Bà Rịa - Vũng Tàu: Loạt doanh nghiệp ì ạch thoái vốn nhà nước
Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) vừa trình UBND tỉnh Dự thảo báo cáo tình hình thực hiện thoái vốn nhà nước tại 11 doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc UBND tỉnh năm 2020.
Báo cáo cho thấy, hàng loạt doanh nghiệp tại BR-VT có kế hoạch từ nhiều năm trước, tính đến hết năm 2020 vẫn chưa hoàn thành việc thoái vốn nhà nước.
Đầu tiên là CTCP Dịch vụ Môi trường và Công trình Đô thị Vũng Tàu (MTV), tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp này là 65%. UBND tỉnh đã duyệt chuyển nhượng 1.566.000 cổ phần (tương ứng 29% vốn điều lệ) của nhà nước. Mức giá khởi điểm 35.100 đồng/cổ phần, dự kiến sau khi thoái vốn thu về gần 55 tỷ đồng.
Về tiến độ, MTV đã tổ chức bán đấu giá công khai thông qua Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE). Tuy nhiên, do không có nhà đầu tư tham gia đăng ký đấu giá, vì vậy cuộc đấu giá không thành công.
Để tiếp tục thoái vốn, MTV đã chuyển sang thực hiện theo phương thức chào bán cạnh tranh, tuy nhiên việc chào bán cạnh tranh cũng không thành công do không có nhà đầu tư tham gia đăng ký cạnh tranh.
Tiếp đến là CTCP Dịch vụ Đô thị Bà Rịa (BRS), doanh nghiệp có tỷ lệ vốn nhà nước gần 77%, theo kế hoạch dự kiến thoái 40,9% vốn.
Cập nhật tình hình, BRS đã thực hiện sắp xếp nhà, đất, tuy nhiên chưa có hợp đồng thuê đất, do đó không đủ cơ sở pháp lý để xác định giá trị doanh nghiệp làm cơ sở thoái vốn.
Người đại diện vốn nhà nước tại BRS cho biết, doanh nghiệp khả năng chưa thể hoàn thành theo tiến độ đã được phê duyệt trong năm 2020, đề nghị gia hạn hoàn thành thoái vốn trong năm 2021.
Thứ ba là CTCP Xây dựng & Phát triển Đô thị tỉnh BR-VT (UDEC, Mã: UDC). Theo kế hoạch, dự kiến thoái toàn bộ 67,69% vốn nhà nước tại UDEC, tương ứng với hơn 23,69 triệu cổ phần (hơn 479 tỷ đồng).
Ngày 14/10/2020, người đại diện phần vốn nhà nước của UDEC đã có công văn đề nghị chuyển nhượng cổ phần của UDEC sở hữu tại CTCP Thành Chí và chuyển nhượng khách sạn Golf Phú Mỹ.
Mục đích của việc chuyển nhượng nhằm thực hiện các khoản nộp ngân sách nhà nước và trả nợ ngân hàng, giúp cho doanh nghiệp ổn định được hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện thoái vốn nhà nước theo kế hoạch. Sở Tài chính BR-VT đã có công văn tham mưu UBND tỉnh về vấn đề nói trên.
Tại CTCP Cao su Thống Nhất (Mã: TNC), UBND tỉnh đã duyệt chuyển nhượng 15% vốn trên tổng 51% tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tương ứng với 2.887.500 cổ phần (123,6 tỷ đồng). Tính đến hết năm 2020, TNC vẫn đang tổ chức thực hiện bán phần vốn nhà nước theo quy định.
Đối với CTCP Du lịch Tỉnh BR-VT (VTG), theo kế hoạch sẽ thoái toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tương ứng 58,9% vốn điều lệ của VTG.
Về tiến độ, VTG đang rà soát xử lý các tồn tại về tài chính, tài sản, đất đai, công nợ, các khoản góp vốn đầu tư… phục vụ cho công tác thoái vốn, đồng thời thực hiện các kết luận của Thanh tra tỉnh, Kiểm toán nhà nước giai đoạn 2015 - 2018.
Trước các vướng mắc về tài chính, công nợ, nhất là tồn tại về đất đai,... VTG chưa thể hoàn thành thoái vốn trong năm 2020.
