[Bài 3] Luật sư: Bán bảo hiểm qua ngân hàng còn thiếu minh bạch thông tin, người dân cần thay đổi nhận thức
Trong thời gian qua trên kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng có nhiều vấn đề phát sinh như ép mua bảo hiểm, nhân viên tư vấn sai lệch sản phẩm bảo hiểm thành sản phẩm tiết kiệm, thậm chí có một số trường hợp khai khống tình trạng sức khoẻ, thu nhập để bán bảo hiểm,...
Tình trạng này khiến nhiều khách hàng rơi vào tình cảnh trớ trêu khi tiền gửi tiết kiệm, đầu tư tự dưng biến thành hợp đồng bảo hiểm, không thể rút tiền ra thậm chí có thể bị mất trắng.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty luật BASICO, về vấn đề này để hiểu rõ hơn về nguyên nhân phát sinh các sự vụ và làm sao để người dân không bị "mất tiền oan" trong các giao dịch tài chính.
- Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng việc bán bảo hiểm qua ngân hàng phát sinh nhiều phản ánh tiêu cực như ép mua bảo hiểm và tư vấn sai lệch từ bảo hiểm sang tiết kiệm trong thời gian qua?
Luật sư Trần Minh Hải: Theo tôi vấn đề chính ở đây là sự thiếu minh bạch thông tin. Sản phẩm bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng hay còn gọi là bancassurance thực chất là hãng bảo hiểm mượn uy tín và mạng lưới của hệ thống ngân hàng để bán bảo hiểm.
Trước đây khách hàng đến ngân hàng chỉ sử dụng các dịch vụ của ngân hàng (như gửi tiền, vay vốn,…) tuy nhiên khi có bancassurance thì khi tới ngân hàng, khách hàng còn được giới thiệu, tư vấn, chào mời, thậm chí có trường hợp bị “ép” mua bảo hiểm.
Chúng ta có thể hình dung có khách hàng chỉ đến sử dụng dịch vụ của ngân hàng thôi nhưng sẽ bị chào thêm sản phẩm bảo hiểm và việc bán hàng đôi lúc sẽ vượt khỏi mong muốn của khách hàng. Khi được nhân viên ngân hàng mời chào quá mức về một sản phẩm khác, khách hàng sẽ dễ “mua” hoặc đặt bút ký nhưng không hiểu rõ về sản phẩm đó.
Một hợp đồng bảo hiểm không đơn giản chỉ là một tờ giấy đơn giản mà có khi có tới vài chục, gần trăm trang với nhiều điều khoản khác nhau. Với khoảng thời gian ngắn và không phải chuyên gia về pháp lý thì rất nhiều khách hàng chỉ chú ý vào những thuộc tính nổi bật tích cực mà nhân viên ngân hàng giới thiệu mà không lường trước hết những điều khoản lợi/thiệt cho đến lúc muốn dừng lại thì mới vỡ lẽ.
- Trong những trường hợp có phát sinh sai phạm trách nhiệm các bên của doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng như thế nào? Trường hợp nào thì khách hàng được hoàn trả lại phí đã đóng thưa ông?
Luật sư Trần Minh Hải: Trong trường hợp phát sinh tranh chấp thì phải đưa vụ việc ra toà án và toà án sẽ xác định quyền và trách nhiệm của các bên. Tuy nhiên, trong phạm vi quản lý nhà nước về lĩnh vực ngân hàng, khi có các vấn đề phát sinh không thể nói doanh nghiệp bảo hiểm hay ngân hàng vô can hoàn toàn được.
Điều đó có nghĩa là không thể gạt bỏ hoàn toàn trách nhiệm của ngân hàng và các doanh nghiệp bảo hiểm trong những trường hợp ép mua bảo hiểm hoặc tư vấn sai lệch thông tin.
Ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm là hai bên cùng hưởng lợi trên doanh thu bảo hiểm bán được mà bảo hiểm thường được ví như ngành “bán giấy lấy tiền”. Doanh nghiệp bảo hiểm chọn ngân hàng vì uy tín của họ. Ngân hàng dùng uy tín của mình để kiếm tiền từ việc kết hợp bán bảo hiểm. Các nhân viên ngân hàng cũng được công ty bảo hiểm đào tạo và cấp chứng chỉ nghiệp vụ liên quan.
