|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bamboo Airways có thể được cấp phép cuối 2019, cuộc chiến giành thị phần sắp bùng nổ?

16:39 | 29/03/2018
Chia sẻ
HSC nhận định Bamboo Airways có thể được cấp phép hoạt động vào cuối năm 2019 khi dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất có thể được triển khai trong năm 2018 và dự báo sẽ giành được 1 - 4% thị phần trong giai đoạn 2019 - 2025
bamboo airways co the duoc cap phep cuoi 2019 cuoc chien gianh thi phan sap bung no FLC và Airbus ký bản ghi nhớ mua 24 máy bay cho Bamboo Airways
bamboo airways co the duoc cap phep cuoi 2019 cuoc chien gianh thi phan sap bung no Ông Trịnh Văn Quyết: Năm 2022 Bamboo Airways sẽ hoạt động, đã đàm phán với Airbus và Boeing

Cuối năm 2019 Bamboo Airways có thể được cấp phép

Bản ghi nhớ (MOU) về việc mua 24 máy bay A321NEO giữa Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Mã: FLC) và Tập đoàn Airbus vừa được ký kết phục vụ cho hãng hàng không Bamboo Airways của Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines).

Công ty Cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC) nhận định về lâu dài nhiều khả năng động thái này sẽ tạo ra nguy cơ cạnh tranh đối với các hãng hàng không hiện tại chẳng hạn như Vietnam Airlines và Vietjet Air. Tuy nhiên nguy cơ này trong trung hạn là không lớn.

Hãng hàng không Bamboo Airways đã kỳ vọng nhận được giấy phép hoạt động từ năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa được cấp do cơ quan quản lý lo ngại sân bay Tân Sơn Nhất bị quá tải. Tuy nhiên, HSC cho rằng việc ký Hợp đồng thoả thuận trên cho thấy Bamboo Airways có thể sẽ nhận được giấy phép trước cuối năm 2019.

Bamboo Airways có thể sẽ giành được 1 - 4% thị phần trong giai đoạn 2019 - 2025 dựa trên giả định là hãng có thể bắt đầu hoạt động theo như kế hoạch đề ra, HSC dự đoán.

Lai giữa mô hình hàng không giá rẻ và không truyền thống

bamboo airways co the duoc cap phep cuoi 2019 cuoc chien gianh thi phan sap bung no
Mẫu máy bay A321NEO (Ảnh: FLC)

Bamboo Airways có khả năng bắt đầu hoạt động vào năm 2019 với một số máy bay thuê từ bên thứ 3 trước khi nhận máy bay mua theo Hợp đồng thoả thuận ký với Airbus. Bamboo Airways dự kiến sẽ trở thành hãng hàng không “hybrid”, lai ghép giữa mô hình hàng không giá rẻ và hàng không truyền thống.

Hãng hàng không Bamboo Airways đã xin cấp giấy phép kinh doanh từ tháng 6/2017 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp. Một lý do khiến Chính phủ chậm cấp phép là hãng hàng không mới có nguy cơ làm sân bay Tân Sơn Nhất trở nên quá tải khi chưa mở rộng xong. Dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất có thể sẽ bắt đầu triển khai trong năm nay và HSC kỳ vọng Bamboo Airways sẽ được cấp giấy phép vào năm 2019.

Chiến lược ban đầu của Bamboo Airways là tập trung mở các tuyến bay cả quốc tế và nội địa đến các tỉnh thành có khu nghỉ dưỡng của FLC như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc và Nha Trang. Theo đó, dịch vụ vận tải hàng không sẽ là mảng kinh doanh hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh khu nghỉ dưỡng.

Thành công phụ thuộc vào khả năng giành vị trí cất hạ cánh và khung giờ bay

HSC cho biết thị trường hàng không Việt Nam hiện rất cô đặc mặc dù tăng trưởng mạnh. Hiện tại, chỉ có 3 hãng hàng không hoạt động trên thị trường nội địa Việt Nam gồm hãng hàng không truyền thống Vietnam Airlines và hai hãng hàng không giá rẻ là Vietjet Air và Jetstar Pacific - công ty con của Vietnam Airlines.

Về thị phần, vào thời điểm cuối năm 2017, HSC ước tính Vietnam Airlines nắm 43% thị phần nội địa và 28% thị phần quốc tế trong khi đó Vietjet Air nắm 42% thị phần nội địa và 11% thị phần quốc tế.

Theo nội dung MOU và quy mô vốn điều lệ của Bamboo Airways, HSC cho rằng quy mô đội bay của hãng hàng không mới này sẽ tăng từ 4 lên 24 tàu bay trong giai đoạn 2019 - 2025.

Như vậy, Bamboo Airways kỳ vọng sẽ tăng lượng hành khách chuyên chở từ 1 triệu lượt khách trong năm 2019 lên 6 triệu lượt khách trong năm 2025 với giả định 70% là hành khách nội địa và 30% là hành khách quốc tế. Bamboo Airways có thể giành được 0,9 - 4,2% thị phần trong nước và 0,7 - 1,6% thị phần quốc tế trong giai đoạn này, HSC cho hay.

Sự thành công của Bamboo Airways sẽ phụ thuộc vào khả năng giành được vị trí và khung giờ cất hạ cánh hấp dẫn tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, là hai sân bay đang chiếm ưu thế.

Trong giai đoạn 2010 - 2017, lượng hành khách chuyên chở qua các sân bay của Việt Nam gia tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân gộp năm là 17%, mức cao nhất ở khu vực Đông Nam Á. Cục Hàng không Việt Nam dự báo lượng hành khách hàng không ở Việt Nam sẽ đạt 142 triệu lượt vào năm 2020, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân gộp năm là 14% trong giai đoạn 2017 - 2020.

Hoàng Kiều