|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

[Banker cuối tuần] Sếp của bạn có thực sự bất tài như bạn nghĩ?

07:31 | 08/02/2020
Chia sẻ
Gặp phải một người sếp kém cỏi và không hoàn thành nhiệm vụ của họ là trải nghiệm không dễ dàng với nhiều người.
[Banker cuối tuần] Sếp của bạn có thực sự bất tài như bạn nghĩ? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: hronline).

Hầu hết chúng ta đều thường xuyên hoặc thi thoảng phàn nàn về người quản lí của mình. Thực tế, một số người coi đó là trò tiêu khiển nơi làm việc. Tuy nhiên, sự kiểm soát hàng ngày và sự thất vọng chính là cách phân biệt rõ ràng giữa một cấp trên còn thiếu sót về kĩ năng quản lí và một người không đủ năng lực. 

Đối phó với tuýp thứ hai mang lại rất nhiều hậu quả xấu về cả tinh thần cho nhân viên và tài chính cho doanh nghiệp. 

Annie McKee, người sáng lập Viện lãnh đạo Teleos và đồng tác giả cuốn sách Becoming a Resonant Leader: Develop Your Emotional Intelligence, Renew Your Relationships, Sustain Your Effectiveness chia sẻ: “Gặp phải một nhà quản lí bất tài hay đơn giản chỉ không muốn hỗ trợ nhân viên là điều rất phổ biến”.

Nguyên nhân xuất phát từ một thực trạng rằng quá nhiều công ty đưa ra quyết định bổ nhiệm vì những tiêu chuẩn sai lầm. Nhóm người được chọn thường thể hiện kết quả công việc tốt hơn hoặc sở hữu một kĩ năng chuyên môn phù hợp nhưng hoàn toàn thiếu các phẩm chất lãnh đạo cần thiết cho tập thể. 

Michael Useem, Giáo sư Quản lý tại Đại học Wharton và tác giả cuốn Leading Up: How to Lead Your Boss So You Both Win cho rằng dù sếp của bạn thiếu kĩ năng chuyên môn hay quản lí, kết quả vẫn chỉ có một.

“Người quản lí tồi giết chết mọi động lực, năng suất của tổ chức và khiến nhân viên chỉ muốn rời khỏi văn phòng”, ông nói. Nghỉ việc chắc chắn là một lựa chọn dễ dàng với bạn nhưng những người sếp tồi có mặt ở khắp mọi nơi nên thay vì tránh né, bạn có thể thử áp dụng 5 chiến thuật dưới đây để cải thiện tình hình.

5 chiến thuật đối phó với sếp bất tài nơi công sở - Ảnh 1.

Trước khi khẳng định sếp của mình vô dụng, hãy nhìn lại thành kiến bản thân. Ảnh: HBR

Đánh giá chính xác năng lực nhà quản lí

Trước khi khẳng định quản lí của mình vô dụng, hãy nhìn lại thành kiến bản thân để có đánh giá công tâm hơn. Khi nhìn vào sếp, điều đầu tiên bạn cần làm trước khi phán xét là nhìn lại chính mình. 

Nhiều người trong chúng ta thường rơi vào điểm mù khi nói về quản lí của mình. Hãy tự hỏi bản thân rằng bạn có đang ghen tị với vị trí của họ? Bạn có xu hướng thù ghét những người có quyền lực một cách vô thức? Đánh giá của bạn về nhà quản lí có thể không công bằng bởi những định kiến này.

Ngoài ra, hãy cân nhắc lại những nguồn thông tin liên quan và thận trọng với phán đoán cá nhân cho đến khi thu thập được bằng chứng xác thực bởi người quản lí cũng phải chịu rất nhiều áp lực và căng thẳng từ cấp trên của họ. 

Bằng cách tìm hiểu thêm về sếp và xây dựng sự đồng cảm, bạn có thể đánh giá lại năng lực hay thay đổi kết luận tiêu cực ban đầu về tính cách của họ.

Tìm sự giúp đỡ từ người khác

Tìm đến các đồng nghiệp hoặc bạn bè không làm việc cùng công ty để được tư vấn và trút giận cũng là ý tưởng không tồi. Điều này không có nghĩa là than thở bừa bãi về người quản lí của bạn. McKee nói rằng việc phàn nàn không cải thiện bất cứ điều gì. 

Thay vào đó, hãy tìm những người bạn tin tưởng để tâm tình: một đồng nghiệp thân thiết, bạn đời, một người cố vấn hoặc chuyên gia tâm lí để giải thích cảm xúc hiện tại, các tác động xấu đến công việc của bạn và xin lời khuyên. 