Về phía khách hàng, khi đưa ra quyết định mua sản phẩm tại ngân hàng, họ đặt niềm tin ở đây là vào ngân hàng. Khi họ thất vọng vào niềm tin đó thì điều đó thể hiện đang có sự thiếu minh bạch.
Trong trường hợp khách hàng chứng minh được rằng mình bị ép buộc hay bị lừa dối, hai yếu tố đó là cơ sở để khiến hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu và khi đó doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn trả lại tiền cho khách hàng, bởi vì họ là người nhận tiền nộp từ khách hàng. Sau đó câu chuyện giữa ngân hàng và bảo hiểm ra sao thì sẽ là việc của hai bên.
- Vậy khách hàng cần lưu ý gì khi mua các sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng và cần làm gì để đảm bảo quyền lợi cho mình?
Luật sư Trần Minh Hải: Chỉ một lưu ý duy nhất khách hàng cần phải thay đổi nhận thức của mình. Trong giao dịch với ngân hàng, họ cầnphải gạt bỏ tư tưởng đóng đinh vào đầu tư trước tới nay là cái gì giao dịch với ngân hàng đều là yên tâm, đúng đắn hay an toàn tuyệt đối.
Bởi vì thực tế đã chứng minh khi giao dịch với ngân hàng không phải ngân hàng nào cũng tốt, không phải tiền cứ vào ngân hàng là an toàn, không phải dịch vụ nào cũng đều đảm bảo chắc chắn.
Cho nên khi giao dịch mà không biết mình đang giao dịch với ai, giao dịch với nội dung gì, đánh đồng giữa tiền tiết kiệm và bảo hiểm thì cũng không thể phó thác hoàn toàn cho bên ngân hàng hay nhân viên tư vấn mà phải nhìn rõ đó một phần do lỗi của bản thân mình.
Mỗi khách hàng đến giao dịch đều là người trưởng thành, đủ năng lực hành vi trước pháp luật nên không thể ỷ lại vào niềm tin tuyệt đối khi giao dịch với một môi trường chuyên nghiệp hay một thương hiệu lớn được. Không thể phó thác toàn bộ rủi ro các khoản đầu tư của mình mà không hiểu rõ, không tham gia quản lý được.
- Các cơ quan quản lý cần siết các quy định chế tài ra sao để hạn chế tối đa được những sự việc không hay kể trên diễn ra, thưa ông?
Luật sư Trần Minh Hải: Về phía cơ quan quản lý, nhìn một cách khách quan thì họ đang có sự quản lý không đồng đều giữa các mảng.
Nhìn một cách khách quan, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thời gian qua đã quản lý khá chặt thậm chí mang tính can thiệp sâu vào nghiệp vụ của các ngân hàng.Ví dụ khi cho vay thì đặt ra hạn mức tăng trưởng tín dụng theo từng khoảng thời gian, thực hiện thanh kiểm tra liên tục các hoạt động dịch vụ.
Tuy nhiên, bên cạnh việc chặt chẽ quá mức đó thì họ lại lỏng ở một số khía cạnh mà cụ thể là mảng hợp tác ngân hàng với bảo hiểm.
Ngân hàng là tổ chức tác động đến đại chúng lớn, nên thực tế không thể nói NHNN không biết đến các vụ việc, tình trạng trên thực tế như ép mua bảo hiểm hay tư vấn sai lệch các sản phẩm bảo hiểm tại ngân hàng.
Theo tôi, NHNN cũng không thiếu biện pháp để cảnh giới các ngân hàng để không khai thác quá mức uy tín, niềm tin với ngân hàng vào những giao dịch thiếu sự minh bạch. Để mà quản lý được lĩnh vực này chỉ cần một văn bản của NHNN đặt ra những giới hạn nguyên tắc để các ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm dựa vào đó để thực hiện.
Những sự vụ về trái phiếu hay bảo hiểm vừa qua trong lĩnh vực ngân hàng đều bị phải tình trạng là "nước đến chân mới nhảy".
Cảm ơn ông đã chia sẻ!
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/