|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Bám víu vào đất đai, quan hệ, tiền bạc thì chết không siêu thoát'

08:27 | 18/05/2019
Chia sẻ
Shark Nguyễn Thanh Việt cho rằng doanh nhân để lại cho đời không phải bao nhiêu tiền, mà là giá trị nhân văn. Ông nghĩ nếu bám víu vào tiền bạc thì chết không siêu thoát được.
Bám víu vào đất đai, quan hệ, tiền bạc thì chết không siêu thoát - Ảnh 1.

Bằng một giọng quyết đoán, ngắn gọn, Shark Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Intracom Group, dành gần 3 giờ để trò chuyện với Zing.vn. Ông nói chưa bao giờ trả lời phỏng vấn dài như thế, bởi nếu uống trà ông cũng tìm người ít nói ngồi thưởng thức cùng.

Shark Việt cho rằng các startup Việt còn rất thiếu kinh nghiệm, kiến thức khi bắt đầu khởi sự kinh doanh. Ông đến với Shark Tank một phần vì muốn truyền đạt lại những kinh nghiệm sau 30 năm “bầm dập” trên thương trường cho các bạn trẻ. Chủ tịch Intracom muốn rót vốn vào các dự án vì cộng đồng như y tế, công nghệ thân thiện với môi trường, tạo ra nhiều việc làm.

Là một người yêu thích đạo Phật, ông nhấn mạnh chính đạo Phật đã thay đổi cuộc đời ông. Nói về gia đình, ông cho rằng đó là một góc thiêng liêng như tôn giáo. Shark Việt nói vui rằng nếu phải ra đi, sẽ không lấy của vợ con thứ gì, bởi điều quan trọng nhất là con người mình, chứ không phải những thứ bên ngoài.

Shark Nguyễn Thanh Việt chia sẻ quan điểm về tiền Theo Shark Việt, tiền chỉ là phương tiện, để ta kinh doanh, giúp đỡ người khác, xây dựng một cộng đồng có văn hóa, có bản sắc.

"Startup thiếu nhiều thứ hơn tôi tưởng"

- Shark Phú nói với Zing.vn rằng đến với Shark Tank có một phần lớn là PR bản thân và doanh nghiệp, còn ông thì sao?

- Nếu chỉ vì PR bản thân và doanh nghiệp chắc chắn tôi không đến với chương trình Shark Tank Việt Nam. Đương nhiên khi đến với chương trình sẽ có ảnh hưởng đến cá nhân và doanh nghiệp. Nhưng đấy là mặt tích cực. Mặt không tích cực đối với cá nhân tôi là mất đi những thứ tự nhiên, tôi không hề thích sự nổi tiếng.

Một người bạn đã thuyết phục tôi đến với chương trình. Họ nói về việc rất nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp nhưng không thành công. Nếu không có người đi trước dẫn đường, chỉ bảo, thổi luồng gió vào, thì các một là các bạn ấy sẽ nhụt chí, không dám khởi nghiệp nữa. Việc khởi nghiệp dễ đi vào ngõ cụt.

Tôi thấy mình đã hơn 30 năm kinh nghiệm, có rất nhiều bầm dập trên thương trường. Nếu mình chia sẻ được, các bạn startup lĩnh hội được để từ đó phát triển thì rất tốt. Tôi đến với chương trình cũng một phần để muốn truyền đạt lại cho các bạn trẻ điều đó. Vì lợi ích của cộng đồng, trong đấy cũng có lợi ích của Intracom, tôi đã tham gia chương trình.

- Ông đã đầu tư bao nhiêu ở Shark Tank? Các thương vụ hiện tại ra sao?

- Trong Shark Tank mùa 2 tôi cam kết đầu tư hơn 47 tỷ đồng trong đó đầu tư vào startup làm đồ bảo hộ lao động CDTS thì cao gấp đôi cam kết trong chương trình. Các startup khác vẫn đang trong quá trình bàn bạc, thương thảo thêm và sẽ sớm công bố kết quả trong thời gian sớm nhất.

Bám víu vào đất đai, quan hệ, tiền bạc thì chết không siêu thoát - Ảnh 2.

Đồ họa: Zing

- Quá trình thương thảo trong chương trình rất ngắn. Sau đó khi làm việc thêm với các startup, ông thấy có khó khăn gì phát sinh không?

- Các startup có khát vọng khởi nghiệp, muốn thành công nhưng thiếu rất nhiều thứ. Sau chương trình chúng tôi phải làm việc với nhau rất nhiều lần và tôi phát hiện ra rằng họ thiếu nhiều hơn tôi tưởng tượng nên phải tìm cách hỗ trợ.

