Bán đủ thứ trong một cửa hàng, Masan kỳ vọng mô hình này sẽ giúp doanh thu cán mốc 100.000 tỷ đồng trong năm nay
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 của CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN), công ty đã đặt ra mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất trong năm tài chính 2022 đạt 90.000 - 100.000 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng 22% - 36% khi so với mức 74,2 nghìn tỷ đồng (loại trừ doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi) trong năm 2021.
Trong năm tài chính 2021, doanh thu từ các mảng kinh doanh phục vụ người tiêu dùng (không bao gồm mảng thức ăn chăn nuôi và MHT) đóng góp 68% vào tổng doanh thu và dự kiến sẽ tăng lên 85% trong năm tài chính 2022.
Lợi nhuận thuần trong hoạt động kinh doanh chính (loại trừ các khoản lãi/lỗ 1 lần và mảng thức ăn chăn nuôi) ước tính sẽ trong khoảng 5.000 – 7.000 tỷ đồng, tăng trưởng 32% – 84% so với mức 3.800 tỷ đồng trong năm 2021.
Trụ cột The CrownX dự kiến đạt doanh thu thuần 68.000 - 76.000 tỷ đồng, tăng từ 17% tới 31% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu thuần WinCommerce (đơn vị sở hữu WinMart/WinMart+ và WinEco) được kỳ vọng cán mốc 38.000 - 40.000 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 23% đến 29% so với năm trước.
Theo Masan, động lực tăng trưởng của mảng bán lẻ sẽ đến chủ yếu nhờ vào tăng trưởng doanh thu của các cửa hàng hiện có và việc mở rộng hệ thống cửa hàng.
Việc nhân rộng số lượng cửa hàng áp dụng cách bài trí mới, tập trung vào sản phẩm tươi sống, nhãn hàng riêng và tăng tốc mô hình mini-mall sẽ là động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. Tập đoàn đặt mục tiêu gia tăng lợi nhuận thông qua tăng cường đàm phán với nhà cùng cấp, cắt giảm chi phí hậu cần và cải thiện khả năng phân phối.
Chủ tịch Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang nhận định trong năm qua, Masan đã hoàn thành việc tích hợp các mảnh ghép chiến lược và hoàn thiện mô hình bán lẻ mini-mall, do đó, trong năm 2022, tập đoàn sẽ sẵn sàng để nhân rộng mô hình này.
Đối với đơn vị sản xuất hàng tiêu dùng Masan Consumer Holdings, doanh nghiệp này dự kiến doanh thu thuần đạt mức 34 nghìn tỷ đồng – 40 nghìn tỷ đồng, tăng 18 – 39% so với năm 2021.
Động lực tăng trưởng đến từ chiến lược cao cấp hóa, tăng trưởng ở các ngành hàng cốt lõi và phát kiến mới, cùng với việc gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng thông qua chuỗi WCM và các nhà bán lẻ thương mại hiện đại khác.
Với Masan MEATLife, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt khoảng 5 nghìn – 6,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11 – 45% so với mức 4,5 nghìn tỷ đồng cùng kỳ (không bao gồm mảng thức ăn chăn nuôi) nhờ mở rộng danh mục thịt heo và thịt gà có thương hiệu, gia tăng khả năng phân phối thông qua WCM. Lợi nhuận được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn nữa nhờ công suất sử dụng cao hơn và tăng trưởng doanh số từ thịt chế biến.
Với Masan High–Tech Materials, doanh thu thuần dự kiến đạt từ 14,5 nghìn – 15 nghìn tỷ đồng, tăng 7 – 11% dựa trên việc các nguyên tắc cơ bản của thị trường vonfram tiếp tục được cải thiện vào năm 2022 và sức mạnh của thị trường hàng hóa nói chung.
Riêng đối với các mảng kinh doanh mới, trong năm tài chính 2022, dự kiến doanh thu Phúc Long sẽ đạt từ 2,5 nghìn đến 3 nghìn tỷ đồng, nhờ mở rộng mạng lưới cửa hàng riêng và kiosk trong WCM cũng như việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm trà và cà phê. Viễn thông Mobicast/Reddi đặt mục tiêu sẽ thu hút 500.000 – 1.000.000 thuê bao mới.