Tại CTCP Công trình Giao thông Tỉnh BR-VT (CCT), tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện tại là 54,24% vốn điều lệ, theo kế hoạch dự kiến thoái vốn 18,24%.
Tỉnh BR-VT cho biết, CCT đang rà soát xử lý các tồn tại về tài chính, tài sản, đất đai, các khoản góp vốn đầu tư… phục vụ cho công tác thoái vốn.
Tuy nhiên, CCT chưa xây dựng phương án sử dụng đất gửi Sở Tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc định giá các khu đất tại huyện Châu Đức do hết hạn sử dụng.
Tiếp theo là CTCP Dịch vụ và Phát triển Đô thị Long Điền. Toàn bộ 30% tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp này sẽ được chuyển nhượng, tương ứng với 456.000 cổ phần (9,5 tỷ đồng).
Cập nhật tiến độ thoái vốn, Long Điền đã tổ chức bán đấu giá công khai thông qua CTCP Chứng khoán BETA, tuy nhiên không có nhà đầu tư tham gia đăng ký đấu giá. Long Điền đang triển khai tiếp tục bán, chuyển nhượng phần vốn nhà nước theo quy định.
Về phía CTCP Đô thị Tân Thành, tỷ lệ thoái vốn tại doanh nghiệp dự kiến là 13,36% trên 49,36% phần vốn nhà nước, tương ứng 267.167 cổ phần (10 tỷ đồng). Đến hết năm 2020, Tân Thành vẫn đang tổ chức thực hiện bán phần vốn nhà nước theo quy định.
Ngoài những cái tên kể trên, còn có ba doanh nghiệp khác thực hiện thoái vốn theo chỉ đạo riêng của Thủ tướng Chính phủ.
Đầu tiên là CTCP Dịch vụ Du lịch Quốc tế tỉnh BR-VT, dự kiến thoái toàn bộ 27% phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Về tiến độ, công ty đang rà soát xử lý các tồn tại về tài chính, tài sản, đất đai, công nợ, các khoản góp vốn đầu tư… phục vụ cho công tác thoái vốn. Hiện nay, UBND tỉnh BR-VT đang thực hiện xử lý phần vốn đầu tư vào Công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise.
Tiếp đến là CTCP Xuất nhập khẩu Côn Sơn, từ năm 2015, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không gửi báo cáo tài chính, báo cáo giám sát… về Sở Tài chính theo quy định.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh tổ chức thanh tra trách nhiệm của người đại diện quản lý phần vốn nhà nước tại Côn Sơn, trình UBND tỉnh những vấn đề vượt thẩm quyền.
Doanh nghiệp cuối cùng trong danh mục là CTCP Dịch vụ Đô thị và công cộng Xuyên Mộc, hiện đang thực hiện các trình tự, thủ tục để giải thể.
Tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch thoái vốn cụ thể của các doanh nghiệp tại BR-VT như sau:
Thoái vốn trong năm 2017 gồm có CTCP Dịch vụ môi trường và Công trình đô thị Vũng Tàu; CTCP Dịch vụ du lịch quốc tế tỉnh BR-VT.
Thoái vốn trong năm 2018 gồm CTCP Dịch vụ đô thị Bà Rịa; CTCP Xây dựng và Phát triển đô thị Châu Đức; Công ty Thủy sản, xuất nhập khẩu Côn Đảo; CTCP Dịch vụ đô thị và công cộng Xuyên Mộc; CTCP Đóng tàu và Dịch vụ dầu khí Vũng Tàu.
Chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (SCIC) và thực hiện thoái vốn trong năm 2018 gồm có CTCP Xuất nhập khẩu Côn Sơn; CTCP Phát triển Văn hóa Du lịch Vũng Tàu; CTCP Thương mại và Dịch vụ tỉnh BR-VT.
Thoái vốn trong năm 2019 gồm CTCP Phát triển công viên cây xanh và đô thị Vũng Tàu; CTCP Công trình giao thông; Công ty Cao su Thống nhất; CTCP Du lịch tỉnh BR-VT; CTCP Xây dựng và Phát triển đô thị BR-VT.
Chuyển về SCIC và thực hiện thoái vốn trong năm 2019 gồm có CTCP Cấp nước BR-VT; CTCP Dịch vụ đô thị Tân Thành; CTCP Dịch vụ và Đầu tư phát triển đô thị huyện Long Điền.