Nhiều người chỉ tính đơn giản là họ sản xuất ra cái gì, bán được bao nhiêu mà không tính toán đến những cái khác như nhà xưởng, đóng thuế, bảo vệ môi trường… Vì vậy, thời gian dành cho các startup tăng rất nhiều so với tôi nghĩ, nhiều hơn cả những dự án mà tôi làm.

- Shark Hưng đang muốn đầu tư vào nhiều startup công nghệ, để hoàn thiện hệ sinh thái của doanh nghiệp, ông có định hướng như vậy không?

- Tôi cũng có mục tiêu như thế bởi ở kỷ nguyên số, rất cần những người trẻ, hiểu biết về công nghệ. Tuy nhiên quỹ thời gian của tôi eo hẹp hơn Shark Hưng nên sẽ đầu tư vào những lĩnh vực trọng điểm nhất.

Tôi đầu tư vào y tế, các công nghệ thân thiện môi trường, startup giải quyết nhiều công ăn việc làm và phổ cập được cho nhiều doanh nghiệp khác nhau.

- Vậy ông có ý định tham gia mùa Shark Tank sau không?

- Tôi đã được đề nghị, nhưng chưa quyết định bởi cần xem lại quỹ thời gian của mình. Đầu tư không phải là mất nhiều tiền mà mất rất nhiều thời gian nên tôi phải xem rất kỹ, chứ không phải rót tiền là xong. Thời gian không chỉ trong chương trình, mà sau chương trình cho các startup cần gấp nhiều lần. Tham gia mà không đi đến cùng với các startup thì thấy mình chưa trọn vẹn.

Đừng lo mất khi cơ chế cho doanh nghiệp lợi một chút so với Nhà nước

- Nhiều người luôn tò mò ông đã khởi nghiệp như thế nào? Thành công có đến sớm với ông hay không?

- Tôi làm Nhà nước gần 30 năm, gắn bó với 2 doanh nghiệp Tổng công ty Sông Đà và Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội. 15 năm gần đây tôi mới đầu tư và gây dựng Intracom. Tôi thấy mình phù hợp hơn với kinh tế tư nhân.

Hồi đầu rất khó khăn, chúng tôi phải lo vốn, gây dựng đội ngũ và nghĩ nên kinh doanh việc gì. Nếu không lựa chọn cẩn thận thì có thể thất bại từ một trong những thứ đấy.

Tôi thường nói với đồng nghiệp rằng tôi cho họ cơ hội duy nhất trong đời làm việc với một người cháy hết mình. Họ cứ làm tốt đi, rồi tình yêu sẽ đến.

- Ông đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực y tế, nhiều người đánh giá đây là lĩnh vực hấp dẫn, nhưng không hề “dễ ăn”?

- Hạ tầng về y tế của chúng ta đang khó khăn. Điều này không phải Chính phủ không nhìn thấy mà do ngân sách hạn chế. Chắc chắn Chính phủ phải mở cơ chế cho tư nhân cùng tham gia đầu tư, là cơ hội cũng là thách thức.

Cũng vì thách thức nên tôi nhắm đến mô hình kết hợp hài hòa bác sĩ có chuyên môn giỏi và nhà đầu tư chuyên nghiệp, tạo ra dịch vụ y tế chất lượng cao phục vụ nhân dân. Có con người, thiết bị, nhà cửa nhưng cũng cần đầu tư để có dịch vụ tốt, tạo ra một thương hiệu để đời.

Tôi cũng mong muốn nhiều bạn trẻ ra nước ngoài xuất khẩu lao động về lĩnh vực chăm sóc y tế có thể làm việc ở trong nước. Như vậy nếu thời gian rảnh các em vẫn có thể về thăm gia đình, không phải mài tuổi thanh xuân ở nước ngoài. Đi xuất khẩu lao động chỉ biết làm việc, trong khi con người đâu chỉ có 8 tiếng ở công sở. Thời gian còn lại họ sống với gia đình và các việc khác nữa.

Tôi cũng mong phát triển dịch vụ chăm sóc người già, không chỉ cho người trong nước mà còn cả người nước ngoài đến Việt Nam. Tại sao ta không làm giàu trên quê hương mình, họ muốn chăm sóc đến đây ta chăm sóc. Chính phủ nên mở những kênh này để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Bám víu vào đất đai, quan hệ, tiền bạc thì chết không siêu thoát - Ảnh 3.

Đồ họa: Zing

- Để tận dụng khối tư nhân thành một động lực phát triển kinh tế, theo ông Chính phủ cần tháo gỡ những gì?

