Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tại TP HCM giảm gần 60% trong tháng 8
Theo báo cáo "Thương mại, dịch vụ một số địa phương phía Nam trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4" của Tổng cục Thống kê, việc giãn cách kéo dài để phòng chống dịch đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động thương mại, dịch vụ tại các tỉnh phía Nam.
TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 của TP HCM ước tính đạt 35.500 tỷ đồng, giảm 15,9% so với tháng trước và giảm 59,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 609.400 tỷ đồng, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ 8 tháng đầu năm ước tính đạt 353.000 tỷ đồng, chiếm 57,9% tổng mức và giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước tính đạt 35.200 tỷ đồng, chiếm 5,8% và giảm 20%.
Doanh thu du lịch, lữ hành ước tính đạt 2.500 tỷ đồng, chiếm 0,4% và giảm 52,2%. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước tính đạt 218.700 tỷ đồng, chiếm 35,9% và giảm 14,6%.
Tại Đồng Nai, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8 ước tính đạt 12.700 tỷ đồng, giảm 14,1% so với tháng trước và giảm 15,6% so tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tính đạt 124.400 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 0,67%).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ 8 tháng ước tính đạt 101.200 tỷ đồng, chiếm 81,3% tổng mức, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Do Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 31/8, đã ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của chuỗi cung ứng, bán lẻ trong thời gian qua, nhất là đối với các kênh bán lẻ truyền thống.
Tính đến ngày 20/8, toàn tỉnh có 72/148 chợ tạm ngừng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Để thay thế các chợ tạm ngừng hoạt động, Sở Công Thương và nhiều địa phương, đã triển khai các kênh bán hàng thay thế, điểm trung chuyển, tập kết hàng hóa nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Có 553 điểm bán hàng thiết yếu và 162 điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa.… với giá bình ổn, được niêm yết giá rõ ràng.
Ngoài ra các doanh nghiệp đã triển khai 30 điểm bán hàng nhu yếu phẩm bình ổn giá nhằm hỗ trợ người dân trong mùa dịch. Các điểm bán hàng này giúp cho người dân có thêm nhiều địa chỉ mua các mặt hàng thiết yếu với giá cả hợp lý, tuy nhiên hoạt động kinh doanh trong tháng khó khăn nên doanh thu bán lẻ tháng 8 giảm 15,6% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng đầu năm đạt 8.400 tỷ đồng, chiếm 6,8% tổng mức và giảm 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 18 tỷ đồng, chiếm 0,1% và giảm 39,79%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 14.800 tỷ đồng, chiếm 11,8% và giảm 6,85%.
Tại Bình Dương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 đạt 17.000 tỷ đồng, giảm 2,6% so với tháng trước, giảm 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 166.900 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 106.200 tỷ đồng, chiếm 63,6% tổng mức và tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đạt 15.600 tỷ đồng, chiếm 9,4% và giảm 21,7%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 45.100 tỷ đồng, chiếm 27% và tăng 2,5%.
Để đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm đủ cung ứng cho người dân trên địa bàn, tỉnh Bình Dương đã xây dựng kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường tại các huyện, thị xã, thành phố. Cùng với đó, mở rộng các điểm bán hàng thiết yếu và tăng cường chuyến xe lưu động, nhất là tại các khu vực có hiện tượng thiếu hụt hàng hóa cục bộ, khu vực bị cách ly, phong tỏa.
Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng kế hoạch vùng tại các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi và đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp bán hàng lưu động, người giao hàng trên địa bàn tỉnh.
Nhìn chung, hệ thống các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ"; giá cả hàng hóa tương đối ổn định, người dân được phát phiếu đi chợ theo thời gian quy định.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 đạt 4.400 tỷ đồng, giảm 5% so với tháng trước, giảm 37% so với cùng kỳ. Tính chung, 8 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 45.300 tỷ đồng, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ 8 tháng đạt 33.600 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 4.000 tỷ đồng, giảm 17,89%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 69,3 tỷ đồng, giảm 22,6%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 7.700 tỷ đồng, giảm 14,4%.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/