|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

3 chiến thuật giúp bạn vượt qua tình trạng mệt mỏi sau nghỉ lễ

15:04 | 06/01/2020
Chia sẻ
Tháng 1 sau kì nghỉ Tết Dương lịch dường như là khó khăn với rất nhiều người khi nghỉ lễ Tết Âm cũng sắp tới gần.

Vào khoảng tuần thứ ba của tháng 12, công việc tại các văn phòng bắt đầu chậm lại. Những bữa liên hoan Giáng sinh, tất niên, mừng năm mới…; khách hàng và người mua khó tiếp cận hơn; năng lượng và động lực của bạn giảm dần; nhiều đồng nghiệp thậm chí đã xin nghỉ phép để về quê tận hưởng ngày lễ với gia đình.

Và sau đó, tháng 1 đến cùng với công việc và lịch trình như trước nhưng sau 1-2 tuần tràn đầy tinh thần thư giãn, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, thiếu động lực, khó bắt nhịp lại với công việc cũ. Bạn không đơn độc. 

Có một số nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng tâm lí nho nhỏ hậu nghỉ lễ này và may mắn thay, bạn hoàn toàn có thể thoát khỏi chúng, theo nghiên cứu từ Harvard Business Reviews (HBR).

Tập trung vào tương lai

Năm mới thường là dịp để mọi người nhìn lại năm vừa qua. Nghiên cứu trên lí thuyết mức độ cho thấy một người càng ở trạng thái xa với thời gian, không gian hoặc xã hội hiện tại thì não bộ người đó càng nảy ra nhiều suy nghĩ trừu tượng.

Rời khỏi văn phòng và hồi tưởng lại cả năm qua dẫn luồng suy nghĩ của bạn về những gì bạn đã đóng góp ngoài những nhiệm vụ thông thường. Tư duy này hoàn toàn tự nhiên và lành mạnh.

Rốt cuộc, đóng góp của bạn trong năm qua không phải là 16.471 email bạn đã gửi mà là các mối quan hệ bạn đã củng cố, các dự án bạn đã tham gia và những mối quan hệ đối tác tốt đẹp nhờ hòm email đó.

Ngược lại, ngoài cảm giác tự hào về một số thành tựu, bạn cũng có thể nghĩ về thất bại và đây chính là nguyên nhân gây chán nản ở nhiều người.

Tất nhiên, nhìn nhận lại các thất bại trong năm trước là điều không mấy dễ chịu và vào đầu năm mới, bạn có thể sẽ bắt đầu hối tiếc và ước gì mình đã làm khác đi trong quá khứ. Lối tư duy này thực sự tăng cảm giác chán nản, lo lắng, giảm động lực làm việc.

Khi quay trở lại văn phòng, điều quan trọng nhất là bắt đầu mong chờ tương lai thay vì quay về quá khứ. Coi những mục tiêu bạn muốn thực hiện là thách thức mới và nguồn năng lượng tích cực chứ không phải sự trừng phạt cho những sai lầm cũ. Tập trung vào 365 ngày sắp tới và nắm bắt cơ hội mới để thành công có thể giúp bạn khởi động lại nguồn năng lượng nội tại.

3 chiến thuật giúp bạn vượt qua tình trạng mệt mỏi sau nghỉ lễ - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: HBR).

Xác định các mục tiêu cụ thể

Dù tốt hay xấu, trải nghiệm trong 365 ngày vừa qua có thể đã khiến bạn mong muốn hoặc quyết tâm thực hiện một vài thay đổi. Đây là điều tốt nhưng nếu sự thay đổi của bạn đang quá trừu tượng như kiếm được nhiều tiền hơn, thành công hơn, thì hãy cụ thể hóa chúng thành nhiệm vụ chi tiết như kiếm được một công việc mới, trở thành nhà quản lí hay đội trưởng.

Trên thực tế, những mục tiêu trừu tượng rất dễ bị bỏ qua bởi chúng quá mơ hồ và thiếu ý nghĩa. Trong khi đó, các hành động cụ thể dẫn đến kết quả mong muốn sẽ hình thành ý định thực hiện cho bạn. Điều này đòi hỏi bạn chia mục tiêu chung thành các nhiệm vụ nhỏ hơn trên lịch trình sắp tới.