- Doanh nghiệp băn khoăn nhất không phải thái độ của Chính phủ mà là sự ổn định của chính sách và luật pháp. Nếu chính sách thường xuyên thay đổi sẽ ảnh hưởng rất nhiều việc hoạch định của doanh nghiệp. Chúng ta nên có một chính sách ổn định từ 5-15 năm.

Tôi cũng cho rằng nếu một cơ chế nào đó, doanh nghiệp lợi một chút, Chính phủ hơi thiệt một chút, thì Chính phủ đừng lo mất một cái gì đó. Bởi điều đó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư làm ăn. Nó giống như giao tài sản xã hội cho một doanh nghiệp phát huy nó. Khi họ phát huy tốt sẽ quay lại đầu tư cho xã hội.

Tôi cũng đồng tình tư nhân trong nước phải là chủ yếu, không nên dựa quá nhiều vào tư bản nước ngoài. Bởi người Việt Nam sống ở đây, kinh doanh ở đây và sẽ chết ở đây. Người nước ngoài nếu kinh doanh không hiệu quả sẽ bỏ đất nước chúng ta đi đầu tư chỗ khác.

Ngoài ra, khi nền kinh tế dựa vào tư bản trong nước, việc đầu tiên khi họ giàu là sẽ đầu tư lại cho cộng đồng trong nước chứ không phải đầu tư cho cộng đồng ngước ngoài. Hơn nữa, tư bản trong nước luôn có tinh thần dân tộc, bảo vệ chủ quyền và lợi ích trong nước.

Nếu uống trà tôi cũng tìm người kiệm lời ngồi cùng

- Chỉ xuất hiện trong 4 tập trong Shark Tank, nhưng ông để lại ấn tượng là một người quyết đoán, kiệm lời. Ngoài đời ông có như thế không?

Tôi cho rằng một vấn đề gì đó khi đã nói ra thì có vẻ không còn đúng nữa. Vậy tốt nhất là nói ít làm nhiều thì mọi người dễ thông cảm hơn. Tôi không muốn nói nhiều, chỉ muốn làm việc nhiều. Đáng tiếc là trong công việc, trong Shark Tank mình phải nói ra một vài điều. Nói như thế với tôi là quá nhiều rồi.

- Ông có thời gian để chơi môn thể thao hay nghệ thuật nào không?

- Tôi hay đi bộ, bơi, đánh golf với bạn bè. Tôi cũng hay uống trà và nói chuyện với bạn bè. Nhưng tôi phải tìm một người ít nói để uống trà cùng. Nhiều người uống trà cứ nói chuyện làm mất vị trà.

Bám víu vào đất đai, quan hệ, tiền bạc thì chết không siêu thoát - Ảnh 4.

Đồ họa: Zing

Đạo Phật giúp tôi 99% trong công việc và cuộc sống. Trước khi đến với đạo Phật tôi là một người hoàn toàn khác, rất hiếu thắng. Chính tôi cũng không hiểu mình ngày ấy sao lại buồn cười đến thế. Sau khi tôi biết đến đạo Phật, tôi mới thấy mình thay đổi hoàn toàn.

Đạo Phật có những giá trị về văn hóa, tinh thần, ứng dụng được trong cuộc sống, công việc và bất kể mọi thứ đều hữu dụng. Nếu mọi người hiểu sâu về đạo Phật thì làm gì cũng tốt. Làm chính trị, kinh doanh, vị trí nào trong xã hội cũng tốt. Kể cả người dọn vệ sinh cho đến những người làm việc mà xã hội coi là vất vả nhất, khó khăn nhất, nếu biết đến rất có lợi ích.

- Một số người đã lợi dụng đạo Phật để hành nghề mê tín dị đoan, thu lợi bất chính. Ông có bức xúc về điều đó không?

- Tôi không bức xúc về điều đó, bởi đạo Phật là chuyển mê khai ngộ. Đạo Phật có hay, có tốt thì mới có nhiều người muốn lợi dụng. Giống như ngọc, kim cương, vàng là những thứ quý giá mới bị làm giả nhiều.

Những người lợi dụng đạo Phật là những người đáng thương, chứ không phải đáng ghét. Họ lợi dụng đạo Phật, có thể trời không biết, đất không biết, nhưng chính bản thân họ lại biết. Đạo Phật nhấn mạnh nhân - quả, ai làm gì sai thì tự mình phải gánh, trồng cây nào gặt quả nấy.

