TP HCM kích cầu đầu tư 22 dự án công nghiệp hỗ trợ với vốn vay gần 940 tỉ đồng
TP HCM đã ban hành Chương trình kích cầu đầu tư dành riêng cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đến nay, thành phố đã phê duyệt 22 dự án với tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 938 tỉ đồng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp tham gia Chương trình đã bước đầu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, một số doanh nghiệp đã trở thành nhà cung ứng cho Tập đoàn Samsung như Công ty Hiệp Phước Thành, Công ty Cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên.
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM tại buổi khai mạc Triển lãm Quốc tế Máy móc thiết bị công nghiệp và Sản phẩm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam năm 2019 (VSIF & VIMAF 2019) ngày 11/12 tại TP HCM.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM tại Triển lãm VSIF & VIMAF 2019. Ảnh: NH.
Theo ông Phong để hướng đến phát triển kinh tế thành phố nhanh và bền vững, trong những năm qua, TPHCM đặc biệt quan tâm đến việc phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Theo đó, đón đầu xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thành phố đã tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo để sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu.
"Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ vì đây là ngành công nghiệp quan trọng, là động lực cho sự phát triển của toàn ngành công nghiệp thành phố trong thời gian tới", Chủ tịch UBND TP HCM cho hay.
Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều cơ chế thông thoáng để kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) trên các lĩnh vực công nghiệp để hỗ trợ và kết nối, phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố nói chung và công nghiệp hỗ trợ của thành phố nói riêng.
Nhu cầu xúc tiến, mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại các triển lãm, giao thương là rất lớn. Ảnh: NH.
Một trong những hoạt động quan trọng của thành phố là tăng cường công tác xúc tiến, đẩy mạnh sự liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của thành phố với các doanh nghiệp sản xuất đầu cuối, doanh nghiệp FDI đầu tư vào thành phố thông qua nhiều hình thức như kết nối trực tiếp giữa các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ của thành phố với các doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại Việt Nam, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, các hoạt động triển lãm công nghiệp chuyên ngành…
Trong đó, VSIF & VIMAF 2019 là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động về phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2019 của Sở Công Thương TP HCM do Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ TP HCM phối hợp Hiệp hội Máy móc Công nghiệp Hàn Quốc (KOAMI), Coex Việt Nam và Hội doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP HCM tổ chức.
Triển lãm kéo dài từ 11 đến 14/12/2019 với các danh mục sản phẩm trưng bày như hệ thống, giải pháp tự động hoá sản xuất, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, máy móc xây dựng, công nghiệp dệt may, nông nghiệp và máy móc khác, thiết bị dùng trong nhà máy và thiết bị điện, máy và công cụ gia công kim loại, phụ kiện, vật liệu và thiết bị công nghiệp.
Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trưng bày tại triển lãm VSIF & VIMAF 2019. Ảnh: NH.
Trong đó, trên có 30% sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, 30% sản phẩm kim loại và giải pháp trong gia công kim loại, 25% giải pháp trong hệ thống tự động hóa và điều khiển chuyển động, vật liệu, phụ kiện trong công nghiệp, máy móc trong xây dựng; 15% lĩnh vực thiết bị trong nhà máy và thiết bị điện.
"Triển lãm qui mô 460 gian hàng của 300 doanh nghiệp đến từ 12 quốc gia, vùng lãnh thổ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Đức, châu Âu.... cho thấy nhu cầu xúc tiến, mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư rất lớn.
Đây sẽ là điều kiện và cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp nói chung và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng có điều kiện để mở rộng hợp tác và cùng phát triển", ông Nguyễn Thành Phong nhận định.