|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

3 bước xây dựng kế hoạch tài chính cho người vừa làm cha mẹ

09:51 | 06/01/2020
Chia sẻ
Kế hoạch tài chính cho một gia đình nhỏ là điều không dễ dàng với các bậc phụ huynh trẻ tuổi.

Nếu bạn là một người vừa làm cha mẹ lần đầu và đang chật vật với việc cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình, bí quyết chính là ở cách xây dựng thời gian biểu và mục tiêu tài chính. Một phần trong đó đòi hỏi các hoạt động thực sự hướng đến giá trị sinh lợi, theo phân tích từ Harvard Business Reviews (HBR).

Thời gian biểu hướng đến giá trị tài chính đòi hỏi bạn phải xác định điều gì là quan trọng nhất đối với bạn và gia đình nhỏ, sau đó xây dựng lịch trình dựa trên các ưu tiên đó thay vì phục vụ những nhu cầu tức thời. 

Điều này giúp đảm bảo rằng bạn sẽ cảm thấy hài lòng về cả thời gian và lựa chọn làm cha mẹ của mình mà không rơi vào bẫy trầm cảm, bất mãn hay thất vọng khi không đạt được mục tiêu mong muốn.

Dưới đây là quy trình 3 bước xây dựng thời gian biểu theo hướng có giá trị, dựa trên các chiến lược mà tôi đã thấy có hiệu quả đối với các khách hàng của tôi là cha mẹ đang làm việc.

3 bước xây dựng kế hoạch tài chính cho người vừa làm cha mẹ - Ảnh 1.

Có con nhỏ đòi hỏi một kế hoạch tài chính hoàn toàn mới với các cặp phụ huynh. Ảnh: HBR

Bước 1: Xác định những gì quan trọng nhất

Hãy bắt đầu bằng cách liệt kê các mục tiêu chính như:

- Danh mục các khoản tiền cần chi tiêu: hóa đơn gia đình, học phí, hoạt động xã hội, văn phòng, chi phí phát sinh v.v.

- Số tiền bạn muốn chi tiêu cho các khoản này: xác định mục tiêu và mức độ bạn muốn chi tiêu cho những món đồ hay dịch vụ cần mua. Ví dụ, bạn muốn dùng loại bỉm có giá 300.000 đồng hay 500.000 đồng, loại sữa bột cao cấp hay bình dân? Hãy thực tế về chất lượng sản phẩm/ dịch vụ để tính toán mức chi phí rõ ràng.

- Các chi tiêu tinh thần thiết yếu cho bản thân hoặc gia đình: một bữa tối bên ngoài vào ngày cuối tuần, cà phê Starbuck trước khi bắt đầu làm việc,... Hãy liệt kê những sở thích cá nhân tốn tiền như vậy và quyết định tần suất chi tiêu hợp lí hơn.

Lựa chọn những khoản cần chi tiêu không chỉ ảnh hưởng đến bạn mà còn đến các thành viên khác trong gia đình. Khi lập danh sách này, hãy thảo luận với bạn đời hoặc cha mẹ về những gì quan trọng nhất với họ. 

Đây cũng là thời điểm tốt để loại bỏ những gì không quan trọng. Có lẽ những bộ cánh hào nhoáng sẽ khiến bạn tự tin hơn đáng kể nhưng cũng đồng nghĩa với việc chi phí cho em bé phải giảm đi kha khá. 

Mặt khác, việc chi tiêu để thuê ngoài một số công việc như dọn dẹp nhà cửa, rửa bát đĩa, nấu ăn sẽ giúp bạn có thêm thời gian chất lượng với con và bạn đời.

Bước 2: Xác định do tại sao danh sách trên là quan trọng

Khi bạn đã xác định được danh sách những điều cần ưu tiên, mức độ cần chi tiêu, hãy nghĩ về lí do tại sao những điều đó lại quan trọng với bạn. Kiểm tra lại một lần nữa từng thông tin và ghi lại (nếu có thể) tầm quan trọng bạn dành cho điều đó.

Những lí do nào có thể củng cố quyết tâm tuân thủ chặt chẽ danh mục chi tiêu của bạn? Ví dụ, bạn muốn dành một khoản tiền cho phòng tập gym bởi mong muốn cải thiện sức khỏe, tự tin về vóc dáng và sẵn sàng chăm sóc các con.

Mặt khác, nếu nguyên nhân mạnh mẽ nhất thúc đẩy bạn nhận một công việc chỉ là kiếm tiền đi du lịch thì hãy lùi lại và suy nghĩ. Bạn có thích công việc đó không? Nó có giúp bạn phát huy các tiềm năng sẵn có? Nếu không, hãy nghiêm túc xem xét liệu nó có đáng để bạn rời xa gia đình. Chúng ta thường có nhiều lựa chọn hơn tưởng tượng trên con đường sự nghiệp và thành công có rất nhiều hình thức.

Khi bạn đánh giá về do tại sao, tốt hơn hết là nhìn vào mọi thứ trên quan điểm 50 năm sau. Hãy suy nghĩ về những gì bạn đã viết ra và tự hỏi: “50 năm sau, tôi có hạnh phúc với những lựa chọn như thế này hay không? Điều gì sẽ quan trọng với tôi?”. 

Hiện tại, những thứ như việc làm, deadline, thăng chức có vẻ vô cùng cấp bách và quan trọng nhưng trong khoảng thời gian 50 năm, dành thời gian hay bỏ bê chăm sóc gia đình có thể sẽ là tất cả những gì bạn nhớ lại.

3 bước xây dựng kế hoạch tài chính cho người vừa làm cha mẹ - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

Bước 3: Đưa các ưu tiên thành hành động cụ thể

Sau khi chắc chắn về những mục tiêu cần được ưu tiên, giờ là thời điểm lập danh sách các việc cụ thể cần làm. Điều này giúp mọi thứ dễ dàng hơn và nhanh chóng đưa cách chi tiêu mới đi vào quỹ đạo.

Bắt đầu bằng cách thêm công việc cụ thể vào lịch trình của bạn dưới dạng sự kiện định kì dựa theo mức độ ưu tiên. 

Sau đó, thảo luận với những người có liên quan và giải thích tại sao việc này lại rất quan trọng. Có thể bạn đời sẽ sẵn lòng làm bữa sáng trong khi bạn chăm sóc cho em bé và chuẩn bị đi làm. 

Việc thuê ngoài người giúp việc nhà hay các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sau sinh cho các bà mẹ thường tốn khá nhiều chi phí và cách để đạt được hiệu quả tốt nhất là duy trì lịch trình đều đặn.

Trên thực tế, nhu cầu của mỗi gia đình rất khác nhau nhưng tầm quan trọng của lập danh sách chi tiêu hướng đến giá trị không bao giờ vô ích. Chuyên gia của HBR khuyến khích các bậc cha mẹ trẻ nên dành thời gian thực hiện 3 bước này để xây dựng nền tảng tài chính ổn định nhất, đảm bảo sự hài lòng và chống lại cuộc khủng hoảng khi phải chăm sóc trẻ 3 năm đầu đời.

Thu Phương

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.