Ai đã lỡ là nạn nhân thì họ phải tự trách mình, bởi họ đang mê chứ chưa ngộ, đang bị người khác dẫn dụ. Đạo Phật là chánh tín chứ không phải mê tín, là khuyến tấn mọi người thực hiện cái đúng.

Thứ hai, đạo Phật là khoa học chứ không phải phi khoa học. Tôn giáo nào cũng tốt, nhưng đạo Phật nhấn mạnh tự giác. Anh phải tự giác chứ không phải đợi người khác nhắc nhở.

Đạo Phật gắn liền với lịch sử dân tộc. Lịch sử cũng chứng minh rất nhiều người dựa vào đạo Phật để làm những điều mê tín dị đoan, và họ đều phải trả giá, vấn đề là thời gian thôi.

Nếu ai đấy là nạn nhân thì phải tự trách mình khi chưa giác ngộ. Mình vẫn cầu những thứ bên ngoài, mà đạo phật nhấn mạnh chữ tâm, tâm phật. Mà anh cứ cầu bên ngoài thì sao thắng lợi được, cứ nghĩ sai thì anh bị lực lượng khác dẫn dụ là bình thường.

Gia đình là một góc thiêng liêng như tôn giáo

- Khi nào ông sẽ nghỉ hưu?

- 60 tuổi tôi sẽ nghỉ điều hành, nhưng nghỉ hưu thì không. Nếu nghỉ hưu tôi thì không có việc gì mà làm. Mà không có việc gì làm thì rất dễ hư, tôi thì không muốn hư.

- Vậy ông vẫn làm nghĩa là vẫn muốn kiếm tiền?

- Từ khi đi làm, tôi không nghĩ đến chuyện kiếm tiền.

- Chứng tỏ tiền nhiều không có tác dụng gì với ông?

- Không phải, tiền nhiều và không muốn kiếm tiền là 2 việc khác nhau. Tiền chỉ là một loại phương tiện. Đức Phật từng ví như khi ta đi một con thuyền qua sông, khi qua rồi không ai bê con thuyền trên vai đi tiếp mà bỏ lại. Tiền cũng giống con thuyền, để một người kinh doanh đạt được mục tiêu nào đấy.

Bám víu vào đất đai, quan hệ, tiền bạc thì chết không siêu thoát - Ảnh 5.

Đồ họa: Zing

Quan trọng nhất với một người kinh doanh là văn hóa kinh doanh, là cái tâm của mình gắn với việc. Cái anh để lại cho đời không phải bao nhiêu tiền, bao nhiêu đất đai mà là giá trị nhân văn. Nếu bám víu vào đất đai, quan hệ, tiền bạc hay bất cứ thứ gì thì chết không siêu thoát được.

Tiền chỉ là phương tiện, để ta kinh doanh, giúp đỡ người khác, xây dựng một cộng đồng có văn hóa, có bản sắc. Nói có vẻ lý thuyết, nhưng chính cái đó làm ta dễ ở, dễ đi.

- Gần đây dư luận khá ồn ào về một vụ ly hôn nữa 2 vợ chồng cùng điều hành một doanh nghiệp lớn. Nhiều người tò mò vợ Shark Việt có đóng vai trò gì trong Intracom hay không, đã hỗ trợ ông như thế nào trong kinh doanh?

- Vợ tôi có sự nghiệp riêng, doanh nghiệp riêng tuy nhiên cũng có tham gia giúp tôi một số công tác ở Intracom. Vợ và gia đình là phần không thể thiếu của một con người, đó là những thứ mình nên tôn trọng. Người xưa vẫn nói “của chồng công vợ”, tôi thấy gia đình là một góc thiêng liêng như tôn giáo.

Bám víu vào đất đai, quan hệ, tiền bạc thì chết không siêu thoát - Ảnh 6.

Ảnh: Zing

- Nhiều người ước mơ trở thành tỷ phú USD, các bạn startup mong ước trở thành "unicorn". Vậy ước mơ của ông trong lúc này là gì?

- Ước mơ của tôi là sẽ giải thoát được tất cả sự ràng buộc, không ràng buộc với thứ gì. Không ràng buộc không có nghĩa tôi không ràng buộc với ai, mà tôi không bị những thứ ấy giữ tôi ở lại.

Trong đời, tôi gặp thứ gì thì biết thứ ấy, xong rồi không ràng buộc nữa. Còn tiền hay tỷ phú USD, tỷ phú nhiều USD thì vẫn phải ra đi, lúc đó anh có thanh thản vì nhiều tiền hay không. Kể cả từ thiện 60-70% anh có thanh thản không?

Hiếu Công