Nghệ thuật phản bác trong buổi phỏng vấn xin việc
Trong một buổi phỏng vấn xin việc, hầu hết chúng ta đều nhắm tới mục tiêu duy nhất: gây ấn tượng với nhà tuyển dụng để được nhận và tất nhiên, chúng ta phải đồng ý mọi thứ với người phỏng vấn để thành công.
Điều này dẫn đến nhiều cái gật đầu từ cả hai phía, ngay cả khi bạn không hoàn toàn tin tưởng những gì người kia đang nói. Lối trao đổi không trung thực cố ý này có thể giúp bạn có được công việc nhưng đồng thời mang đến những suy nghĩ và quan niệm sai lầm rất tai hại sau khi bạn nhận việc.
Trên thực tế, bày tỏ ý kiến của mình một cách trung thực trong buổi phỏng vấn, thể hiện bản thân theo cách riêng của bạn mới là yếu tố đem lại thành công lâu dài, theo Havard Business Reviews. Cuộc trao đổi lí tưởng nhất giữa 2 bên đòi hỏi một vài bất đồng lành mạnh, thể hiện khả năng tò mò và tính hợp tác của ứng viên.
Thay vì xem đó là xung đột, hãy tiếp cận một điểm bất động như khởi đầu cho cuộc thảo luận, tranh luận và giải quyết vấn đề lành mạnh. Nếu câu trả lời thẳng thừng "Tôi không đồng ý" có thể chấm dứt tất cả thì phản hồi khéo léo hơn như "Đây là những gì tôi thấy (khách quan về công ty) hoặc "Đây là kinh nghiệm cá nhân tôi đã thấy trong ngành…".
Thực tế cho thấy trường hợp không đồng tình với người phỏng vấn thường xuyên xảy ra và sự mất cân bằng về quyền lực khiến bạn cho rằng lời phản đối của bản thân sẽ làm hỏng cả buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, bạn có thể điều hướng những nhược điểm tiềm năng này bằng cách thực hiện một số giải pháp trước, trong và sau buổi gặp.
Việc tìm hiểu văn hóa một công ty trước buổi phỏng vấn là điều hết sức quan trọng. Ảnh: Getty
Thực hiện nghiên cứu trước buổi phỏng vấn
Việc tìm hiểu văn hóa một công ty để hiểu liệu đó có phải nơi mọi người tiếp thu những ý tưởng mới hay không là rất quan trọng. Người sáng lập hay đội ngũ lãnh đạo có tinh thần cởi mở, thoải mái hay tư duy bảo thủ, cố chấp? Môi trường làm việc có khuyến khích nhân viên giao tiếp thường xuyên và đổi mới hay không?
Những thông tin này có thể dễ dàng tìm thấy trên các mạng xã hội như Glassdoor, LinkedIn, Twitter, Facebook và Reddit. Nếu bạn biết ai đó đang làm việc tại công ty này, hãy tận dụng nguồn thông tin quý báu để trang bị cho bản thân.
Cho bản thân thời gian suy nghĩ
Trong cuộc phỏng vấn, nếu người phỏng vấn nêu điều gì đó hoặc hỏi một câu hỏi khiến bạn cảm thấy không ổn, hãy kiềm chế bản thân để không trả lời ngay lập tức. Thay vào đó, dành một chút thời gian để sắp xếp lại suy nghĩ để đưa ra câu trả lời thuyết phục nhất.
Điều này thể hiện rằng bạn là người chín chắn và biết cách giải quyết vấn đề. Đừng háo hức lấp đầy khoảng trống với bất cứ thứ gì xuất hiện trong đầu bạn mà hãy phản ứng tinh tế, trưởng thành hơn.
Xin phép nói thẳng
Bất cứ khi nào bạn cảm thấy cần phải phản đối nhà tuyển dụng, hãy chuẩn bị tâm lý cho họ bằng cách xin phép được đưa ra quan điểm khác như "Tôi cảm thấy có một góc nhìn khác cho vấn đề này và tôi có thể chia sẻ quan điểm của mình được không?".
Cách làm này có hiệu quả vì 2 lý do. Đầu tiên, người phỏng vấn không cảm thấy đang bị chỉ trích. Thứ hai, đặt câu hỏi gợi sự tò mò cho người phỏng vấn. Bạn không có ý định áp đảo quan điểm của họ mà đang mời họ cùng xem xét và thảo luận.
Tin vào bản năng
Xuyên suốt cuộc phỏng vấn, bạn nên lắng nghe bản năng của mình. Nếu bạn nghĩ rằng phản đối ý kiến của nhà tuyển dụng không mang lại lợi ích nào, tất nhiên bạn nên im lặng. Sau đó, bạn có cảm thấy hào hứng và tự tin không? Hay cảm thấy thất bại và chán nản? Những cảm giác đó có thể là dấu hiệu tốt cho thấy tương lai của bạn ở công ty này.
Từ những gì bạn quan sát, những nhà quản lý trong công ty này có sẵn sàng thay đổi hay chào đón những quan điểm trái chiều? Nếu cuộc phỏng vấn làm bạn khó chịu hay thể hiện rõ rằng mọi thứ tại đây không bao giờ được đi trật khỏi quỹ đạo hiện tại, hãy tin vào bản năng của mình thay vì tự viện những lý do ngớ ngẩn và chấp nhận công việc không phù hợp.
Hãy nhớ rằng bày tỏ ý kiến trái chiều trong buổi phỏng vấn được chấp nhận nghĩa là điều đó cũng sẽ được khuyến khích khi bạn đã là nhân viên của công ty.
Một cuộc phỏng vấn là con đường giao tiếp hai chiều và trong khi nhà tuyển dụng có công việc bạn mong muốn thì bạn cũng có những kĩ năng và chuyên môn họ cần. Khi bày tỏ ý kiến thực sự của mình, bạn đang cho cả hai phía biết được mối quan hệ có phù hợp để tiếp tục lâu dài hay không.