Bà Nguyễn Thị Nga: BRG muốn được 'dự phần' trong đầu tư đô thị sáng tạo tại TP HCM
Chủ tịch BRG: "TP HCM không có quá nhiều diễn văn của lãnh đạo"
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào TP HCM năm 2019 diễn ra hôm nay (ngày 8/5), đại diện phía nhà đầu tư, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT BRG cho biết, sau khoảng 14 năm tham gia đầu tư vào thị trường TP HCM, bà nhận thấy TP HCM là thị trường đầu tư rất lý tưởng khi "không có quá nhiều diễn văn của lãnh đạo, doanh nghiệp chủ yếu nhận được từ lãnh đạo thành phố các hướng dẫn đầu tư".
BRG mong muốn được tham gia đầu tư một phần trong quy hoạch đô thị sáng tạo tại TP HCM. (Ảnh: Hiếu Quân)
Theo thông tin từ Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, TP HCM đang có chủ trương phát triển một khu đô thị sáng tạo. Và BRG (cùng đối tác Nhật Bản Sumitomo) cũng đang là chủ đầu tư của một dự án đô thị thông minh tại Hà Nội (Dự án Khu đô thị thông minh trục Nhật Tân – Nội Bài với tổng vốn đầu tư 4,2 tỉ USD).
Với kinh nghiệm về đầu tư các dự án thương mại, dịch vụ, bà Nga bày tỏ: "Chúng tôi hi vọng được góp phần vào quy hoạch thành phố thông minh này tại TP HCM. BRG mong muốn có thể được đầu tư một phần trong khu đô thị sáng tạo này, làm các công trình dịch vụ chứ không phải là làm Khu đô thị. Và trong thời gian tới, tôi hi vọng sẽ được tham dự cắt băng khánh thành thêm các công trình khách sạn, dịch vụ mới tại TP HCM", bà Nga nói.
Cũng tại Hội nghị, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) thông tin, trong danh mục 210 dự án mời gọi đầu tư này, Hiệp hội và các doanh nghiệp bất động sản rất quan tâm và mong muốn được tham gia đầu tư vào nhiều dự án trong số 85 dự án hạ tầng giao thông, 36 dự án cơ sở hạ tầng đô thị, 29 dự án chỉnh trang đô thị, 9 dự án thương mại dịch vụ.
HoREA đề nghị UBND TP chỉ đạo bổ sung thêm một số dự án mời gọi đầu tư như Dự án đô thị sáng tạo phía đông TP HCM, Dự án Bình Quới - Thanh Đa, Dự án Nam Kênh Đôi, Dự án Rạch Xuyên Tâm, các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ...
Hiệp hội cũng đề nghị thành phố chỉ đạo các Sở, ngành sớm hoàn thành quy hoạch chi tiết phân khu tỷ lệ 1/2000 đối với quỹ đất thuộc hành lang sông, rạch. Trong đó, có đề xuất bổ sung quy hoạch đường ven sông Sài Gòn, để xây dựng các dự án mời gọi đầu tư trong thời gian tới.
"Hiệp hội nhất trí với UBND huyện Cần Giờ về đề xuất xây cầu vượt biển nối liền Cần Giờ - Vũng Tàu (chiều rộng cửa biển 12 km), bổ sung vào quy hoạch Vùng TP HCM, vừa phục vụ giao thông liên vùng, vừa phục vụ du lịch, cảnh quan, để mời gọi đầu tư", ông Châu nhấn mạnh.
8 lợi thế khi doanh nghiệp đầu tư vào TP HCM
Phát biểu tổng kết Phiên thức nhất tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ ra 8 điểm lợi thế dành cho các doanh nghiệp nếu đầu tư vào TP HCM.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP HCM đang xây dựng cơ chế mới để phấn đấu đến năm 2020 có thể "chào hàng" với nhà đầu tư nhiều quỹ đất sạch mới. (Ảnh: Hiếu Quân)
Thứ nhất, khi doanh nghiệp đến TP HCM sẽ có một lượng lớn khách hàng tiêu thụ sản phẩm do họ sản xuất ra. TP HCM đang có 9,5 triệu dân, thu nhập bình quân/người của thành phố là 6.000 USD/năm, lớn gấp 2,5 lần thu nhập bình quân của cả nước. Tức là, sức mua của người dân TP HCM lớn tương đương với sức mua của 23 triệu người dân Việt Nam.
Chưa kể, trong bán kính 100 km2, các doanh nghiệp sẽ còn gặp được các vùng tiếp giáp TP HCM, đó là 8 tỉnh thành với 24 triệu dân, thu nhập bình quân/người cao gấp 2,1 lần thu nhập bình quân/người của cả nước.
"Trong số 24 triệu dân này, có khoảng 4 triệu người có thu nhập bình quân/người cao ở khoảng hơn 1.000 USD/năm. Như vậy, BRG có đến đây làm sân golf, hay Capital tới làm nhà ở thì sẽ có rất nhiều khách hàng tiềm năng…", ông Nhân lấy ví dụ.