Việc cụ thể hóa này có hai lợi ích. Đầu tiên, nó đòi hỏi bạn phải suy nghĩ về những gì thực sự cần làm để đạt được mục tiêu. Bạn có thể phát hiện ra rằng bạn không hiểu rõ tất cả các bước hoặc một số bước lại liên quan đến các kỹ năng bạn cần học. Trong trường hợp đó, một người cố vấn hoặc ai đó giàu kinh nghiệm có thể giúp bạn.

Thứ hai, kế hoạch cụ thể buộc bạn phải vật lộn với lịch trình dày đặc hiện tại. Một trong những lý do phổ biến tại sao mọi người thường không đạt được các mục tiêu quan trọng là họ không thể sắp xếp thời gian để thực hiện các bước dẫn đến thành công. 

Khi bạn cố gắng thêm các hoạt động mới vào lịch trình, bạn buộc phải tìm ra các khoảng thời gian còn trống, những gì bạn đang trì hoãn và tìm giải pháp thay thế các hoạt động kém hiệu quả hơn bằng cách thuê ngoài hoặc nhờ sự giúp đỡ của người thân.

So sánh đúng cách

Nguyên nhân thứ 3 gây ra cảm giác khủng hoảng tâm lí sau nghỉ lễ chính là thói quen so sánh vô thức của chúng ta. Con người không đánh giá mọi thứ trên một quy mô tuyệt đối mà thay vào đó, lại định nghĩa thành công theo một số tiêu chuẩn nhất định bằng cách so sánh bản thân với người khác.

Có hai loại so sánh. So sánh đi lên là việc so sánh bản thân bạn với một người tốt hơn trong lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, bạn vừa thấy một người bạn học cũ được thăng chức, một đồng nghiệp vừa mua được chiếc xe mà bạn ao ước bao lâu nay. 

Những so sánh này có xu hướng khiến bạn cảm thấy tồi tệ về bản thân bởi chúng làm nổi bật những gì người khác có mà bạn không có, dù đó là tiền, vị trí xã hội hay các mối quan hệ. 

So sánh đi xuống là so sánh với một người tồi tệ hơn bạn. Loại so sánh này thường làm cho bạn cảm thấy an tâm hơn về bản thân nhưng thật không may, cả hai loại đều gây ảnh hưởng xấu đến động lực của bạn. 

Nếu so sánh đi lên khiến bạn thất vọng, luôn chỉ nhìn thấy nhóm người thành công hơn, hạnh phúc hơn hoặc giàu có hơn thì so sánh đi xuống lại tạo cho bạn cảm giác thỏa mãn hơn về những gì đang có và đã đạt được, nhưng cũng đồng thời lấy đi động lực tiếp tục cố gắng của bạn. 

Cách mọi người đang sử dụng mạng xã hội để công khai những điều tốt đẹp và hạnh phúc dễ khiến bạn tin rằng hầu hết mọi người đang làm tốt hơn mình và cảm giác tự ti trở nên khủng khiếp hơn bao giờ hết.

Ngược lại, khi bạn quá dễ dàng hài lòng với những gì đang có, cảm xúc kéo dài trở thành thói tự mãn. Năng lượng thúc đẩy một người cố gắng đến từ sự không hài lòng với điều gì đó trong hiện tại và quá trình xây dựng kế hoạch chi tiết để thay đổi điều đó.

Bạn không thể ngăn chính mình tiếp tục ngầm đưa ra so sánh nhưng có thể kiểm soát những so sánh đó và tận dụng chúng làm động lực. Ví dụ, hãy tìm kiếm một ai đó có nhiều điểm tương đồng với bạn và đang làm tốt hơn bạn một chút, vừa đủ để cho bạn thấy được những gì cần cải thiện. 

Bạn cũng có thể so sánh bản thân với quá khứ. Hãy nhìn vào quỹ đạo phát triển của chính mình để nhận ra rằng ngay cả khi bạn chưa đạt được tất cả các mục tiêu đã đề ra, bạn vẫn đang tiến bộ theo thời gian. Công nhận sự phát triển của bản thân sẽ giúp bạn thêm vững chắc niềm tin để đạt đến tầm cao mới.

Không ai muốn bắt đầu năm mới theo lối mòn cũ kĩ nhưng nhiều người trong chúng ta lại bước vào tháng 1 với quá nhiều hồi tưởng và cảm giác tiêu cực về những gì chưa hoàn thành. Dù vậy, chỉ với một số thay đổi nhỏ trong quan điểm và tư duy, 2020 chắc chắn sẽ là một năm thành công với bạn.

Thu Phương