Bàng hoàng và cay đắng: Đằng sau sự rút lui của Vanguard khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc
Tháng trước, những nhân viên của Tập đoàn Vanguard gọi video call từ văn phòng tại Thượng Hải đang mong chờ bài phát biểu khích lệ tinh thần từ Giám đốc khu vực Scott Conking. Vanguard đã bỏ ra rất nhiều năm chuẩn bị và sắp sửa tiến công vào thị trường Trung Quốc.
Nhưng thay vào đó, ông Conking lại thông báo rằng công ty quản lý tài sản trị giá 7.000 tỷ USD này đã từ bỏ nỗ lực xin cấp phép kinh doanh quỹ tương hỗ. Tập đoàn sẽ dựa vào liên doanh tư vấn với Ant Group để duy trì sự hiện diện ở Trung Quốc.
Hơn 30 nhân viên bị sốc. Không dưới 10 người bị sa thải ngay sau khi ông Conking kết thúc cuộc nói chuyện. Có người bật khóc, nguồn tin giấu tên của Bloomberg cho hay.
Nhưng đằng sau sự rút lui có vẻ đột ngột này là sự đánh giá kỹ lưỡng suốt nhiều năm trời của các lãnh đạo cấp cao Vanguard về khả năng thành công của mô hình đầu tư chi phí thấp của tập đoàn ở Trung Quốc. Kết luận của họ là không, và là câu chuyện này là lời cảnh báo cho các ông lớn khác đang để mắt đến thị trường quản lý tài sản trị giá 13.000 tỷ USD của Trung Quốc.
Hoạt động chính của Vanguard là quản lý các quỹ đầu tư thụ động. Các quỹ của Vanguard mua cổ phiếu để mô phỏng biến động của các chỉ số sẵn có (như S&P 500, ...) chứ không chọn lọc từng cổ phiếu riêng lẻ.
Vì mô hình hoạt động đơn giản, không cần thuê các chuyên gia phân tích cao siêu nên phí quản lý quỹ của Vanguard rất thấp, nhờ vậy mà quỹ thu hút được nhiều nhà đầu tư bình dân.
Đối với một số giám đốc của Vanguard, tiềm năng thành công ở Trung Quốc là vô tận. Ông Charles Lin, cựu Giám đốc khu vực châu Á từng dự đoán tập đoàn có thể thu hút tới 5.000 tỷ USD từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 5/2018, lãnh đạo bộ phận quốc tế của Vanguard lúc bấy giờ là ông Jim Norris khẳng định: "Chúng tôi có ý định ở lại Trung Quốc trong 100 năm chứ không phải 5 năm. Chúng tôi rất tự tin rằng mình sẽ đạt được quy mô đủ lớn để sinh lời".
Sự nhiệt tình đối với Trung Quốc bắt đầu suy giảm kể từ khi ông Tim Buckley tiếp quản vị trí CEO vào năm 2018. Dưới sự chỉ đạo của ông Buckley, Giám đốc Tài chính mới bắt đầu đánh giá lợi nhuận hàng quý của từng ngành kinh doanh và khu vực, đánh dấu sự thay đổi rõ rệt so với người tiền nhiệm Bill McNabb.
Bất chấp tiềm năng khổng lồ ở Trung Quốc, Vanguard không xin giấy phép kinh doanh quỹ ngay lập tức. Tập đoàn khiến nhiều người phải chau mày khi đóng cửa hoạt động tại Hong Kong và Tokyo, làm ảnh hưởng đến 70 việc làm. Lúc đó, Vanguard nói rằng "các động lực hiện tại của ngành" không hỗ trợ mô hình chi phí thấp nhưng vẫn nhấn mạnh "cơ hội đáng kể" ở Trung Quốc.
Vanguard có thêm bước lùi khác vào tháng 10/2020 khi hoàn trả 21 tỷ USD cho các khách hàng chính phủ ở Trung Quốc.
Lo ngại chi phí
Ngay cả khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu thoát khỏi đại dịch hồi năm ngoái, các lo lắng của Vanguard về chi phí, phân phối, nhân viên và luật pháp vẫn gia tăng chồng chất, nguồn tin của Bloomberg cho biết.
Tập đoàn mất hơn một năm để tìm ứng viên nặng ký cho vị trí giám đốc kiểm soát tuân thủ. Lời mời làm việc này bị rút lại khoảng một tháng trước khi ông Conking ra thông báo trên.
Các quy định quản lý cũng khiến Vanguard đau đầu. Tuy Trung Quốc đã mở cửa cho công ty quản lý tài sản nước ngoài, nhưng nước này cũng đồng thời siết chặt yêu cầu, đặc biệt là đối với các tay chơi quốc tế.
Tháng 11 năm ngoái, cơ quan quản lý đã yêu cầu Fidelity Investments và Neuberger Berman cam kết hỗ trợ thanh khoản cho các sản phẩm mà những công ty này đang xin giấy phép. Điều đó làm dấy lên lo ngại Vanguard sẽ phải tốn thêm chi phí vốn. Một năm sau khi Trung Quốc "bật đèn xanh" cho quỹ ngoại, duy chỉ có BlackRock xin được giấy phép kinh doanh quỹ.
Hòa vốn
Các nhà phân tích của Tập đoàn Vốn Quốc tế Trung Quốc (CICC) ước tính một công ty quản lý tài sản nước ngoài phải huy động được ít nhất 50 tỷ nhân dân tệ (7,7 tỷ USD) từ khách hàng mới có thể sinh lời. Vanguard sẽ cần nhiều hơn con số này do tập đoàn tính phí thấp hơn hẳn mặt bằng chung.
Nhà phân tích Francis Chan của Bloomberg Intelligence nhận xét rằng Vanguard có thể đã nhận ra rằng tập đoàn "sẽ chẳng kiếm được mấy tiền" ngay cả khi thành lập quỹ ở Trung Quốc do chi phí cao và thiếu lợi thế cạnh tranh.
Năm ngoái, công ty tư vấn Z-Ben Advisors đã hạ dự báo cho thị phần của các công ty nước ngoài trong ngành quỹ tương hỗ Trung Quốc xuống 10 điểm % còn 15% tới năm 2030.
Không có giấy phép ở Trung Quốc, Vanguard sẽ chỉ dựa vào liên doanh với Ant. Cơ sở khách hàng của liên doanh này đã tăng gấp đôi chỉ trong hai tháng, đồng thời tài sản đang quản lý cũng nhảy vọt 60% so với cuối năm ngoái, đạt 6,9 tỷ nhân dân tệ (1 tỷ USD) vào ngày 28/2 năm nay. Liên doanh này đang trên đà đạt được quy mô hòa vốn 10 tỷ nhân dân tệ sớm hơn hẳn thời hạn 5 năm.