7 thách thức tài chính cho giới trẻ ngày nay
Thế hệ trẻ ngày nay được biết đến như những người am hiểu công nghệ, dám theo đuổi đam mê và xuất sắc trong nhiều lĩnh vực nhưng đồng thời, họ cũng phải đối mặt với gánh nặng tài chính lớn hơn bao giờ hết.
Phần lớn lí do là bởi thế hệ này đã lớn lên hoặc gia nhập lực lượng lao động vào thời điểm Đại suy thoái diễn ra, ảnh hưởng mạnh mẽ tới thói quen và quan điểm về tài chính của họ.
Dù giới trẻ Mỹ được hưởng lợi từ quyết định tăng lương 67% kể từ năm 1970, theo báo cáo của Student Loan Hero, mức tăng này không theo kịp với chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ. Cùng với đó, nợ sinh viên, tỉ lệ lạm phát cao và nhu cầu tiết kiệm cho các mục tiêu lớn như mua nhà hay nghỉ hưu cũng là thách thức không hề nhỏ nhưng nhiều bạn trẻ hiện nay hoàn toàn thiếu hiểu biết về tài chính để giải quyết vấn đề một cách độc lập.
Business Insider đã liệt kê 7 vấn đề tiền bạc quan trọng nhất của giới trẻ hiện nay.
Nợ sinh viên cao hơn bao giờ hết
Các khoản nợ cho giáo dục cao đẳng, đại học đang là vấn đề chung của thế hệ đầu 9x. Học phí đại học đã tăng hơn gấp đôi kể từ những năm 1980 dẫn đến mức nợ cao nhất mọi thời đại. Tại Mỹ, số nợ trung bình của mỗi sinh viên tốt nghiệp ở mức 17.126 USD, theo Business Insider.
Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học & Nghệ thuật Mỹ cũng cho thấy không chỉ số lượng sinh viên vay nợ tăng 10% từ năm 2000 đến năm 2012 mà số tiền vay cũng ngày càng lớn hơn, tích lũy trung bình tăng từ 16.500 USD lên 20.400 USD trong cùng thời điểm.
Thách thức tài chính cho người trẻ phần lớn đến từ giá cả tăng giảm đột biến của thị trường. Ảnh: Getty
Tiết kiệm mua nhà không hề dễ dàng
Giá bất động sản có xu hướng nhảy vọt và người trẻ đang phải trả một số tiền khổng lồ để sở hữu nhà ở.
Người trẻ mua nhà lần đầu ngày nay phải trả nhiều hơn 39% so với thế hệ phụ huynh của họ vào những năm 1980, theo Student Loan Hero. Trên thực tế, giá trị bất động sản đã tăng 73% kể từ những năm 1960.
Có lẽ đây là lí do tại sao số lượng người trẻ sở hữu nhà ở hiện nay đang ở mức thấp kỉ lục bởi thời gian tiết kiệm đủ cho khối tài sản này không ngắn. Tại một số thành phố lớn, 20% giá trị một ngôi nhà có thể cần tới 10 năm tích lũy, theo báo cáo của SmartAsset.
Giá thuê nhà ngày càng đắt đỏ
Trong khi đó, nhóm người không có ý định mua nhà cũng không dễ chịu hơn khi phải dành phần không nhỏ trong thu nhập hàng tháng cho tiền thuê nhà.
Giá thuê nhà đã tăng 46% trong giai đoạn 1960 - 2000, theo Student Loan Hero. Năm 1960, tiền thuê nhà trung bình là 71 USD, tương đương 588 USD ngày nay. Đến năm 2000, con số đó đã tăng lên 602 USD, tương đương 866 USD hiện hành.
Nhiều người trẻ đang vật lộn để làm giàu
Theo báo cáo của Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis, người trẻ sinh vào những năm 1980 có nguy cơ trở thành "thế hệ thua lỗ" do thói quen tích lũy tài sản.
Báo cáo cho thấy đến năm 2016, nhóm tuổi này có mức độ giàu có thấp hơn 34% so với mức tiềm năng nếu khủng hoảng tài chính không xảy ra. Họ trở thành thế hệ phục hồi sau Đại suy thoái chậm nhất và vẫn đang phải vật lộn để bắt kịp với các thế hệ khác.
Trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già đòi hỏi chi phí lớn
Theo Clare Ansberry của The Wall Street Journal, người trẻ ngày càng có ý thức cao hơn trong việc chăm sóc cha mẹ già. Tỉ lệ người trẻ chăm sóc cha mẹ tại Mỹ đã tăng 2% kể từ năm 2009, theo WSJ.
Và dù thu nhập thấp hơn, người trẻ đang phải chi tiêu nhiều hơn để phụng dưỡng cha mẹ già. Scott Williams của tổ chức toàn cầu Embrace Careers nói với Ansberry rằng người trẻ dành 27% thu nhập để chăm sóc cha mẹ so với các thế hệ khác và ⅓ số đó có thu nhập trung bình dưới 30.000 USD/ năm.
Chi phí chăm sóc người cao tuổi trung bình tại Mỹ dao động từ 18.000 USD/ năm đối với các nhu cầu cơ bản tại nhà đến 91.000 USD/ năm cho dịch vụ chất lượng cao trong viện dưỡng lão, theo Business Insider đưa tin.
Được cha mẹ hỗ trợ tài chính
Và trên thực tế, những người không chăm sóc cha mẹ không phải vì vô tâm mà bởi họ vẫn đang hoàn toàn phụ thuộc tài chính vào cha mẹ. Hơn một nửa số người Mỹ (53%) trong độ tuổi từ 21 - 37 vẫn nhận được hỗ trợ tài chính từ phụ huynh, người giám hộ hoặc thành viên gia đình, theo Chỉ số An ninh Tài chính Quốc gia Mỹ.
Số tiền này được dành cho mọi nhu cầu cơ bản từ nhỏ đến lớn như tiền viễn thông, nhu yếu phẩm, xăng xe, bảo hiểm y tế và tiền thuê nhà.
Người trẻ cần tiết kiệm nhiều tiền hơn cho nghỉ hưu
Do lạm phát, 1 triệu USD không còn giá trị như trước đây. Trong 40 năm tới (khoảng thời gian người trẻ sẽ nghỉ hưu), 1 triệu USD tiền tiết kiệm chỉ có giá trị tương đương với 306.000 USD ngày nay, theo ước tính của tạp chí Time 2016.
Điều này đồng nghĩa với việc người trẻ cần tiết kiệm nhiều hơn cho nghỉ hưu nhưng nhóm người 25 - 34 tuổi hiện nay chỉ đang tiết kiệm trung bình 5,3% thu nhập của họ, theo Vanguard.
Nhiều người trẻ cũng đang đầu tư không chính đáng, thích sử dụng các khoản đầu tư tiền mặt, không mang lại lợi nhuận lớn.
"Người trẻ hiện nay có gánh nặng tiết kiệm hưu trí lớn nhất trong lịch sử", Greg McBride, nhà phân tích tài chính của Bankrate.com nói với Business Insider. "Sổ tiết kiệm họ phải tích lũy sẽ nhiều hơn bất kì thế hệ nào khác".