Thứ hai, TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung có lượng lao động rất dồi dào. Cụ thể, Việt Nam có 54 triệu lao động/97 triệu dân (tương đương 55% dân số ở độ tuổi lao động). 14 năm liên tục, Việt Nam duy trì được tỷ suất sinh 2 con/người (các nước thường chỉ duy trì được tỷ suất sinh này trong khoảng 3 năm) và dự kiến nước ta sẽ tiếp tục duy trì tỷ suất sinh này ít nhất là thêm 16 năm nữa.
"Đến năm 2030, dân số Việt Nam sẽ khoảng 105 triệu dân, đây là điều kiện để có 58 triệu lao động. Việt Nam còn có 60% sinh viên tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng, tương đương mỗi năm có khoảng 150.000 người tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng. Tôi nghĩ Singapore cũng không có tỷ lệ tốt nghiệp Đại học nhiều như vậy", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhận định.
Thứ ba, Bí thư Nhân cho biết, TP HCM đang đang xây dựng cơ chế mới để tạo lập quỹ đất cho các nhà đầu tư, phấn đấu để đến năm 2020 trở đi, thành phố có thể "chào hàng" được nhiều khu đất sạch.
Thứ tư, một trong những vấn đề quan trọng của thành phố hiện nay là việc phát triển nhà ở cho người dân. Bởi cứ 5 năm, thành phố có thêm 1 triệu dân, trong khi 60% nhà ở hiện nay là nhà bán kiên cố. Nhu cầu chuyển đổi từ nhà ở bán kiên cố thành nhà ở kiên cố rất lớn, việc chuyển đổi hoàn thành sẽ có quỹ đất cho các dự án khác. Thành phố không thể làm việc này một mình, các doanh nghiệp đều cần phải cùng tham gia.
Thứ năm, thành phố cũng đang xây dựng nền kinh tế tri thức, đô thị thông minh trên cơ sở hạ tầng viễn thông, xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông…
Về Khu đô thị sáng tạo phía Đông, thành phố đã chọn được 7 nhà tư vấn ở vòng 1, trong đó có 1 nhà tư vấn trong nước và 6 nhà tư vấn nước ngoài, thành phố sẽ tiếp tục chọn 1 - 2 người tốt nhất. Khu này rộng 22.000 ha, đang có 1 triệu dân, ở đây có 12 trường Đại học, có Khu Công nghệ cao đã lấp đầy, tương lai sẽ có trung tâm hành chính mới… Đây sẽ là hạt nhân phát triển thành phố trong tương lai với sức lan tỏa bán kính 100 km2 quanh thành phố.
Ngoài ra, thành phố còn đang tập trung vào phát triển giao thông. Trong 210 dự án tại TP HCM đang kêu gọi đầu tư, phần lớn dự án tập trung vào lĩnh vực hạ tầng giao thông (85 dự án). Hiện nay, một trong những dự án trọng điểm được thành phố chú trọng là 4 tuyến cao tốc hướng tâm.
"Hiện tại, trên 1 km2, mật độ các doanh nghiệp tại TP HCM cao gấp 6 lần cả nước; GDP gấp 14 lần cả nước. Vì vậy, lượng người đi lại, tham gia giao thông rất lớn, việc ùn tắc xảy ra thường xuyên. Mong mọi người cố gắng chịu đựng vài năm nữa, chúng tôi đã thấy và sẽ làm quyết liệt hơn vấn đề này", ông Nhân thừa nhận.
Thành phố cũng đang phấn đấu đến năm 2021 sẽ biến rác thành điện. Đến năm 2025, tỷ lệ biến rác thành điện sẽ chiếm đa số với khoảng 10.000 tấn/ngày. "Mời các giáo sư, chuyên gia quốc tế đến đây biến rác thành điện cùng chúng tôi".
Thứ sáu, lãnh đạo thành phố cam kết đã và sẽ duy trì việc đối thoại với người dân. Đã có quy định Chủ tịch phường mỗi quý phải gặp dân 1 lần, Chủ tịch quận mỗi năm phải gặp dân ít nhất 5 lần, có quận đã có cơ chế người dân nhắn tin thì 2 tiếng sau phải trả lời. Năm nay, tất cả quận sẽ hình thành cơ chế tiếp nhận góp ý của người dân qua nhắn tin.
Thứ bảy, TP HCM sẽ là đầu cầu nối để phục vụ 500 triệu dân của khu vực Asean. Nếu doanh nghiệp đầu tư vào TP HCM sẽ có bàn đạp để phục vụ lượng khách hàng khổng lồ của khu vực.
Thứ tám, TP HCM là thành phố nói nhiều ngôn ngữ (Anh, Pháp, Trung Quốc, Đức…), ẩm thực phong phú. Về tôn giáo, thành phố cũng có cả nhà thời Thiên chúa, chùa, nhà thờ Hindu lẫn nhà thờ Hồi giáo… "Các bạn sẽ tìm thấy một chút quê hương của mình ở đây", đại diện lãnh đạo thành phố chia sẻ.