5 giải pháp biến căng thẳng thành tài sản giá trị
Hầu hết chúng ta đều hiểu rằng căng thẳng tài chính tồi tệ như thế nào: sức khỏe suy giảm, các mối quan hệ xấu đi và hiệu suất làm việc bị sa sút. Dù những rủi ro này đều là thật, một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng căng thẳng về tài chính, nếu được quản lí chính xác, thực sự có thể tác động tích cực đến năng suất và hiệu suất. Vậy làm thế nào để chịu được sự căng thẳng đang dần giết chết tinh thần và thậm chí biến nó thành nguồn tài sản giá trị?
Chúng ta không thể tránh khỏi căng thẳng. Thế giới hiện đại luôn tràn ngập những lo lắng, thay đổi và hoang mang. "Bạn phải làm quen với điều đó", chuyên gia Justin Menkes trong lĩnh vực đánh giá tài năng giới quản lí và tác giả cuốn Better Under Pressure: How Great Leaders Bring Out the Best in Themselves and Others nói.
Cùng Menkes, chuyên gia tâm lí học Shawn Achor cũng đồng ý rằng tiếp cận với căng thẳng đúng cách có thể mang lại hiệu quả tích cực. "Căng thẳng tốt hay xấu tùy thuộc vào cách bạn sử dụng nó", Achor nói. Trên thực tế, cách bạn quản lý áp lực có thể cho thấy bạn là một nhà lãnh đạo và đem lại lợi thế trong công việc và tài chính cá nhân. Dưới đây là 5 nguyên tắc biến căng thẳng tài chính thành tài sản giá trị.
1. Xác định nguyên nhân lo lắng
Căng thẳng tài chính tiêu cực thường xảy ra bởi mọi người không thể bình tĩnh tìm hiểu căn nguyên gây ra lo lắng mà chỉ đơn thuần chấp nhận cảm giác đó. Những phản ứng tăng cường của căng thẳng trong cơ thể như tim đập nhanh, đau đầu - là một chỉ số về mức độ bạn quan tâm đến nhiệm vụ bạn sắp làm.
Trên thực tế, theo Menkes, mức độ căng thẳng bạn cảm thấy có liên quan trực tiếp đến tầm quan trọng của rắc rối đó. "Nếu việc không quan trọng, bạn sẽ không lo lắng", Mendes nói.
Khi bạn đã hiểu rằng lo lắng chỉ là một dấu hiệu chứ không phải triệu chứng rối loạn chức năng hoặc nguyên nhân gây hoảng loạn, bạn có thể phản ứng theo cách hợp lí hơn.
Thêm vào đó, hãy nhớ rằng căng thẳng không kéo dài mãi mãi. Mọi loại cảm xúc đều mang tính nhất thời dù vào thời điểm đó, bạn cảm thấy như nó sẽ vĩnh viễn ở đó. "Bạn chỉ cần 5 phút để bình tĩnh lại trong mọi tình huống", Menkes nói thêm.
Một khi bạn đã nhận ra nguyên nhân gây lo lắng, hãy điều chỉnh suy nghĩ bản thân. Ảnh: Getty
2. Sau đó, điều chỉnh lại căng thẳng
Một khi bạn đã nhận ra nguyên nhân gây lo lắng, hãy điều chỉnh suy nghĩ của mình. Nghiên cứu của Achor cho thấy cách bạn nhìn nhận căng thẳng quyết định đến cách bạn đối phó. Các nhà đầu tư nghiệp dư thường xuyên bị cảm xúc chi phối khi thị trường biến động.
Bộ não của chúng ta hoạt động tốt hơn nhiều ở trạng thái tích cực so với tiêu cực, trung tính hay căng thẳng. Khi tràn ngập tiêu cực và lo lắng, não của bạn sẽ chuyển sang chế độ hiếu thắng hoặc trốn tránh, hạn chế khả năng tư duy logic thông thường để giải quyết vấn đề tiền bạc.
Nếu bạn là người tích cực và thoải mái, bộ não của bạn sẽ mở rộng và xây dựng tư duy, cho phép bạn xử lí nhiều thông tin hơn. Lựa chọn hoàn toàn là của bạn. "Khi gặp căng thẳng trong cuộc sống, có thể cố gắng coi đó là một thách thức thay vì một mối đe dọa", Achor chia sẻ. Sự thay đổi về tinh thần này đem lại cho bạn cảm giác chủ động đối phó thay vì tê liệt.
3. Tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát
Một trong những điều tích cực nhất bạn có thể làm khi phải đối mặt với tình trạng căng thẳng tài chính là xác định rõ những gì bạn có thể và không thể kiểm soát. Quá nhiều người dành thời gian để lo lắng về những điều rất dễ để thay đổi như thói quen chi tiêu của con cái, một khoản tiền lớn đã tiêu sai mục đích...
Achor khuyến khích những người đang căng thẳng nên lập 2 danh sách những điều có thể thay đổi và không thể thay đổi. Hãy bỏ qua danh sách thứ 2 để tập trung tới các giải pháp thực tế hơn như kế hoạch tiết kiệm, tìm việc làm tăng thu nhập,...
4. Xây dựng mạng lưới hỗ trợ
Biết rằng có ai đó sẵn sàng giúp đỡ có tác động tinh thần rất lớn. Trong cuộc sống, những trợ giúp về tài chính luôn luôn sẵn sàng nếu bạn biết cách sắp xếp và đầu tư cho những mối quan hệ. Ngay cả khi bạn không cần tới trợ giúp, cảm giác an toàn vẫn hỗ trợ đáng kể tâm lí.
Vì vậy, Menkes khuyên mọi người nên xây dựng các mối quan hệ hỗ trợ, thậm chí cả số điện thoại của các nhà tư vấn tài chính, công ty tín dụng hay ngân hàng trong trường hợp cấn kíp.
5. Có kinh nghiệm xử lí căng thẳng
Theo Menkes, cách tốt nhất để học xử lí căng thẳng tài chính là luyện tập. Nếu cơ thể bạn không quen với căng thẳng, bạn sẽ dễ hoảng loạn và rơi vào một vòng luẩn quẩn không thể phá vỡ. Điều này thường xảy ra ở những người trẻ tuổi bởi họ có xu hướng phản ứng mãnh liệt hơn những người lớn tuổi.
Tuy nhiên, điều này có thể được kiểm soát bằng kinh nghiệm. Đừng đợi đến khi tình huống nghiêm trọng xảy ra mới bắt đầu thử nghiệm các phương pháp đối phó. Hãy nghĩ về những giải pháp tài chính cho các trường hợp xấu nhất, nơi bạn có thể tìm kiếm lời khuyên...
Áp lực và sợ hãi chính là động lực cho bạn cải thiện sức chịu đựng của bản thân cũng như rèn luyện khả năng đối phó với các rắc rối tài chính trong tương lai.