Bản tin thị trường gạo tuần 50: Ứng dụng 'big data' trong ngành gạo, giá gạo xuất khẩu giảm liên tiếp 4 tuần
Theo đó, dữ liệu từ Reuters cho biết, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giảm còn 395 USD/tấn so với mức 400 USD của tuần trước, vì lo ngại nhập khẩu từ Trung Quốc giảm dưới tác động của các quy định khắt khe hơn ở Bắc Kinh.
Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm 39,1% trong 10 tháng đầu năm nay so với cùng kì năm trước, theo Bộ Công Thương.
Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm với hơn 24% thị phần, với khối lượng xuất khẩu giảm 39% so với cùng kì năm ngoái xuống 1,24 triệu tấn, còn giá trị giảm 30% xuống 636,2 triệu USD, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho hay.
Về tình hình xuất khẩu gạo trong tháng 11, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11 ước đạt 496.00 tấn với giá trị đạt 241 triệu USD.
Lũy kế dến tháng 11, khối lượng gạo xuất khẩu tăng 5,6% so với cùng kì năm 2017 lên 5,7 triệu tấn; và giá trị tăng 17,7% lên 2,9 tỉ USD.
Dự báo đến cuối năm 2018, mặt hàng gạo xuất khẩu giữ vững đà tăng trưởng, kì vọng có thể đạt 6,15 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,15 tỉ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về trị giá so với năm 2017.
Mục tiêu này có thể đạt được bởi thị trường gạo trong những tháng cuối năm đang có tín hiệu nhập khẩu của thị trường Indonesia, Philippines.
Ảnh minh họa. |
Trong khi đó, xuất khẩu gạo tại quốc gia láng giềng Campuchia không mấy thuận lợi khi đã giảm hơn 13% trong 11 tháng đầu năm so với cùng kì năm ngoái xuống còn 497.240 tấn.
Phó chủ tịch Liên đoàn Gạo Campuchia, ông Hun Lak, hôm 11/12 cho biết xuất khẩu gạo của quốc gia này đã giảm gần như mỗi tháng trong năm nay. Ông nhận định nguyên nhân của sự suy yếu trong xuất khẩu là thiếu kho dự trữ trong mùa thu hoạch và cạnh tranh về giá với các quốc gia láng giềng.
Ngoài ra, quốc gia này cũng đang phải đối mặt với thuế gạo sắp tới từ EU, nhân tố có thể tác động tới xuất khẩu nhiều hơn nữa.
Hôm 5/11, Tổng cục Thương mại của Ủy ban châu Âu (EC) đã xác nhận sự gia tăng đáng kể của gạo nhập khẩu từ Campuchia và Myanmar đã gây ra thiệt hại kinh tế đối với ngành gạo của châu Âu.
Tại Đài Loan, ngành gạo đang được hỗ trợ từ hệ thống "big data", giúp đối phó với những biến đổi từ khí hậu.
Big data đã được đưa vào nhiều lĩnh vực trong vài năm trở lại đây. Ví dụ như, nhà sản xuất máy kéo John Deere cài đặt các cảm biến trên nhiều máy nông nghiệp mà công ty bán.
Các nhà nghiên cứu nông nghiệp Đài Loan được chính phủ hậu thuẫn đã sử dụng các cảm biến để thu thập dữ liệu cho nhân giống trái cây nhiệt đới.
Những nhà quan sát cho biết họ mong đợi các giải pháp như thế này sẽ lan tỏa nhanh chóng và dẫn đến tái cấu trúc thị trường gạo.