Băn khoăn về dòng tiền của ACV khi đầu tư sân bay Long Thành
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ mới diễn ra, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc có giao Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành như đề xuất ban đầu, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong quá trình trình phương án khả thi cho Chính phủ, Bộ GTVT đã đề xuất, báo cáo Chính phủ về việc giao ACV làm chủ đầu tư và Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội giao cho ACV làm chủ đầu tư.
"Theo quy định của pháp luật, Chính phủ sẽ giao cho đơn vị có năng lực để thực hiện. Nếu được giao trong thời gian tới, Bộ GTVT với tư cách là cơ quan tổ chức thực hiện dự án này sẽ tiếp tục rà soát và báo cáo Chính phủ theo quy định của pháp luật trong việc chỉ định đơn vị", Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Lo ngại vốn đầu tư sân bay Long Thành
Tuy vậy, trước đề xuất giao ACV làm chủ đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại về nguồn vốn đầu tư dự án.
PGS, TS. Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM
Trao đổi với BizLIVE, PGS, TS. Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP. HCM cho rằng, về phương án giao ACV trực tiếp đầu tư sân bay Long Thành bằng vốn doanh nghiệp, tư vấn lập dự án nhận định sẽ không làm tăng nợ công của Nhà nước do không sử dụng vốn ODA. Tuy nhiên, rất khó để ACV đầu tư nhưng không dùng ngân sách như tư vấn báo cáo.
Dẫn chứng về nhận định này, PGS, TS. Nguyễn Thiện Tống chỉ ra, năm 2019 ACV có kế hoạch chi ra 8.200 tỷ đồng để đầu tư mở rộng nhà ga hành khách và sân đỗ máy bay cho các sân bay Cát Bi, Vinh, Phú Bài và chi 1.800 tỷ đồng để mở rộng sân đỗ máy bay cho sân bay Tân Sơn Nhất. Các năm sau mới đầu tư 11.430 tỷ đồng cho nhà ga hành khách T3 ở Tân Sơn Nhất.
Trong khi đó vốn đầu tư cho gian đoạn 1 của sân bay Long Thành là 112.427 tỷ đồng, tương đương 4,81 tỷ USD, vượt xa năng lực của ACV nên ACV sẽ phải huy động vốn vay trên thị trường vốn quốc tế với điều kiện vay dự kiến bằng USD trong thời gian 20 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất khoảng 6%/năm. Phương án này mang nhiều rủi ro tài chính cho ACV trong trường hợp sân bay thực tế khai thác không được như tính toán khả thi về tài chính của tư vấn lập dự án.
Đặc biệt là, ACV chưa thể có lãi từ hoạt động của sân bay Long Thành để trả nợ vay vốn quốc tế cho giai đoạn 1, đó là chưa xét đến tính khả thi của các giai đoạn 2 và 3 sau đó.
Ngoài ra theo Quyết định 236 của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/02/2018 về việc Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tổng vốn đầu tư cho các sân bay cho đến năm 2020 là 84.400 tỷ đồng và cho giai đoạn tiếp theo đến năm 2030 là 266.400 tỷ đồng, trong đó 110.000 tỷ đồng là cho giai đoạn 1 của sân bay Long Thành.
"Đó là nhu cầu vốn đầu tư rất lớn cho giao thông hàng không mà cả ACV và Nhà nước không thể đáp ứng được", PGS Tống lo ngại.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể từng khẳng định, ACV có đủ khả năng có thể thực hiện được dự án.
Bộ trưởng cho biết, hiện ACV có 25.000 tỷ đồng tiền mặt đang sinh lãi. Đồng thời, lợi nhuận sau thuế năm 2018 của ACV là gần 7.000 tỷ đồng cùng với 3.000 tỷ đồng khấu hao tài sản nhà ga ở 21 sân bay thì mỗi năm tài sản đơn vị này tăng thêm 10.000 tỷ đồng. Dự kiến đến 2025, tổng thu của ACV khoảng 50.000 tỷ đồng.
“ACV đã lập kế hoạch chi tiết nâng cấp một số nhà ga ở các cảng hàng không cả nước trong 5 năm tới hết 41.000 tỷ đồng. Như vậy, tính tổng các khoản thì dự kiến đến 2025, ACV sẽ có nguồn lực khoảng 37.000 tỷ đồng”, ông Thể nói.
Cũng theo ông Thể, Chính phủ đã làm việc với một số quỹ đầu tư nước ngoài và các quỹ này sẵn sàng cho ACV vay với lãi suất thấp mà không cần Chính phủ bảo lãnh. “Họ thấy rằng đầu tư vào sân bay Long Thành là bền vững và thực tế cho thấy các cảng hàng không lớn không bao giờ lỗ”, ông Thể phân tích. ACV dự kiến đi vay khoảng 2,6 tỷ USD.
Nhu cầu vốn có thể ảnh hưởng đến dòng tiền của ACV trong tương lai
Mới đây, báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) đưa ra đánh giá khả quan cho cổ phiếu ACV song giá mục tiêu giảm 3,3% xuống còn 87.100 đồng.
Lý giải về nhận định này, VCSC cho hay, giá mục tiêu của ACV bị ảnh hưởng tiêu cực từ giả định vốn xây dựng cơ bản tăng cho dự án trọng điểm sân bay quốc tế Long Thành và việc loại bỏ giả định thu phí cho việc quản lý đường bay.
VCSC tăng giả định vốn xây dựng cơ bản cho dự án sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và giai đoạn 2 trong giai đoạn 2021-2030 16% đạt 9,3 tỷ USD so với giả định trước đây.
Theo đó, Long Thành là sân bay quốc tế có kế hoạch được xây dựng để phục vụ khu vực TP. HCM và các tỉnh miền Nam. Dự án này sẽ giúp đảm bảo tăng trưởng dài hạn của ACV trong bối cảnh sân bay Tân Sơn Nhất quá tải; tuy nhiên, nhu cầu vốn xây dựng cơ bản cao của Long Thành có thể ảnh hưởng dòng tiền của ACV trong tương lai.
"Điều này tương ứng với việc giảm dự báo thu nhập tài chính trong giai đoạn 2020-2030 tổng cộng khoảng 20% so với dự báo trước đây", báo cáo từ VCSC nêu rõ.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/