Ba nhà máy LG tại Việt Nam mang về hơn 8 tỷ USD doanh thu và gần 10.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2020
Hiện tại LG đang sở hữu 3 nhà máy sản xuất tại Việt Nam và tất cả đều toạ lạc tại TP Hải Phòng, gồm LG Electronics Vietnam Hai Phong (LGEVH) chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử; LG Innotek Vietnam Hai Phong (LGITVH) chuyên sản xuất và bán các linh kiện điện tử và LG Display Vietnam Hai Phong (LGDVH) chuyên sản xuất màn hình LCD và OLED.
Theo báo cáo tài chính, mỗi năm các nhà máy tại Việt Nam đều mang về cho LG hàng tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận.
Trong đó quy mô lớn nhất là nhà máy LG Electronics, chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử của LG như TV, điều hòa, máy hút bụi, máy giặt, tủ lạnh, một phần linh kiện điện thoại,... Năm 2020, nhà máy này ghi nhận 5.556 tỷ won doanh thu, xấp xỉ hơn 118.000 tỷ đồng và tăng 35% so với năm 2019. Trong khi lợi nhuận ròng đạt 197 tỷ won, tương đương khoảng 4.200 tỷ đồng.
LG Innotek, ghi nhận doanh thu 1.743 tỷ won, xấp xỉ 37.100 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 17% so với năm trước. Lợi nhuận ròng ở mức 98 tỷ won, tức khoảng 2.100 tỷ đồng.
Nhà máy chuyên sản xuất màn hình LG Display ghi nhận doanh thu năm 2020 đạt 1.830 tỷ won, khoảng 38.957 tỷ đồng, và lãi sau thuế 165 tỷ won, xấp xỉ 3.512 tỷ đồng. Như vậy, tính tổng 3 nhà máy của LG tại Việt Nam đã đem về cho công ty mẹ hơn 194.000 tỷ đồng trong năm 2020.
Về tài sản, tính đến thời điểm 31/12/2020, LG Electronics Hải Phòng có quy mô tài sản là 1.576 tỷ won, xấp xỉ 33.550 tỷ đồng; LG Innotek 792 tỷ won, khoảng 16.860 tỷ đồng và LG Display Hải Phòng 3.319 tỷ won, tức 70.654 tỷ đồng.
Riêng LG Display, đầu năm nay, lãnh đạo tập đoàn cho biết sẽ có kế hoạch đầu tư thêm 750 triệu USD vào nhà máy Hải Phòng. Công ty này đã nhận được chứng nhận đăng ký đầu tư của thành phố, nâng tổng vốn đầu tư dự án lên 3,25 tỷ USD.
Dự án sẽ đi vào sản xuất chính thức từ tháng 5/2021, tuyển thêm 5.000 lao động.
Mặc dù mảng sản xuất tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận liên tục, song mới đây, công ty đã tuyên bố chính thức rút chân khỏi mảng smartphone sau nhiều năm thua lỗ và hụt hơi trước các đối thủ đến từ Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, Oppo,....
Tuyên bố này đã đặt ra câu hỏi về số phận các nhà máy của LG tại Việt Nam. Trước đó, công ty đã nhiều lần tìm cách để tận dụng các nhà máy này trong sản xuất hàng điện tử tiêu dùng nhưng không tìm được bước đột phá.
Ngoài nhà máy sản xuất tại Hải Phòng (Việt Nam), hai nhà máy khác của LG tại Taubate (Brazil) và Thanh Đảo (Trung Quốc) cũng đứng trước nguy cơ bị đóng cửa hoặc về tay chủ mới.
Liên quan đến vấn đề này, cuối tháng 2/2021, truyền thông Hàn Quốc đưa tin Tập đoàn Vingroup của Việt Nam ngỏ ý mua lại tất cả nhà máy kể trên của LG. Tuy nhiên, cuộc đàm phán đã bất thành bởi mức giá đề nghị của Vingroup thấp hơn mong muốn của LG.
Theo thông tin từ Business Korea, cái giá mà LG đưa ra cho nhà máy smartphone tại Hải Phòng là 100 tỷ won, tương đương hơn 2.000 tỷ đồng. "Các trong ty trong nước không có đủ khả năng để mua lại dây chuyền sản xuất này", tờ báo nhận định.
Cuộc rút lui khỏi mảng smartphone của LG khiến nhiều người dùng thất vọng bởi cho đến đầu và giữa những năm 2000, LG vẫn là nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 3 thế giới, cạnh tranh với các hãng điện thoại hàng đầu như Nokia và Samsung.
Sau 6 năm chìm trong thua lỗ với khoản lỗ lũy kế đến hơn 4,4 tỷ USD riêng mảng smartphone, LG buộc phải rời khỏi mảng kinh doanh này. Trong quý III/2020, thị phần của LG ở mảng di động thông minh đã giảm xuống chỉ còn 1,91%, theo dữ liệu từ Counterpoint Research.