|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food: 'Đại dịch là phép thử với doanh nghiệp'

07:12 | 17/04/2020
Chia sẻ
Gặp Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food vào buổi trưa, giữa mùa dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nên câu chuyện của chúng tôi cũng lan man với đề tài này, đặc biệt là việc thích ứng của doanh nghiệp trước đại dịch.
Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food: 'Đại dịch là phép thử với doanh nghiệp' - Ảnh 1.

Phó Tổng giám đốc Lê Thị Thanh Lâm chia sẻ dịch Covid-19 ập đến quá nhanh, lan khắp thế giới và chưa có dấu hiệu chững lại, cho nên những từ như "khó khăn", "ảnh hưởng" dường như không đủ mạnh để nói lên hậu quả của nó. Cả thế giới đang gồng mình chống chọi với đại dịch, cả nhân loại đang đối mặt với thách thức chưa từng có. Trong bối cảnh chung đó, với quan điểm "trong nguy luôn có cơ”, nên mặc dù bị xáo trộn hoạt động, Sài Gòn Food vẫn có những chính sách linh hoạt để thích ứng và rất may mắn là đơn hàng vẫn tăng cao.

- Cụ thể, Sài Gòn Food đã ứng phó linh hoạt như thế nào, thưa bà?

- Ngay sau khi đại dịch ập đến, Sài Gòn Food đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, như "đội phản ứng nhanh" nhằm ứng phó kịp thời với diễn biến của dịch bệnh. Nhiệm vụ của ban chỉ đạo là kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh cho người lao động, chăm sóc sức khỏe cho họ để bảo đảm sản xuất, kinh doanh diễn ra thông suốt, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Chúng tôi làm mọi cách để giữ vững niềm tin cho đối tác, người tiêu dùng an tâm về khả năng cung cấp, ổn định chất lượng sản phẩm; song song đó, nắm bắt tình hình thị trường để ứng phó, điều phối sản xuất, kinh doanh phù hợp. 

Chúng tôi không chỉ ứng phó cho qua mùa dịch, mà còn chú trọng xây dựng kế hoạch hậu dịch bằng cách tăng cường nội lực và thích ứng nhanh trong mọi hoàn cảnh.

- Bà có thể cho biết vì sao cần tăng cường nội lực trong lúc này?

- Covid-19 thường gây tử vong cho những người có bệnh nền, những người già yếu có sức đề kháng thấp. Doanh nghiệp, nếu ví như cơ thể con người thì cũng sẽ như vậy. Nếu doanh nghiệp khỏe mạnh, không có nhiều lỗ hổng trong quản lí, điều hành, có nền tảng văn hóa và thích ứng nhanh thì chắc chắn sẽ vượt qua khó khăn với ít tổn thất thấp nhất. 

Từ đó, Sài Gòn Food luôn ý thức rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, nội lực vẫn là sức mạnh tự thân mà doanh nghiệp chủ động được. Có nội lực mới có khả năng thích ứng, mà thích ứng là kĩ năng để tồn tại. Dù không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch nhưng chúng tôi không hề chủ quan. Nếu trong tình hình này, doanh nghiệp lơ là, không kiểm soát tốt nội lực thì chỉ cần một sơ sót cũng có thể gây ra tác động lâu dài.

Dịch bệnh ngày càng phức tạp hơn nên chúng tôi càng siết chặt việc kiểm tra trong từng công đoạn sản xuất, và tăng cường chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Chúng tôi có mẫu khai báo y tế riêng của Sài Gòn Food, qua đó phân loại sức khỏe, kiểm soát lịch di chuyển của từng nhân viên trong 14 ngày gần nhất, và liên tục cập nhật nếu công nhân viên nghỉ phép, công tác để có hướng dẫn và chăm sóc y tế riêng.

Covid-19 có thể còn kéo dài trong vài tháng tới, hậu quả của dịch bệnh không chỉ bộc lộ trước mắt mà sẽ kéo dài. 

Dự báo, trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới, sau đại dịch có thể bị suy thoái và tất nhiên, với hội nhập sâu, kinh tế của Việt Nam không thể không bị ảnh hưởng. Vậy nên, theo kế hoạch năm 2020, Sài Gòn Food sẽ triển khai hai dự án mới, thì với tình hình này phải quyết định dừng, tập trung vào thế mạnh sẵn có, và tăng cường nguồn lực để củng cố và đẩy mạnh kinh doanh. 

Chúng tôi "lùi một bước" để xây dựng nền tảng vững chắc hơn.

Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food: 'Đại dịch là phép thử với doanh nghiệp' - Ảnh 2.

 
- Quan điểm "trong khó có cơ hội" đã được Sài Gòn Food vận dụng thế nào?


- Trong quản trị, khó khăn cũng chính là cơ hội để lãnh đạo doanh nghiệp rà soát lại bộ máy, rà soát cắt giảm chi phí, cắt lỗ những mảng kinh doanh chưa hiệu quả, đặc biệt là nhìn lại phương thức sản xuất, kinh doanh và có thể tái cấu trúc để hoạt động hiệu quả hơn. 

Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường đào tạo nội bộ bằng nhiều phương thức phù hợp với "mùa hạn chế tiếp xúc" như coaching (kèm cặp riêng), cố vấn riêng và đào tạo trực tuyến. Đào tạo là một hoạt động khá mạnh của Sài Gòn Food trong những năm gần đây, nhưng vừa qua, khi sản xuất tăng nhanh, chúng tôi khá lúng túng trong những ngày đầu, do nguồn nhân sự kế cận chưa sẵn sàng. 

Do vậy, việc tiếp tục tăng cường đào tạo nội bộ ngay giữa bão dịch vẫn được quan tâm phát triển để tăng sức mạnh và độ linh hoạt ứng phó cho lực lượng kế thừa.

Đặc biệt, khi Covid-19 xảy ra, tâm lí và nhu cầu của người tiêu dùng có một  số thay đổi, đây là cơ hội để nắm bắt nhu cầu mới của khách hàng để tập trung nghiên cứu sản phẩm mới. Theo tôi, đại dịch này cũng chính là "phép thử" đối với doanh nghiệp. Ai đủ sức vượt qua sẽ mạnh mẽ, vững vàng hơn trên thương trường.

- Nhiều lần trả lời phỏng vấn của báo chí, chưa khi nào nghe bà chia sẻ về thất bại...

- Hình như chưa có ai chưa từng trải qua thất bại. Trong kinh doanh thì lại càng không thể không có thất bại. Có rất nhiều câu nói hay về thất bại, nhưng tôi rất thích câu nói của Henry Ford: "Thất bại đơn giản chỉ là cơ hội để bắt đầu mọi thứ một cách thông minh hơn". 

Tôi thấy quá đúng với bản thân, vì sau mỗi lần thất bại, thấy mình lớn lên, bản lĩnh hơn và nghiêm túc rút ra những bài học, để có những quyết định chín chắn hơn. Tôi thích câu này còn bởi ý nghĩa sâu xa của nó: Thất bại không phải là chấm hết mà là cơ hội để bắt đầu.

Tôi còn nhớ năm 2015 là một bước chuyển lớn của Sài Gòn Food, khi thay đổi Chủ tịch hội đồng quản trị và Tổng giám đốc, cùng với đó chiến lược kinh doanh cũng thay đổi.

 Tôi nhận nhiệm vụ mới, làm Tổng giám đốc Công ty Thương mại Sài Gòn Food (công ty con của Sài Gòn Food), với chiến lược gầy dựng kênh phân phối GT (kênh chợ, cửa hàng tạp hóa) bên cạnh kênh MT (kênh phân phối siêu thị, cửa hàng tiện lợi) đã phát triển. Mặc dù chưa có kinh nghiệm về việc phát triển kênh GT, nhưng khi có được ê kíp bán hàng khá chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm, tôi yên tâm thực hiện. Vấn đề còn lại là đưa sản phẩm gì ra thị trường. 

Lâu nay Sài Gòn Food luôn tự hào có đội ngũ R&D (nghiên cứu và phát triển) mạnh, và chúng tôi đã nghiên cứu cấp tốc một dòng sản phẩm mới hoàn toàn và sản xuất ngay. Tuy nhiên, thành công không mỉm cười với sự chuẩn bị chưa chu đáo. Ông bà mình nói rất đúng "dục tốc bất đạt", sau hơn một năm, chúng tôi phải dừng lại vì sản phẩm ấy không phù hợp với thị trường.

- Trong tác phẩm "Người thả diều" viết cách đây không lâu, bà muốn truyền cảm hứng cho giới trẻ khởi nghiệp. Vậy bà đã làm gì để truyền cảm hứng cho nhân viên?

- Trong công việc cũng như trong cuộc sống, cảm hứng chính là yếu tố quan trọng giúp chinh phục mục tiêu, giúp ước mơ trở thành sự thật. 

