|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Bán tháo diện rộng với 100 mã giảm sàn, vốn hóa thị trường chứng khoán bốc hơi hơn 143.000 tỉ đồng phiên đầu tuần

21:18 | 24/02/2020
Chia sẻ
Không kể những tác động tiêu cực từ dịch covid-19, thị trường có thể sẽ tiếp tục biến động mạnh trong tuần này do hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quĩ đầu tư theo các bộ chỉ số của MSCI Frontier Market.
g - Ảnh 1.

Nhà đầu tư tập trung theo dõi bảng giá với tâm lí căng thẳng trong mùa dịch covid-19. Ảnh: Đan Nguyên.

Thị trường chứng khoán giảm sâu ngay phiên đầu tuần

Thị trường chứng khoán trải qua phiên giao dịch đầu tuần không mấy tích cực khi các chỉ số chính đều giảm sâu giữa bối cảnh dịch covid-19 có dấu hiệu lan rộng tại nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Italy, Iran.

Kết phiên 24/2, VN-Index giảm gần 30 điểm, tương ứng tỉ lệ 3,19% xuống còn 903,34 điểm, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2019.

Đây là phiên giảm mạnh thứ hai của chỉ số này kể từ đầu năm 2020, xếp sau phiên giảm mạnh nhất ngày 30/1 với mức giảm 31,9 điểm (tỉ lệ 3,22%). Sau phiên hôm nay, VN-Index đã đánh mất toàn bộ mức điểm hồi phục kể từ sau nhịp lao dốc đầu năm Canh Tý.

Mức giảm điểm của VN-Index có sự tác động lớn từ các cổ phiếu nhóm VN30 khi VN30-Index mất tới hơn 31 điểm (3,62%), từ 868,89 điểm xuống còn 837,4 điểm.

Thống kê từ CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) cho thấy, top10 cổ phiếu tác động nhiều nhất lên đà giảm của VN-Index phiên 24/2 đều là các mã trong nhóm VN30, điển hình là các cổ phiếu ngân hàng hay "họ Vingroup".

Cổ phiếu BID của BIDV giảm 3.200 đồng/cp, tương ứng 6,5% xuống 46.300 đồng/cp. Đây cũng là cổ phiếu tác động tiêu cực nhất lên thị trường khi khiến VN-Index mất 2,44 điểm.

Các cổ phiếu ngân hàng khác như VCB của Vietcombank, TCB của Techcombank, CTG củ Vietinbank đều khiến VN-Index mất hơn 1 điểm. Trong đó, đáng chú ý cổ phiếu TCB giảm sàn trắng bên mua (6,9%) xuống 21.500 đồng/cp và dư bán 8.230 đơn vị tại giá thấp nhất phiên.

Hai mã ảnh hưởng sau BID là hai cổ phiếu "họ Vingroup" VIC của Vingroup và VHM của Vinhomes với mức tác động lần lượt 1,74 điểm và 1,37 điểm. Kết phiến, hai mã này cùng giảm 2,4%; trong đó cổ phiếu VIC giảm 2.600 đồng/cp xuống 107.300 đồng/cp; VHM giảm 2.100 đồng/cp còn 84.000 đồng/cp.

Ngoài ra, một số cổ phiếu bluechips khác khiến VN-Index giảm sâu như VNM của Vinamilk (0,73 điểm); GAS của PV GAS (0,57 điểm); SAB của Sabeco (0,33 điểm) và VJC của Vietjet (0,05 điểm). 

Bán tháo diện rộng với 100 mã giảm sàn, vốn hóa thị trường chứng khoán bốc hơi hơn 143.000 tỉ đồng phiên đầu tuần - Ảnh 2.

Top10 cổ phiếu tác động nhiều nhất lên đà giảm của VN-Index phiên 24/2. Nguồn: Đan Nguyên, HOSE.

Xu hướng tiêu cực của chỉ số VN30 cũng khiến các hợp đồng phái sinh lao dốc trong phiên hôm nay. Đơn cử, hợp đồng VN30F2003 giảm 33,8 điểm xuống còn 829 điểm, thậm chí hợp đồng này hiện duy trì mức chênh lệch âm tới 8,4 điểm so với chỉ số cơ sở VN30. Các hợp đồng còn lại đều chứng kiến mức giảm trên 30 điểm.

g - Ảnh 2.

Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoản giảm sâu trong phiên 24/2. Nguồn: Đan Nguyên, HOSE, HNX.

Tương tự sàn HOSE, kịch bản tiêu cực cũng diễn ra trên sàn HNX khi chỉ số sàn này chứng kiến phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ phiên 11/10/2018. Các cổ phiếu ACB, VCS, PVS, VCG, VNR đồng loạt giảm mạnh khiến HNX-Index giảm gần 4 điểm, tương ứng 3,62%.

Trên thị trường UPCoM, nhóm cổ phiếu y tế giao dịch khởi sắc góp phần nâng đỡ chỉ số, dù vậy UPCoM-Index vẫn giảm 1,95% xuống còn 55,23 điểm do tác động lớn nhất của mã LPB.

Toàn thị trường chứng khoán ghi nhận 579 mã giảm giá so với 133 mã tăng giá và 103 mã đứng giá tham chiếu; trong đó có 100 mã giảm sàn. Riêng nhóm VN30 ghi nhận 6 mã giảm sàn và không có mã nào tăng.

Vốn hóa thị trường bốc hơi hơn 227.000 tỉ đồng

Áp lực bán tháo trong phiên giao dịch 24/2 đã khiến vốn hóa thị trường chứng khoán bốc hơi 143.112 tỉ đồng, tương ứng giảm 3,4% so với phiên thứ Sáu tuần trước, hiện ở mức hơn 4,1 triệu tỉ đồng.

Bán tháo diện rộng với 100 mã giảm sàn, vốn hóa thị trường chứng khoán bốc hơi hơn 143.000 tỉ đồng phiên đầu tuần - Ảnh 4.

Vốn hóa thị trường bốc hơi hơn 227.000 tỉ đồng trong phiên giao dịch 24/2. Nguồn: Đan Nguyên, HOSE, HNX.

Trong đó, sàn HOSE giảm nhiều nhất khi mất đi gần 102.000 tỉ đồng, riêng nhóm VN30 bốc hơi 84.398 tỉ đồng. Tỉ lệ giảm vốn hóa với cả hai nhóm này là 3,2%.

Trên thị trường UPCoM, biên độ giao dịch lớn (15%) trong khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt giảm sàn khiến tỉ lệ thiệt hại cao hơn so với hai sàn còn lại. Cụ thể, mức giảm vốn hóa trên thị trường này ở mức 34.624 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ giảm 4%.

Còn lại, vốn hóa sàn HNX giảm 6.679 tỉ đồng, tương đương 3,3% xuống còn 193.951 tỉ đồng.

Các cổ phiếu giảm vốn hóa nhiều nhất có thể kể đến như BID, ACV, VGI, VIC, VHM, VCB. Trong đó, cổ phiếu BID chứng kiến vốn hóa giảm mạnh nhất khi mất đi 12.870 đồng/cp, con số này thậm chí còn lớn hơn nhiều so với tổng giá trị vốn hóa của một số mã nhóm VN30 như ROS, CTD, SSI hay REE.

Bán tháo diện rộng với 100 mã giảm sàn, vốn hóa thị trường chứng khoán bốc hơi hơn 143.000 tỉ đồng phiên đầu tuần - Ảnh 5.

Các cổ phiếu chứng kiến vốn hóa giảm mạnh nhất phiên 24/2. Nguồn: Đan Nguyên, HOSE, HNX.

Thiên nga đen "covid-19" đã làm chao đảo thị trường chứng khoán ngay từ đầu năm Canh Tý 2020, gần nhất là phiên giao dịch 24/2.

Chưa dừng lại ở đó, một số công ty chứng khoán nhận định, thị trường chung và nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn có thể bị biến động mạnh trong tuần 24 - 28/2 do hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quĩ đầu tư theo các bộ chỉ số của MSCI Frontier Market, đặc biệt là về cuối tuần.

Đan Nguyên