|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Băn khoăn đề xuất hành nghề xe ôm phải mang biển hiệu

07:21 | 23/08/2019
Chia sẻ
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội hoàn thành Dự thảo “Qui định về quản lí và sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô hai bánh và các loại tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn TP Hà Nội”.

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội hoàn thành Dự thảo "Quy định về quản lý và sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô hai bánh và các loại tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn TP Hà Nội". 

Trong đó, ngoài đề xuất người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hoá phải có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp, thì đối tượng này phải mang biển hiệu tại vị trí ngực áo bên trái. Quanh đề xuất này, không ít ý kiến cho rằng cần thiết song để áp dụng vào thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

avatar_1566519218927

Ảnh minh họa

Nhiều ý kiến khác nhau

Theo ghi nhận của phóng viên ngày 22/8, tại nhiều khu vực tập trung đội ngũ chạy xe ôm như: Bệnh viện Bạch Mai; Bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình… những người tham gia hoạt động ngành nghề này tương đối đa dạng.

Từ công nhân mất việc, sinh viên tranh thủ làm thêm đến người làm thường xuyên, chuyên nghiệp. Qua trao đổi, nhiều người hành nghề xe ôm tỏ ra hết sức bất ngờ khi nghe đến dự thảo Quy định đến năm 2021 phải mang biển hiệu do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Anh Nguyễn Tuấn Anh (29 tuổi, huyện Quảng Xương – Thanh Hoá) hoạt động xe ôm tại khu vực bến xe Giáp Bát cho biết, dù chưa nghe nói đến nhiều nhưng nếu dự thảo áp dụng vào thực tế thì cá nhân anh cũng sẽ nghiêm chỉnh chấp hành.

Việc này sẽ góp phần “chuyên nghiệp hóa” nghề nghiệp và đảm bảo an toàn cho bản thân hành khách cũng như người làm nghề qua hoạt động khai báo, có biển hiệu.

Tuy nhiên, theo anh Tuấn Anh nếu có quy định thì việc triển khai cũng ít nhiều gặp khó khăn vì người hành nghề xe ôm tương đối tự do, không phải lúc nào cũng ở cố định một chỗ và không phải lúc nào cũng đi làm nghề. Có khi một năm chỉ làm nghề một vài tháng.

Tỏ ra e ngại vì sẽ thêm các thủ tục đăng ký, anh Nguyễn Văn Hùng (31 tuổi, chạy xe ôm khu vực bến xe Mỹ Đình) cho biết, với vấn đề như biển hiệu tên, thủ tục từ đăng ký hoặc cấp mới sẽ tốn thêm thời gian và chi phí. Trong khi đó, những người hành nghề xe ôm hoặc chở hàng như anh công việc thường rất vất vả, thời gian chủ yếu là “bám” các cung đường, thu nhập không ổn định.

Ngoài những e ngại này, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc khai báo hành nghề có thể giúp hành khách an tâm hơn khi đi xe, giúp đảm bảo hàng hóa vận chuyển “đi đến nơi, về đến chốn”… nhưng việc quản lý sẽ khó, bởi xe ôm là những người hành nghề tự do, thay đổi nghề nghiệp thường xuyên, nếu cứ khô cứng trong quản lý sẽ gây ảnh hưởng đến nhóm đối tượng lao động có thu nhập thấp. Hơn nữa, nếu đề xuất được áp dụng trong thực tế thì đơn vị nào chịu trách nhiệm quản lý, xử phạt? Cơ chế quản lý xử phạt cũng cần rõ ràng hơn.

Cần có lộ trình

Nhìn nhận trên khía cạnh pháp lý, theo ông Bùi Gia Duy, chuyên viên tư vấn luật ở Hà Nội, những nỗ lực của Hà Nội trong việc tìm cách giải quyết và quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe 2 bánh là điều đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, để các quy định này có thể đi vào thực tế thì cần có những văn bản bổ sung, có lộ trình thực hiện. Nói cách khác cần thêm sự chuẩn bị kỹ càng về cả công tác quản lý nhà nước và nâng cao nhận thức của những đối tượng chịu tác động của các quy định này để quá trình thực thi được hiệu quả.

Theo ông Duy, đề xuất này nếu không được xem xét kỹ lưỡng sẽ dễ dẫn đến tình trạng tạo thêm sự cồng kềnh trong thủ tục hành chính, tăng thêm khối lượng công việc cho các cơ quan quản lý cấp địa phương.

“Hiện hầu hết các hãng chuyên về lĩnh vực này như Grap, GoViet… ở khâu tuyển dụng nhân sự đều yêu cầu lái xe phải có lý lịch tư pháp. Riêng với đội ngũ xe ôm truyền thống, họ thường gồm nhiều nhóm đối tượng với độ tuổi khác nhau, phạm vi hoạt động không cố định, hiểu biết pháp luật còn hạn chế… sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng họ “ngại” ra các đơn vị quản lý hành chính để làm thủ tục.

Nếu cứ ép buộc đăng ký cho có lệ, thì sẽ càng làm phức tạp thêm cho công tác quản lý. Khâu kiểm tra, xử lý ra sao cũng cần phải được xem xét kỹ lưỡng hơn…” - chuyên viên tư vấn luật Bùi Gia Duy nêu quan điểm.

Chung quan điểm, theo TS. Trần Hữu Minh- Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nên sớm xây dựng lộ trình phù hợp. 

Bởi các quốc gia trong khu vực đều quản lý xe 2 bánh tương đối chặt chẽ, không chỉ dừng lại ở cấp phù hiệu mà còn cấp giấy phép, ngoài ra còn quản lý điểm đỗ, rồi quản lý điều kiện nhận diện thương hiệu, đóng thuế và các nhận diện kỹ năng và trình độ của lái xe cũng như thông tin của hành khách, hành khách có thể phản hồi... Tất cả những vấn đề này cần phải được đặt ra xem xét và sớm có giải pháp cụ thể.

Được biết, với ô tô hiện đã có Nghị định 86/2014/NĐ-CP đối với quản lý lĩnh vực vận tải bằng ô tô để tạo hành lang pháp lý giám sát. Tuy nhiên, riêng xe 2 bánh thì vẫn chưa có một quy định cụ thể. Trong khi đó, xe 2 bánh hiện vẫn là nhóm phương tiện cá nhân được người dân “chuộng” sử dụng, thường xuyên dùng để phục vụ các công việc kinh doanh, vận chuyển.

Điều này nói lên rằng, việc ban hành dự thảo, đề xuất quản lý chặt chẽ hơn nhóm đối tượng hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe gắn máy là cần thiết song để có thể áp dụng trong thực tế, nhận được sự ủng hộ của người dân thì vẫn cần có thêm một lộ trình phù hợp với cách thức thực hiện linh hoạt.

Sinh Nguyễn