Bán trụ sở tại 'đất vàng', ngân hàng NCB muốn 'dứt tình' với ông Đặng Thành Tâm
Nhờ hoàn nhập dự phòng, NCB thoát lỗ trong quí III |
Bán đất vàng Quận 1 - "con cưng" từ thời ông Đặng Thành Tâm
Cuối tháng 10, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB - Mã: NVB) đã thực hiện xin ý kiến cổ đông về việc bán tài sản tại số 3-3A-3B-5 Sương Nguyệt Ánh, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM.
Trụ sở cũ của NCB nằm ngay trung tâm quận 1, TP HCM |
Đây là trụ sở chính của ngân hàng trước đây khi còn là Ngân hàng TMCP Nam Việt dưới thời ông Đặng Thành Tâm. Khu "đất vàng" ngay tại trung tâm TP HCM có diện tích 914,3 m2 với tài sản gắn liền với đất là Cao ốc văn phòng có diện tích mặt sàn 7.132,5 m2.
Giá trị sổ sách của tài sản ghi nhận tại ngày 29/12/2013 là 631,1 tỉ đồng gồm giá trị quyền sử dụng đất 531,1 tỷ đồng, giá trị còn lại trên đất 100 tỷ đồng. Giá trị tài sản theo chứng thư thẩm định giá ngày 26/9/2018 là 665,3 tỉ đồng. NCB dự kiến mức giá chào bán tối thiểu là 665,3 tỉ đồng.
Được biết, khi ông Đặng Thành Tâm còn giữ chức Thành viên HĐQT Navibank, ngân hàng đã liên tục mua vào nhiều bất động sản. Trụ sở cũ này là một trong số đó với giá mua 236 tỉ đồng.
Sau hai năm xây dựng, đầu 2013, trụ sở được đưa vào hoạt động. Năm 2015, sau khi nhóm cổ đông mới tham gia vào Navibank và đổi tên thành NCB như hiện nay, khu đất này được phát triển thành khách sạn 4 sao mang thương hiệu Fusion Suites.
Khách sạn tại địa chỉ 3 - 5 Sương Nguyệt Ánh liên tục được rao bán trên mạng (Nguồn: muaban.net) |
Trụ sở cũ của NCB hiện giờ là khách sạn Fusion Suites, nằm ở trung tâm quận 1 với khá nhiều khách du lịch trong và ngoài nước qua lại. (Ảnh: Linh Lê) |
Hiện nay, khách sạn này liên tục được rao bán trên các trang giao dịch bất động sản. Thông tin chi tiết về bất động sản nêu "diện tích 910 m2 nhưng thực tế là 970 m2 (24,7 m x 40,02 m) diện tích xây dựng 469m2, kết cấu gồm 2 hầm, 10 lầu". Giá dự kiến giao dịch là 730 tỉ đồng. Cũng có nơi rao bán giá 35 triệu USD hoặc 950 tỉ đồng (không thương lượng).
Như vậy, mức giá khởi điểm mà NCB rao bán hiện tại đã thấp hơn rất nhiều so với giá được nêu trên.
NCB ra sao sau 5 năm rời đi của ông Đặng Thành Tâm
Cuối 2013, ông Đặng Thành Tâm chính thức rút hết vốn tại Navibank sau khi ngân hàng này bị đưa vào danh sách 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém bị buộc phải tái cơ cấu. NHNN cho phép nhà băng này tự tái cấu trúc bằng chính nguồn lực của mình mà không cần phải sáp nhập với ngân hàng nào khác.
Sau khi ông Tâm rút vốn, Navibank có sự biến động mạnh trong cơ cấu lãnh đạo cao cấp với 5 thành viên HĐQT từ nhiệm. Ông Vũ Hồng Nam trở thành Chủ tịch ngân hàng thay ông Nguyễn Vĩnh Thọ, em rể ông Đặng Thành Tâm. Ông Thọ giữ chức Phó Chủ tịch NCB.
Ngày 22/1/2014, NHNN đổi tên Navibank thành Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) và chuyển trụ sở ra Hà Nội. Cũng trong năm, bà Trần Hải Anh trở thành Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc NCB, đồng thời ông Thọ rời khỏi khỏi NCB.
Năm 2015, bà Trần Hải Anh được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực HĐQT NCB. Đến 2016, bà giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, ông Vũ Hồng Nam là Thành viên thường trực HĐQT NCB.
Tháng 11/2017, ông Nguyễn Tiến Dũng thay thế vợ mình (bà Hải Anh) làm Chủ tịch HĐQT NCB, bà Hải Anh làm Thành viên HĐQT. Theo báo cáo quản trị năm 2017, vợ chồng ông Dũng nắm giữ hơn 12,5 triệu cổ phiếu NCB (đều thuộc sở hữu cá nhân bà Hải Anh), tương đương 4,15% vốn cổ phần ngân hàng.
Ông Dũng còn được biết đến là Chủ tịch Gami Group, đại lý ủy quyền cho các hãng ô tô nổi tiếng như Mercedez Benz, Mitsubishi, GM, Ford..
Nguồn: DB tổng hợp (Đvt: tỉ đồng) |
Sau 5 năm "đại gia" Đặng Thành Tâm rời khỏi, tại 30/9/2018, tổng tài sản của NCB đạt gần 69.505 tỉ đồng, gấp gần 2,4 lần con số cuối năm 2013. Trong đó cho vay khách hàng đạt 34.773 tỉ đồng, tăng gần 2,6 lần.
Vốn điều lệ ngân hàng vẫn giữ ở 3.010 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu tăng không đáng kể 0,2%.
Năm 2014, lợi nhuận NCB sụt giảm mạnh khi chỉ đạt 1,6 tỉ đồng và sau đó bắt đầu tăng trưởng dần trở lại. Đến 2017, lợi nhuận sau thuế NCB đạt 22 tỉ đồng.
Số dư nợ xấu của ngân hàng cũng giảm dần từ gần 818 tỉ đồng năm 2013 xuống còn 492 tỉ đồng cuối 2017. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 6,07% (2013) xuống 1,57% (2017).
Trong quí III/2018, nhiều hoạt động kinh doanh của NCB có dấu hiệu suy giảm, ngân hàng thoát lỗ nhờ hoàn nhập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Lợi nhuận trước thuế trong kỳ chỉ đạt chưa đầy 1,6 tỉ đồng, giảm gần 20% so với cùng kì 2017. Kết quả 9 tháng, lợi nhuận trước NCB đạt hơn 17 tỉ đồng, tăng 70% cùng kì nhưng đạt chưa đầy phân nửa kế hoạch năm (37 tỉ đồng).