Đây không phải là hành động chống lại người quản lí mà chính là để kiểm tra quan điểm của bạn. Những người bên ngoài tình huống có thể cung cấp cho bạn một viễn cảnh mới hoặc đưa ra gợi ý hữu ích về cách đối phó.

Nhớ rằng đây là vấn đề của bạn, không phải của nhà quản lí

Dù năng lực của nhà quản lí tệ hại đến mức nào, bạn vẫn cần phải phối hợp với họ để hoàn thành công việc và thăng tiến trong sự nghiệp. Một cấp trên sẽ phát huy tốt nhất vai trò của họ nếu bạn đưa ra các yêu cầu rõ ràng về những gì cần hỗ trợ. 

Hãy bắt đầu bằng những lời tích cực như: “Tôi muốn hoàn thành tốt công việc và đạt được mục tiêu của công ty. Tôi cần sự giúp đỡ của anh/ chị để làm được điều đó”. 

Tiếp theo, chia sẻ cụ thể về những gì bạn muốn như hỗ trợ chi tiết từ cấp trên, giới thiệu thêm một đồng nghiệp khác, quyền được tiếp cận với khách hàng, v.v... 

Nếu người quản lí không thể giúp đỡ, hãy đề xuất một giải pháp thay thế như hỏi các quản lí bộ phận khác, đề xuất với cấp cao hơn nữa để giải quyết vấn đề.

Chủ động trong công việc

Thay vì từ bỏ một người quản lí tồi tệ, hãy tập trung vào những gì bạn có thể làm để lấp đầy lỗ hổng. Việc thuyết phục các lãnh đạo hiểu được những gì doanh nghiệp đang cần và những gì khách hàng xứng đáng được nhận cần nhiều thời gian. 

Nếu bạn nhận ra người quản lí hiện tại không thể hoàn thành nhiệm vụ, hãy coi đó là sức mạnh để tiến lên. Bạn chỉ cần làm những gì tốt nhất cho tổ chức và vượt khỏi định kiến cá nhân. Đó là cách nhanh nhất để thu hút được sự chú ý từ các nhân vật chủ chốt.

Cân nhắc kĩ trước khi chỉ trích bất cứ ai

Khi bạn làm việc cho một nhà quản lí không hoàn thành trách nhiệm, bạn có thể tìm đến cấp cao hơn hoặc một người lãnh đạo khác trong tổ chức nhưng trước hết, hãy xem xét hậu quả. Hệ thống phân cấp vẫn đang hoạt động tốt và người này có nhiều quyền lực hơn bạn. 

Nếu bạn muốn làm điều gì đó ảnh hưởng đến họ, bạn cần hiểu về chính trị hiện tại trong công ty, McKee cảnh báo. Những người đứng đầu một tổ chức có thể cảm thấy bị đe dọa nếu họ thấy ai đó cố gắng hạ bệ đồng nghiệp của mình và có thể không sẵn lòng giúp đỡ. 

Useem cũng đồng ý rằng đây là việc làm nguy hiểm bởi nếu các cấp trên không hài lòng với điều bạn nói ra, ai sẽ là người đầu tiên bị đuổi việc? Vì vậy, nếu bạn quyết định khiếu nại chính thức, hãy thận trọng và thăm dò tình hình qua một số nguồn tin chính xác.

Cả McKee và Useem đều nhấn mạnh rằng có những trường hợp bạn bắt buộc phải lên tiếng như người quản lí gây ra sự cố nghiêm trọng hay có hành vi vi phạm nội qui doanh nghiệp gât hậu quả xấu.

Chăm sóc bản thân

“Làm việc cho một nhà quản lí bất tài không tốt cho sức khỏe”, McKee nói. Rất nhiều nghiên cứu về tác động tâm lí tiêu cực của trải nghiệm này đều kết luận rằng bạn cần tạo ra một ranh giới bảo vệ mình khỏi các tổn thương về cảm xúc. 

Chúng ta có xu hướng chỉ vào một người quản lí tồi và nói rằng: “Ông ta đang hủy hoại cuộc sống của tôi” nhưng điều này bỏ qua thực tế là bạn hoàn toàn có quyền quyết định ở lại hay ra đi. 

Chúng ta có thể đến văn phòng làm việc mỗi ngày và chỉ nghĩ tới ông sếp khủng khiếp đó hoặc dành thời gian tận hưởng niềm vui từ các đồng nghiệp thú vị hay khách hàng đặc biệt. “Quyền lựa chọn cảm xúc cũng là của bạn”, McKee nói.

Tất nhiên, nếu bạn không thể làm được điều đó, không có lí do nào buộc bạn phải chịu đựng căng thẳng vô thời hạn. Đã tới lúc bạn nên tìm kiếm một nhà lãnh đạo mới phù hợp hơn để phát triển sự nghiệp bản thân.

Thu Phương