Trong doanh nghiệp, việc truyền cảm hứng để nhân viên cùng đồng lòng đạt mục tiêu là nhiệm vụ tối quan trọng của người lãnh đạo. Và không ai có thể truyền cho người khác thứ mà mình không có hoặc phải vay mượn từ ai đó. Nếu nhà lãnh đạo muốn truyền cảm hứng tốt cho nhân viên thì phải là một người luôn tràn đầy cảm hứng, nhiệt huyết, đam mê và có khả năng thuyết phục. Chỉ khi ấy, lời nói và hành động của người lãnh đạo mới xây dựng được lòng tin, mới truyền được cảm hứng cho người khác.

Trong vai trò là người dẫn dắt khối nội chính, phụ trách đào tạo của Sài Gòn Food, tôi luôn mong mỏi các bạn trẻ có nhiều cơ hội học hỏi, hoặc đem cái mới về cho các bạn học hỏi. Từ tâm niệm đó mà các chuyên đề như xây dựng thương hiệu cá nhân, thấu hiểu bản thân, xây dựng mục tiêu cuộc đời, chân dung người quản lí hiện đại, tư duy sáng tạo... lần lượt ra đời do tôi trực tiếp đứng lớp.

Mừng là đội ngũ kế thừa của Sài Gòn Food đã nồng nhiệt đón nhận các chuyên đề này. Và vui là tôi được gọi là cô giáo - xem như đã thực hiện được ước mơ thời trẻ của mình. Thông qua các chuyên đề này, tôi đã giúp rất nhiều bạn trẻ tìm ra mục tiêu của cuộc đời, thay đổi bản thân và sống có ích hơn.

Song thành công nhất của tôi trong vai trò người truyền cảm hứng ngay tại công ty, đó là đem được chương trình Mentoring về Sài Gòn Food. 

Mentoring (cố vấn) đại diện cho mối quan hệ mang tính phát triển, trong đó mentor (người cố vấn) giám sát và hỗ trợ sự phát triển kinh doanh, hay sự nghiệp của mentee (người được cố vấn) thông qua hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ tâm lí, bảo vệ và đồng thời nâng đỡ hoặc đỡ đầu. 

Mỗi cán bộ tiềm năng của Sài Gòn Food được kèm cặp bởi một cán bộ cấp trung hoặc cấp cao, đúng với nhu cầu phát triển của từng người nên họ càng hứng thú. Từ chương trình này, chúng tôi đã đưa được nhiều bạn trẻ vào các vị trí chủ chốt, và nâng cao kĩ năng lãnh đạo của đội ngũ kế thừa.

Một thành công khác có thể kể đến là tạo điều kiện cho công nhân học tập văn hóa và chuyên môn. Vì thế đã có 60 công nhân được học trung cấp thủy sản ngay tại công ty, lấy bằng chính quy và được đề bạt giữ các vị trí cao hơn trong đội ngũ quản lí sản xuất. Có thể nói tại Sài Gòn Food mọi người luôn hứng thú với công việc và được tạo cơ hội để phát triển.

- Những năm qua, Sài Gòn Food được ghi nhận là công ty có nhiều sản phẩm "độc và lạ” được đón nhận tích cực. Trong vai trò là người dẫn dắt hoạt động R&D, bà đã làm thế nào để truyền cảm hứng cho đội ngũ sáng tạo?

- R&D rất cần sự hứng thú và đam mê. Đam mê là thứ khó học nhất.  Sáng tạo mà không có đam mê thì rất dễ nản lòng đối với bất kì ai, dù họ đã rất hứng thú tại thời điểm xuất phát. Niềm đam mê chính là chất xúc tác trong quá trình nghiên cứu sản phẩm mới, để người sáng tạo kiên trì đến cùng với ý tưởng dù trải qua nhiều thất bại.

Tôi luôn nhắc nhở đội ngũ R&D hãy xem sản phẩm là những "đứa con tinh thần", cần nuôi dưỡng và bảo vệ bằng tất cả sức lực và tình yêu thương. Thành công lớn nhất của tôi là đã truyền cảm hứng cho đội ngũ R&D của công ty. Và bằng chứng là có nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo của Sài Gòn Food ra đời, được người tiêu dùng chào đón nồng nhiệt. Từ thành công ban đầu là lẩu đông lạnh có gói nước dùng, rồi đến cháo tươi và gần đây nhất là bánh chưng Hồn Việt. Quá trình nghiên cứu mỗi sản phẩm vô cùng gian nan nhưng nhờ có tình yêu, sự hứng thú, đam mê nên chúng tôi đã thành công.

