Bà Rịa - Vũng Tàu: Vì sao tỉ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp còn thấp?
Theo quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ có 16 cụm công nghiệp. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 5 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 23,1%.
Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, nguyên nhân chủ yếu các cụm công nghiệp trên địa bàn có tỷ lệ lấp đầy thấp là do các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp gặp khó khăn về tài chính, việc đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, hạ tầng giao thông dẫn vào một số cụm công nghiệp không thuận lợi, cơ sở hạ tầng trong cụm công nghiệp chưa hoàn thiện, không đáp ứng được nhu cầu hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp…
Đến nay, đã có 12 cụm công nghiệp được UBND tỉnh giao cho doanh nghiệp và các địa phương làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng (trong đó có 7 cụm do doanh nghiệp làm chủ đầu tư), số còn lại vẫn chưa có chủ đầu tư.
Do vậy, mới thu hút được 15 dự án thứ cấp, với diện tích thuê đất là 79,52ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 23,01%. Còn lại 5 cụm công nghiệp được giao cho các địa phương làm chủ đầu tư và đây là những cụm công nghiệp được quy hoạch nhằm di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trên địa bàn.
Hầu hết chủ đầu tư các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cho rằng, nguyên nhân chính khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp là do cơ sở hạ tầng trong các cụm công nghiệp chưa hoàn thiện, không đáp ứng được nhu cầu hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp như: hệ thống thoát nước chưa được đầu tư đầy đủ, giao thông kết nối với các cụm công nghiệp chưa thuận lợi.
Ngoài ra, một số cụm công nghiệp còn chậm trễ trong việc xây dựng hạ tầng.
Đơn cử như cụm công nghiệp Phước Thắng (thành phố Vũng Tàu) được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch vào tháng 11/2016 và giao cho UBND thành phố Vũng Tàu làm chủ đầu tư với mục đích phục vụ việc di dời 351 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trên địa bàn thành phố.
Để bảo đảm tính khả thi của dự án, UBND thành phố Vũng Tàu kiến nghị phân dự án thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2016 - 2020) sẽ đầu tư 15,9 ha hạ tầng kỹ thuật với vốn đầu tư 542,8 tỷ đồng, phục vụ di dời 89 cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm; giai đoạn 2 (2021 - 2025) đầu tư 23,5 ha hạ tầng kỹ thuật.
Năm 2019, cụm công nghiệp Phước Thắng được bố trí 122 tỷ đồng để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay dự án mới thực hiện công tác kiểm kê, lập phương án hỗ trợ bồi thường khu vực 11 ha đất vùng lõi. Trong vùng đất dự án còn nhiều công trình nhà ở kiên cố nên UBND thành phố Vũng Tàu đang tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Để gỡ khó cho các cụm công nghiệp, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP (Nghị định 68) của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp được ban hành kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ những "nút thắt" trong phát triển cụm công nghiệp.
Tuy nhiên, theo bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc xây dựng quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp theo Nghị định 68 khó thực hiện và còn chồng chéo với các quy định khác. Chẳng hạn đối với doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, Sở Công Thương tỉnh được giao làm đầu mối phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, theo quy định tại một số Luật như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, các thủ tục này lại do các Sở như Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng... giải quyết. Việc ưu đãi cho cụm công nghiệp theo Nghị định 68 cũng khó triển khai do chưa có văn bản hướng dẫn. Vì vậy, để thúc đẩy phát triển các cụm công nghiệp và tạo sức hấp dẫn nhà đầu tư thứ cấp, bà đề nghị các Bộ, ngành sớm tháo gỡ những vướng mắc nêu trên.
“Bên cạnh đó, muốn nâng cao khả năng cạnh tranh để tăng cường thu hút đầu tư, trước hết chủ đầu tư các cụm công nghiệp cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến đầu tư; trong đó, nội dung kêu gọi đầu tư phải rõ ràng, đầy đủ những thông tin cần thiết cho nhà đầu tư”, bà Dung cho biết thêm.