Tháng 8: Xuất nhập khẩu vẫn cao hơn bình quân những tháng đầu năm
Trụ đỡ từ nhóm hàng công nghệ cao
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 8, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nên hàng hóa xuất nhập khẩu ở 19 tỉnh, thành phía Nam chỉ đạt 18,5 tỷ USD, giảm 23% (tương ứng giảm 5,6 tỷ USD) so với tháng 7. Trong đó, xuất khẩu đạt 8,2 tỷ USD, giảm 28% (tương ứng giảm 3,2 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 10,3 tỷ USD, giảm 19% (tương ứng giảm 2,4 tỷ USD).
Nếu so sánh với tháng 6/2021 (tháng chưa thực hiện giãn cách xã hội), xuất nhập khẩu tại các đơn vị còn giảm mạnh tới 30%. Trong đó xuất khẩu giảm tới 41% và nhập khẩu giảm 18%. Đặc biệt 3 đơn vị trọng điểm và cũng là địa bàn dịch phức tạp nhất đều giảm sâu.
Cụ thể, Cục Hải quan TP HCM giảm 39,3% về xuất khẩu và giảm 15% về nhập khẩu; Cục Hải quan Đồng Nai giảm 40,4% về xuất khẩu và giảm 16,3% về nhập khẩu; Cục Hải quan Bình Dương giảm 48% về xuất khẩu và giảm 31% về nhập khẩu.
Hết tháng 8, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với cả 5 châu lục đều duy trì tăng trưởng cao.
Trong đó,trao đổi thương mại với châu Á đạt 277,32 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2020, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,5%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Mỹ đạt 90,1 tỷ USD, tăng 29,7%; châu Âu đạt 47,52 tỷ USD, tăng 15,1%; châu Đại Dương đạt 9,2 tỷ USD, tăng 46% và châu Phi đạt 5,55 tỷ USD, tăng 24,8%.
Các ngành hàng tập trung nhiều nhà mày ở khu vực phía Nam như gỗ và sản phẩm gỗ; giày dép; dệt may... đều bị ảnh hưởng nặng nề trong tháng 8. Cụ thể, tháng 8 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm giảm 39,1% so với tháng 7/2021; giày dép giảm 40,2%; dệt may giảm 14,9%.
Trong khi đó, ở các địa phương trọng điểm phía Bắc như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hải Dương… với tình hình dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả nên hoạt động xuất nhập khẩu có sự phục hồi ấn tượng, giúp tình hình cả nước nói chung được cải thiện đáng kể.
Cụ thể, 15 ngày cuối tháng 8 kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 30,49 tỷ USD (tương đương hơn 2 tỷ USD/ngày), tăng mạnh 26,5% (tương ứng tăng 6,39 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 8/2021.
Thực tế, kim ngạch xuất nhập khẩu ở các tỉnh, thành trọng điểm miền Bắc có thể "gánh" được cho sự sụt giảm ở các địa phương phía Nam, bởi Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang hay Hải Phòng... là nơi tập trung chủ yếu các nhà máy sản xuất của các nhóm hàng xuất nhập khẩu lớn nhất hiện nay liên quan đến hàng điện tử, công nghệ cao như điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Mặt khác, các nhà máy, các khu công nghiệp ở khu vực miền Bắc phần lớn được xây dựng mới, đáp ứng tốt hơn các điều kiện làm việc "3 tại chỗ" và các yêu cầu phòng, chống dịch nên việc duy trì sản xuất đạt hiệu quả cao hơn so với các tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Điển hình như tại Cục Hải quan Bắc Ninh (quản lý hải quan tại ba tỉnh: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang) có sự hồi phục mạnh mẽ sau khi dịch được kiểm soát. Ngay trong tháng 7 xuất khẩu đạt 7,2 tỷ USD, tăng tới 58% và nhập khẩu đạt 5,5 tỷ USD, tăng 19% so với tháng 6/2021. Tháng 8 xuất khẩu đạt 8,8 tỷ USD, nhập khẩu đạt 6,7 tỷ USD, cùng tăng hơn 22% so với tháng trước.
Kỳ vọng bứt phá trong quý IV
Nhờ đà tăng trưởng trong 15 ngày cuối tháng nên tính chung cả tháng 8, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 54,57 tỷ USD, chỉ giảm 4,2% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 27,23 tỷ USD, giảm 2,3% so với tháng trước (tương ứng giảm 636 triệu USD); nhập khẩu đạt 27,34 tỷ USD, giảm 6,1% (tương ứng giảm 1,77 tỷ USD).
Lũy kế đến hết tháng 8, quy mô xuất nhập khẩu cả nước đạt 429,68 tỷ USD, tăng 27,5% với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 92,62 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu đạt 213,52 tỷ USD, tăng 21,8% và nhập khẩu đạt 216,15 tỷ USD, tăng 33,7%.
Như vậy, bình quân 8 tháng đầu năm, mỗi tháng kim ngạch xuất nhập khẩu đat gần 54 tỷ USD. Có thể thấy, dù dịch COVID-19 còn nhiều phức tạp nhưng kim ngạch đạt được trong tháng 8 vẫn cao hơn bình quân chung những tháng đầu năm.
Đáng chú ý, dù một số nhóm bị tác động lớn trong tháng 8, nhưng tính chung cả 8 tháng đầu năm, 6 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực (kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên) đều có sự tăng trưởng ấn tượng.
Cụ thể, điện thoại các loại và linh kiện đạt 35,33 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 31,8 tỷ USD, tăng 14,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 23,15 tỷ USD, tăng mạnh 50,6%; dệt may đạt 21,11 tỷ USD, tăng 9,4%; giày dép các loại đạt 12,63 tỷ USD, tăng 16,1%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,39 tỷ USD nhóm hàng này, tăng 41,4%.
Thêm một tín hiệu tích cực là cán cân thương mại đang được cải thiện trong tháng 8 vừa qua khi cả nước chỉ nhập siêu 109 triệu USD, trong khi tháng 7/2021 nhập siêu 1,25 tỷ USD. Tính hết tháng 8, cả nước nhập siêu 2,63 tỷ USD.
Với tình hình dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát ở nhiều địa phương, các biện pháp giãn cách được nới lỏng từ giữa tháng 9, cùng với đó là nỗ lực to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, người lao động, nhiều khả năng, hoạt động xuất nhập khẩu trong quý IV/2021 sẽ có được sự bứt lên đáng kể.
Bởi ngoài yếu tố dịch bệnh được kiểm soát, quý IV cũng là thời điểm có kỳ mua sắm lớn trong năm là lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch nên đầy là thời điểm thường đạt được kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong cả năm.
Nếu duy trì mức bình quân 54 tỷ USD/tháng như trong 8 tháng vừa qua, năm 2021, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 650 tỷ USD.