|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bản tin thị trường gạo tuần 11/2020: Xuất khẩu gạo dự báo sẽ là điểm sáng giữa đại dịch COVID-19

21:03 | 15/03/2020
Chia sẻ
Tuần qua, Tổng cục Thống kê cho biết trong 2 tháng đầu năm 2020 đạt 900.000 tấn, giá trị kim ngạch 410 triệu USD, tăng 27% về lượng và 32% về giá trị. Điều này được xem có ý nghĩa đặc trong bối cảnh nhiều loại nông sản xuất khẩu bị sụt giảm do hạn chế giao thương với thị trường Trung Quốc do dịch COVID-19.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 2/2020, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 372 triệu USD, tăng 20,5% về giá trị và lượng tăng 15% so với cùng kì năm ngoái.

Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2020 đạt 900.000 tấn, giá trị kim ngạch 410 triệu USD, tăng 27% về lượng và 32% về giá trị.

Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 31% thị phần. Nhiều thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Mozambique, Angola…

Đáng chú ý giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường đang có xu hướng liên tục tăng cao, gạo IR 50404 loại 5% tấm tăng từ 30 - 40 USD/tấn, đạt 380 USD/tấn, cao nhất từ tháng 12/2018 đến nay. Giá gạo xuất khẩu tăng kéo giá lúa trong nước cũng tăng theo, hỗ trợ tốt cho người nông dân.

Hiện các doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL mua lúa ướt tại ruộng với giá dao động 4.400-5.400 đồng/kg, cao hơn đầu vụ 300-500 đồng/kg; chỉ có giống lúa IR50404 tiêu thụ thị trường nội địa là giá thấp, khoảng 4.400 đồng/kg. Trong đó, giá lúa hạt dài cao hơn lúa thường 300 - 800 đồng/kg.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ông Đỗ Hà Nam cho hay dịch bệnh do virus corona bùng phát tại Trung Quốc không ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường lớn nhất thế giới này. Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo năm 2020 được dự báo sẽ là điểm sáng giữa đại dịch COVID-19.

Để kịp thời ứng phó với những tác động của dịch COVID-19 trong thời gian tới và thúc đẩy xuất khẩu gạo, đảm bảo sự ổn định của thị trường nội địa, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT theo dõi, thống kê sát thực về tình hình sản xuất, cơ cấu, sản lượng, nguồn thóc, gạo hàng hóa theo từng chủng loại, từng mùa vụ trong năm và thường xuyên cập nhật với Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và UBND các tỉnh để định hướng sản xuất, cân đối nguồn thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu.

Không chỉ xuất khẩu gạo gặp nhiều thuận lợi, mới đây, sau 4 tháng đạt giải Gạo ngon nhất thế giới, giống lúa ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua với nhóm cộng sự được Cục Trồng trọt quyết định cấp bằng bảo hộ.

Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng, cho biết Cục Trồng trọt đã quyết định cấp bằng bảo hộ cho giống lúa ST25 của nhóm nhà khoa học là kỹ sư Hồ Quang Cua, tiến sĩ Trần Tấn Phương và thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương. Bằng bảo hộ có giá trị 20 năm và nhóm tác giả được hưởng quyền, nghĩa vụ theo Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo ông Quyết, nhóm nhà khoa học lai tạo ra giống lúa ST25 đang tập trung tạo ra giống siêu nguyên chủng, sau đó là nguyên chủng rồi mới cho ra giống xác nhận (giống hàng hóa) để trồng 10.000 ha trong vụ đông xuân 2020-2021.

Trong tuần này, tình hình xâm ngập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long tiếp tục là điểm nóng, UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết vụ lúa Đông Xuân 2020, huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) xuống giống trên 26.000 ha, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tình hình xâm nhập mặn đã làm lúa chết ở một số nơi trên địa bàn huyện với diện tích trên 277 ha.

Trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nhất ở các xã: An Hiệp, Phú Tân, Phú Tâm và thị trấn Châu Thành (thiệt hại từ 30 - 70% là 190,36 ha, thiệt hại trên 70% là 87,41 ha).

Theo dự báo của các ngành chuyên môn, tình hình xâm nhập mặn đến sớm ngay từ đầu tháng 12/2019, lãnh đạo UBND huyện đã họp triển khai và khảo sát tình hình xâm nhập mặn tại các tuyến kênh nội đồng và hệ thống cống, nhằm đảm bảo công tác ngăn mặn, trữ ngọt để cứu cây lúa trong giai đoạn hiện nay.

Thu Hoài