Có thể nói, hạnh phúc lớn nhất của tôi là không chỉ truyền cảm hứng cho nhân viên, tôi còn đào tạo được đội ngũ kế thừa có khả năng truyền cảm hứng cho người khác.

- Là một nữ doanh nhân, vừa phải điều hành doanh nghiệp vừa phải quán xuyến việc gia đình, rồi có những giai đoạn đối mặt với thất bại, có khi nào bà thấy quá áp lực?

- Nếu nói trong suốt 38 năm đi làm không có những lúc mệt mỏi hay áp lực là không đúng. Cuộc sống hay kinh doanh lắm biến động, nhiều thử thách, nhưng vấn đề là nhìn nhận nó như thế nào và đối mặt với nó ra sao. Với tôi, trong rất nhiều hoàn cảnh, cho dù là khó khăn nhất, tôi vẫn luôn suy nghĩ theo hướng tích cực, cho nên chưa bao giờ đối diện với thất bại, khủng hoảng, tôi có ý định buông xuôi.

- Việc "chuyển giao" lãnh đạo là không tránh khỏi khi tuổi đã nhiều. Xin hỏi thật, bà có cảm thấy buồn khi ngày đó cũng phải đến?

- Cách đây ba năm, trong chương trình Cà phê khởi nghiệp trên HTV7, anh Mã Thanh Danh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO, có đặt câu hỏi với tôi: Khi nào thì chị chuyển giao? Tôi trả lời: Khi nào tôi đào tạo được đội ngũ kế thừa ổn thì sẽ tính đến việc chuyển giao. 

Bạn bè cùng tuổi với tôi đều khuyên sao không nghỉ hưu để còn hưởng thụ sự an nhàn, nhưng tôi lại nghĩ khác về hai chữ "hưởng thụ”. Với tôi, được sống khỏe mạnh, được làm những việc mình ưa thích, được thấy mình có ích, được đóng góp cho cộng đồng, đó là hưởng thụ rồi. 

Cho nên tôi vẫn hưởng thụ từng ngày và hưởng thụ từ lâu rồi.

Trong những năm gần đây, tôi đã đầu tư đào tạo nội bộ, và đến nay có thể nói là đã hoàn thành được hơn 80% mục tiêu đào tạo do mình tự đặt ra. Tôi có thể nói quá trình chuyển giao đã được thực hiện, bất cứ lúc nào tôi cũng có thể dừng tham gia điều hành tại Sài Gòn Food, giờ chỉ còn chọn thời điểm thích hợp để "rút lui" thôi. 

Nói như vậy không có nghĩa là tôi nghỉ ngơi hoàn toàn mà vẫn có kế hoạch cho những công việc thú vị...

Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food: 'Đại dịch là phép thử với doanh nghiệp' - Ảnh 3.

- Bà có thể tiết lộ...

- Tôi sẽ đi dạy và đi học. Tôi từng chia sẻ ước mơ lớn nhất khi còn trẻ là lớn lên làm cô giáo. Trong những năm gần đây, tôi đã thực hiện được một ít ước mơ ấy, nhưng rồi đây sẽ có nhiều thời gian hơn, tôi sẽ đứng lớp nhiều hơn.

Cuối năm nay tôi sẽ hoàn thành quyển sách thứ hai sau cuốn Người thả diều. Dù là tác giả của hai quyển sách, nhưng kĩ năng chưa tốt, tôi quá vất vả mất nhiều thời gian để hoàn thành hai tác phẩm này, nên sẽ đi học viết, với mong muốn quyển ba, quyển bốn sẽ tốt hơn.

Và tôi vẫn tiếp tục tham gia hoạt động cộng đồng, chia sẻ trải nghiệm về quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đóng góp cho cộng đồng mentoring... 

Là nữ doanh nhân, tôi may mắn có khả năng thích ứng với nhiều công việc và có nhiều trải nghiệm thú vị trong cuộc đời, nên tôi nghĩ, nếu mình dừng lại khi chưa cho đi tất cả những gì mình biết thì có lỗi với thế hệ trẻ. Vậy nên, đừng ngạc nhiên khi thấy kế hoạch công việc ở "tuổi nghỉ hưu" của tôi còn dài, rất dài.

- Cảm ơn bà về những chia sẻ tâm huyết!


Lữ Ý Nhi

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.