'Bánh ngon' truyền hình?
Tốc độ tăng trưởng dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam dự kiến đạt 10 - 15% giai đoạn 2016 - 2020 |
Cuối tháng 7/2017 là thời điểm kết thúc nhận hồ sơ nhà đầu tư chiến lược của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab). Không tiết lộ số hồ sơ do yêu cầu bảo mật thông tin, nhưng theo lời một cán bộ phụ trách lĩnh vực này của VTVcab, có nhà đầu tư quan tâm.
Điều kiện mà nhà đài này đưa ra trong việc tìm nhà đầu tư chiến lược khá chặt chẽ. Chẳng hạn, đối tác phải có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng, lãi liên tiếp 3 năm, lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2016 tối thiểu 10%, không là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược của đối thủ cạnh tranh trực tiếp với VTVcab tại Việt Nam.
Nhà đầu tư chiến lược sẽ phải đăng ký mua tối thiểu 10% vốn điều lệ của Công ty, không được chuyển nhượng số cổ phần mua trong thời hạn tối thiểu 10 năm, kể từ ngày công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Trường hợp đặc biệt cần chuyển nhượng số cổ phần này trước thời hạn thì phải được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận.
Cho đến thời điểm này, phương án cổ phần hóa VTVcab chưa được công bố, song động thái trên cho thấy, nhiều khả năng Công ty sẽ chọn nhà đầu tư chiến lược trước khi phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).
Nhìn vào kết quả định giá tài sản của VTVcab do Kiểm toán Nhà nước công bố mới đây là hơn 4.278 tỷ đồng và kết quả kinh doanh năm 2016 ghi nhận mức doanh thu thuần 2.045 tỷ đồng, lãi sau thuế 68,5 tỷ đồng cho thấy, mức lợi nhuận của Công ty không quá hấp dẫn.
Truyền hình cáp, theo nhận xét của một chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực này, không phải là cuộc chơi dành cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhưng với các “đại gia” có tiềm lực, câu chuyện lại khác.
“Miếng bánh” thị trường truyền hình, theo số liệu của Công ty Kantar Media Việt Nam, đạt trên 30.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, “bánh ngon” phân bổ không đồng đều. Đa phần doanh thu rơi vào Đài truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC cũng không kiếm được nhiều. Để cải thiện hiệu quả hoạt động và nguồn tài chính tái cấu trúc, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC đang tính đến chuyện mời gọi hợp tác chiến lược.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phương án chia tách, chuyển giao tài sản, tài chính từ Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện về Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam, số nợ thương mại được tiếp nhận kèm theo tài sản bàn giao từ Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện là 1.222 tỷ đồng.
Trên thực tế, số công nợ này có thể phát sinh thêm tại thời điểm bàn giao do phải tính thêm lãi phát sinh từ các khoản vay. Bởi lẽ, Chính phủ yêu cầu, Đài Tiếng nói Việt Nam không dùng nguồn từ ngân sách nhà nước để trả nợ, mà sử dụng doanh thu có được từ hoạt động của chính Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC để trả nợ.
Trước đó, thị trường truyền hình có thêm sự góp mặt của hai “đại gia” là Viettel và FPT. Viettel đưa ra dự báo, truyền hình trả tiền sẽ chiếm 70 - 80% trong những năm tới.
Trong dịch vụ truyền hình trả tiền thì truyền hình cáp sẽ chiếm 70%, IPTV chiếm 10 - 15% và khoảng 10% còn lại là các dịch vụ như truyền hình vệ tinh, truyền hình số mặt đất. Nếu như hiện nay, truyền hình chủ yếu là giải trí, thì xu hướng tới đây sẽ mở rộng ra mua sắm, giáo dục, y tế…, truyền hình có thể có mặt trong mọi lĩnh vực đời sống,
Với FPT, lĩnh vực truyền hình đang được doanh nghiệp đẩy mạnh với mục tiêu FPT Telecom sẽ kết nối đến mỗi hộ gia đình Việt Nam. Truyền hình cáp sẽ là công cụ thuận tiện để có thể cung cấp cho khách hàng truyền hình độ phân giải cao, cung cấp Internet băng rộng. Với nhu cầu ngày càng cao, người tiêu dùng cần dịch vụ chất lượng cao hơn so với hiện nay. Những “tân binh” như FPT và Viettel sẽ tạo nên sự cạnh tranh rất mạnh trong lĩnh vực truyền hình cáp.
Theo nguồn số liệu mà Viện Chiến lược thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), riêng tốc độ tăng trưởng dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam dự kiến đạt 10 - 15% giai đoạn 2016 - 2020. Đến năm 2020, doanh thu truyền hình trả tiền có thể đạt 0,8 - 1 tỷ USD. Nếu thị trường diễn biến như vậy, truyền hình có lẽ tiếp tục là đích ngắm của không ít nhà đầu tư.