|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bắc Ninh tìm kiếm nhà cung ứng tiềm năng, tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung

15:58 | 21/09/2020
Chia sẻ
Sau tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh là địa phương thứ hai phối hợp cùng Samsung Việt Nam và Bộ Công Thương triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao năng lực, tăng khả năng tiếp cận chuỗi sản xuất toàn cầu.

Sáng ngày 21/9, Lễ kí kết MOU Dự án hợp tác tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ giữa Bộ Công Thương, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Ninh đã diễn ra tại tỉnh Bắc Ninh.

Theo biên bản ghi nhớ, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh được thực hiện trong 6 năm (2020 - 2025) gồm chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp và chương trình phát triển nhà cung ứng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu xu thế đầu tư nước ngoài mới. 

Muốn vậy, việc cải tiến sản xuất và nâng cao năng suất chất lượng cần phải được thực hiện thường xuyên, duy trì liên tục bởi điều các doanh nghiệp FDI quan tâm khi lựa chọn nhà cung ứng là qui trình sản xuất từ đầu vào đến đầu ra phải được chuyên nghiệp hóa, đáp ứng nhu cầu về nguồn nguyên liệu trong thời gian dài.

Bắc Ninh tìm kiếm nhà cung ứng tiềm năng, tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung - Ảnh 1.

Lễ kí kết MOU Dự án hợp tác tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực Công nghiệp hỗ trợ giữa Bộ Công Thương, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Bộ Công Thương.

Cũng theo Thứ trưởng, sau tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh là cơ quan địa phương thứ hai chủ động phối hợp cùng Samsung Việt Nam và Bộ Công Thương triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao năng lực, tăng khả năng tiếp cận chuỗi sản xuất toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam. 

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh còn thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động kết nối, nhằm tìm kiếm nhà cung ứng tiềm năng, tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, thông qua hiệu quả hoạt động của chương trình, Bộ Công Thương kì vọng các cơ quan chính quyền địa phương nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng sẽ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thúc đẩy ngành chế biến, chế tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để thực hiện hiệu quả Biên bản kí kết, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao nhiệm vụ Bộ Công Thương hoàn thiện thể chế về công nghiệp hỗ trợ để các doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh tại thị trường nội địa và coi thị trường quốc tế là mục tiêu hướng tới.

Đồng thời Bộ Công Thương và các Bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về vốn, nhân lực; hình thành chuỗi liên kết, chuỗi giá trị… 

Ngoài ra sau Lễ kí kết, Bộ Công Thương cụ thể hoá Biên bản để thực hiện các cam kết, hỗ trợ các doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả nhất…

Ông Park Noh Wan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta sẽ khó nhìn thấy thành quả của quan hệ hợp tác đồng thịnh vượng này trong thời gian ngắn. 

Nhưng tôi hy vọng rằng các bên sẽ không từ bỏ ngang chừng và sẽ tạo nên những thành quả to lớn với sự phối hợp khăng khít. Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi nó đã đánh dấu và tạo ra một cơ chế hợp tác trung, dài hạn giữa ba bên trong vòng 5 năm tới”.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, năm 2018 - 2020, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Samsung Việt Nam triển khai Dự án hợp tác đào tạo tư vấn viên và tổ chức cải tiến sản xuất chất lượng cho doanh nghiệp chế biến chế tạo, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với sự tham gia của 140 doanh nghiệp trên cả nước (62 doanh nghiệp năm 2019 và 78 doanh nghiệp năm 2020).

Chương trình đã đạt được những kết quả tích cực như tăng năng suất, thay đổi và nâng cao nhận thức về cải tiến sản xuất và chất lượng, tạo tiền đề cho sự phát triển lâu dài và bền vững của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế, chương trình vẫn chưa được triển khai rộng rãi, mang tính lan tỏa trong cộng đồng 1.800 doanh nghiệp CNHT Việt Nam.

Ngày 6/8, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ đặt ra mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa.

Đồng thời chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp và có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Điều này một lần nữa khẳng định ý nghĩa và vai trò quan trọng của việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, sau tác động của dịch COVID-19, trên thế giới sẽ xuất hiện xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư sang các quốc gia khác ngoài Trung Quốc.

Như Huỳnh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.