|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ba lí do giúp kinh tế Mỹ phục hồi tốt hơn dự báo

07:31 | 03/10/2020
Chia sẻ
Triển vọng kinh tế của các nước phát triển đều được cải thiện, nhưng không nước nào phục hồi mạnh như Mỹ.

Tháng 5/2020, nhà kinh tế Lars Christensen dự báo khi người Mỹ đi bỏ phiếu bầu tổng thống vào tháng 11/2020, tỉ lệ thất nghiệp sẽ ở mức dưới 6%. Ông Lars Christensen nhấn mạnh các thảm họa thiên nhiên, không giống như các cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái do sai lầm về chính sách kinh tế gây ra, thường kéo theo một sự phục hồi nhanh chóng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa đã khiến tỉ lệ thất nghiệp trong tháng Tư tăng vọt lên 14,7%, đây vẫn là một dự đoán táo bạo.

Ba lí do giúp kinh tế Mỹ phục hồi tốt hơn dự báo - Ảnh 1.

Nhân viên giao hàng làm việc tại New York, Mỹ ngày 13/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/ TTXVN).

Trong tháng Sáu, ít nhất 14 trong số 17 thành viên Ủy ban Thị trường Mở - cơ quan hoạch định chính sách lãi suất thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - dự báo rằng tỉ lệ thất nghiệp đến cuối năm nay sẽ vẫn trên 9%. Hầu hết các dự báo khác cũng ảm đạm không kém. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ ước tính sẽ giảm mạnh trong năm 2020 và tốc độ phục hồi sẽ tương đối chậm.

Mặc dù vậy, dường như ông Lars Christensen đã đúng. Trong mùa Hè, tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm nhanh xuống còn 8,4% vào tháng Tám. Các nhà kinh tế đã cập nhật các dự báo của mình. Ngày 16/9, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo kinh tế Mỹ sẽ chỉ giảm 3,8% trong năm nay, so với mức dự báo giảm 7,3% được đưa ra vào tháng Sáu.

Triển vọng kinh tế của các nước phát triển đều được cải thiện, nhưng không nước nào phục hồi mạnh như Mỹ. Nước Mỹ vẫn phải đối mặt với suy thoái kinh tế, nhưng tình hình vẫn tốt hơn nhiều so với đa số các nước châu Âu. Theo tạp chí Economist của Anh, có ba lý do giúp nền kinh tế Mỹ cải thiện nhanh hơn so với dự báo ban đầu.

Thứ nhất, sự lây lan dịch COVID-19 tại "các bang vành đai Mặt Trời" ở phía Nam đã chậm lại.

Thứ hai, các biện pháp kích thích kinh tế của Mỹ, lớn nhất thế giới cả về giá trị tuyệt đối và theo tỉ trọng GDP, đã có hiệu lực. Nhờ các chương trình kích cầu một lần và thanh toán bảo hiểm thất nghiệp, thu nhập khả dụng của các hộ gia đình Mỹ đã tăng lên khi đại dịch bắt đầu bùng phát.

Người Mỹ không tiêu hết khoản tiền này ngay một lúc, có nghĩa là các khoản hỗ trợ này đến nay vẫn tiếp tục thúc đẩy tiêu dùng dù đa số các chương trình hỗ trợ khẩn cấp đã hết hạn. Đầu tháng Chín, những người nhận trợ cấp thất nghiệp vẫn chi tiêu nhiều hơn mức họ chi tiêu trước khi đại dịch xảy ra.

Lý do cuối cùng đằng sau việc phải điều chỉnh những dự báo có lẽ là việc thị trường lao động Mỹ rất linh hoạt. Tỉ lệ thất nghiệp giảm trong những tháng gần đây dường như cho thấy có nhiều công việc mới được tạo ra chứ không phải là do người lao động quá chán nản và rời bỏ lực lượng lao động.

Ở châu Âu, các chính phủ có xu hướng chịu phần lớn chi phí chi trả cho những lao động phải tạm thời nghỉ làm do dịch bệnh. Các kế hoạch như vậy rất hữu ích trong thời gian ngắn, nhưng nếu kéo dài, chúng có thể giữ người lao động ở những vị trí mà không bao giờ có việc làm trở lại.

Ngược lại, Mỹ chủ yếu bảo vệ thu nhập của người dân bằng trợ cấp thất nghiệp. Do đó, việc phân bổ lại lao động từ các ngành đang chết dần sang các ngành đang phát triển diễn ra nhanh chóng. Ví dụ, số lượng nhân viên du lịch đã giảm 10% kể từ tháng Tư, trong khi số việc làm tại các cửa hàng kinh doanh tổng hợp tăng 6% so với trước đại dịch.

Nhiều nhà quan sát tiếp tục giả định một cách lạc quan rằng Quốc hội Mỹ sẽ thông qua một gói kích cầu khác trong năm nay và người Mỹ không bao giờ tiêu hết các khoản tiết kiệm của mình. Nhưng các dự báo vẫn có thể sai.

Dịch COVID-19 vẫn có thể bùng phát trở lại ở Mỹ, giống như ở châu Âu. Cần lưu ý rằng một số chỉ số thị trường lao động vẫn còn kém. Trong tháng 8/2020, ngay cả khi tỉ lệ thất nghiệp nói chung giảm, khoảng 3,4 triệu việc làm đã bị loại bỏ vĩnh viễn, con số nhiều hơn so với tháng 10/2008 khi tập đoàn Lehman Brothers sụp đổ.

Đình Thư