nhà máy của ngành đường Việt Nam đã vào vụ ép mía. Lũy kế đến cuối tháng 2 toàn ngành đã ép được 3.845.000 tấn mía sản xuất được 365.000 tấn đường.

VSSA dự báo các nguồn cung đường dồi dào và sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 3 và các tháng kế tiếp và ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu và giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới.

Cuộc chiến Nga - Ukraine và các động thái liên quan đến các hoạt động trừng phạt kinh tế có thể gây ra những tác động khó lường đến nguồn cung trên thị trường năng lượng và ngũ cốc thế giới có thể khiến cho thị trường hàng hóa (trong đó có mặt hàng đường) có xu hướng tăng.

Giá đường trong thời gian sắp đến cũng phụ thuộc phụ thuộc vào hiệu quả của các nỗ lực chống gian lận thương mại đường nhập lậu. Nếu việc kiểm soát đường nhập lậu có hiệu quả giá đường sẽ ở mức tiệm cận với giá đường các nước trong khu vực (nhưng vẫn thấp hơn).

Xem chi tiết báo cáo thị trường đường tháng 2/2022 tại đây:

Hoàng Hiệp - Hoàng Kiều - Alex Chu