|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ngành công nghiệp TP HCM sẽ phát triển theo hướng công nghệ cao và kinh tế số

10:47 | 07/12/2019
Chia sẻ
Chính quyền TP HCM và từng doanh nghiệp phải chủ động chuyển đổi hướng sản xuất, phát triển của các ngành công nghiệp phù hợp và theo kịp cách mạng 4.0.

Công nghiệp TP HCM phát triển chưa tương xứng tiềm năng

Tại hội thảo "Các ngành công nghiệp thành phố - vai trò và tiềm năng phát triển" do UBND TP HCM tổ chức ngày 6/12, ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết ngành công nghiệp có vai trò, vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của thành phố, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. 

Đến nay giá trị gia tăng công nghiệp của thành phố chiếm khoảng 32,3% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đóng góp 16% qui mô sản xuất công nghiệp toàn quốc.

Riêng bốn ngành cơ khí, điện tử- công nghệ thông tin, cao su - nhựa, lương thực - thực phẩm hiện giữ vai trò đóng góp vô cùng quan trọng trong GDP của thành phố, chiếm 9,8% GDP thành phố, có tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân 9,22%/năm, cao hơn mức tăng trưởng kinh tế thành phố 8,3%/năm. 

Theo đó, tỉ trọng đóng góp giá trị sản xuất của bốn ngành công nghiệp trọng yếu tăng từ 54,11% năm 2013 lên 67,74% năm 2017 trong toàn ngành công nghiệp. Tỉ trọng đóng góp giá trị gia tăng tăng từ 54,52% năm 2013 lên 65,43% năm 2017.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giai đoạn 2016 - 2020 ước tăng bình quân 7,86%/năm, trong đó chỉ số sản xuất của 4 ngành ước tăng 8,56%/năm, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp. 

46f4d639bc1d45431c0c

Toàn cảnh hội thảo "Các ngành công nghiệp thành phố - vai trò và tiềm năng phát triển" do UBND TP HCM tổ chức ngày 6/12. Ảnh: Như Huỳnh

Mặc dù có sự phát triển đáng chú ý nhưng sản xuất công nghiệp nói chung và bốn ngành công nghiệp trọng yếu nói riêng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố.

Nguyên nhân chi phí đầu tư cho hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố ngày càng tăng do phần lớn doanh nghiệp còn phụ thuộc khá lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, cộng với công nghệ thấp khiến giá thành, hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm, hàng hóa thấp, sức cạnh tranh không cao.…, ông Đông thông tin.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng ngành công nghiệp thành phố vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như đất dành cho công nghiệp chưa đáp ứng về nhu cầu sử dụng cũng như về giá thuê.

Mặc khác thu hút đầu tư của thành phố đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất của các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa theo kịp xu hướng phát triển của thế giới, nhất là trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của thành phố cho công nghiệp dù được quan tâm nhưng chưa thật sự mạnh mẽ, chưa khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư. 

Tìm giải pháp khơi thông vướng mắc cho ngành công nghiệp

Trước thực tế khó khăn hiện nay, đại diện Sở Công Thương TP HCM đưa ra các giải pháp về đất dành cho phát triển công nghiệp; hỗ trợ vốn và đổi mới công nghệ; thu hút đầu tư; phát triển thị trường, xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp; phát triển nguồn nhân lực.

Cụ thể, đối với 4 nhóm ngành công nghiệp gồm cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao su; chế biến tinh lương thực - thực phẩm và ngành công nghệ sinh học, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng... của TP HCM sẽ chuyển dịch dần từ hoạt động gia công lắp ráp, thâm hụt lao động sang hoạt động sản xuất, tiến đến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục phát triển khu công nghiệp công nghệ cao, bố trí sản xuất vào khu, cụm công nghiệp đã được qui hoạch, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp cơ khí, điện tử - tin học, hạn chế thu hút các dự án đầu tư mới thâm dụng lao động phổ thông.

9c0808ce62ea9bb4c2fb

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Như Huỳnh.

Theo đó, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển đề xuất cần có chiến lược phát triển công nghiệp trong cách mạng 4.0. Chính quyền thành phố và từng doanh nghiệp phải chủ động chuyển đổi hướng sản xuất, phát triển của các ngành công nghiệp phù hợp và theo kịp cách mạng 4.0 để đẩy năng suất lao động lên. 

"Năm 2019, năng suất lao động của thành phố tăng 6,82% là khá cao nhưng vẫn còn tiềm năng để tăng hơn nữa.Thành phố cần tập trung vào hạ tầng cho các khu công nghiệp khu chế xuất, hỗ trợ khu công nghệ cao, hình thành khu công nghiệp mới ưu tiên lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao.

Có như vậy thì chúng ta mới thu hút được nhà đầu tư dùng công nghệ tiên tiến, phù hợp với cách mạng 4.0. Từ đó chúng ta khuyến khích các mô hình kinh doanh mới để thúc đẩy tăng năng suất lao động", ông Ngân chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Phong cho hay ưu tiên sắp tới của thành phố là xây dựng chính sách mời gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến chế tạo một cách quyết liệt hơn.

"Thành phố cần lập hội đồng phát triển doanh nghiệp ở từng lĩnh vực để đến năm 2025 thành phố sẽ có được các tập đoàn kinh tế mạnh, trong đó việc chọn lựa các doanh nghiệp đủ lớn, mạnh trong từng lĩnh vực để tiếp cận được ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại sẽ được chú trọng", ông Phong nhấn mạnh.

Tuy nhiên, "chúng ta phải lưu ý hiện nay có nhiều chính sách nhưng doanh nghiệp tiếp cận vẫn chưa dễ dàng. Với các doanh nghiệp tập trung thu hút các dự án có tính lan tỏa cao về công nghệ, thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa nhằm phát triển công nghiệp thành phố", Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định.

Như Huỳnh

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.