|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bản đồ startup fintech Việt Nam 2020

15:09 | 27/11/2020
Chia sẻ
Đến năm 2020, Việt Nam có 123 startup hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính, theo báo cáo Vietnam Fintech Report 2020 của Fintechnews.

Báo cáo Vietnam Fintech Report 2020 mới đây cho biết số lượng startup trong lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính) ở Việt Nam tăng gấp gần 3 lần về số lượng từ năm 2017 (44 startup) đến 2020 (123 startup). Trong đó, thanh toán vẫn là phân khúc lớn nhất, chiếm 31% tổng số lượng các startup fintech.

Số lượng startup fintech ở Việt Nam tăng 3 lần kể từ năm 2017 - Ảnh 1.

(Ảnh: Fintech Singapore. Việt hoá: Thái Sơn)

Tính đến thời điểm tháng 10/2020, Việt Nam có 39 đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán phi ngân hàng được cấp phép, trong đó 5 ví điện tử lớn nhất lần lượt là MoMo, Payoo, Moca, ZaloPay và ViettelPay.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước công bố Việt Nam đang có khoảng 4,2 triệu người dùng ví điện tử trong tổng số gần 100 triệu dân ở thời điểm cuối năm 2019. Điều này đồng nghĩa với việc dù mảng thanh toán có mức độ cạnh tranh cao với khá nhiều "tay chơi", cơ hội tăng trưởng vẫn còn nhiều.

Dù các startup thanh toán vẫn tăng trưởng và thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, tăng trưởng mạnh mẽ nhất lại được ghi nhận ở mảng cho vay ngang hàng (P2P) và mã hóa/ blockchain. Nếu như ở năm 2017, hai mảng nói trên chỉ có dưới 5 startup, con số của năm 2020 tăng lên 15.

Bên cạnh đó, trong ba năm gần đây, Việt Nam cũng đón thêm các startup trong lĩnh vực insurtech (công nghệ bảo hiểm), ngân hàng số và tài trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Ba mảng kinh doanh này chưa tồn tại ở năm 2017.

Số lượng startup fintech ở Việt Nam tăng 3 lần kể từ năm 2017 - Ảnh 2.

Đến năm 2020, Việt Nam có 123 startup hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính, theo báo cáo Vietnam Fintech Report 2020. (Việt hóa: Thái Sơn)

Mặc dù có nhiều điểm sáng, mảng công nghệ tài chính ở Việt Nam vẫn được đánh giá còn khá "thô sơ" khi so sánh với một số quốc gia láng giềng như Singapore. Các mảng kinh doanh quản lí tín dụng/ chấm điểm tín dụng/ dữ liệu hay gọi vốn cộng đồng vẫn có ít startup tham gia.

Theo báo cáo, mảng fintech ở Việt Nam vẫn chủ yếu gồm các công ty đi theo mô hình B2C. Thực tế này mở ra cơ hội tăng trưởng cho các startup hướng đến mô hình B2B. Cùng thời điểm, các ngân hàng Việt Nam cũng đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Một số nhà băng chọn cách hợp tác với các startup để sáng tạo nhanh hơn.

Báo cáo cũng nói đến việc các hãng gọi xe đang "nhăm nhe" miếng bánh dịch vụ tài chính khi Grab, Be Group và FastGo đều có dịch vụ ví điện tử. Gojek mới đây cũng đã thâu tóm WePay để có giấy phép hoạt động ví điện tử ở Việt Nam.

Ở lĩnh vực fintech, các "siêu ứng dụng" cũng là chất xúc tác tăng trưởng khi tận dụng được nền tảng công nghệ tiên tiến để mang các dịch vụ tài chính chi phí thấp và tiện dụng đến số đông người dùng hơn.

Thái Sơn