|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020

15:57 | 19/12/2016
Chia sẻ
Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia, giai đoạn 2016-2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ thoát khỏi giai đoạn suy giảm và bắt đầu vào chu kỳ phục hồi mới.

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố ba kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Theo đó, tại kịch bản cao, giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng GDP bình quân ở mức 6,85%/năm.

Kịch bản thấp, đó là khi kinh tế thế giới và thương mại quốc tế suy giảm mạnh và hệ thống tài chính toàn cầu nhiều bất ổn; tốc độ tăng đầu tư toàn xã hội là 7%; rủi ro từ nợ công, bội chi ngân sách và hệ thống tài chính ngày một lớn; tiếp tục dựa vào mô hình tăng trưởng kiểu cũ; cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Dự báo, tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2016-2020 có thể đạt mức 6,2%. Kịch bản cơ sở với nhiều khả năng xảy ra nhất; trong đó, giả định tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục ổn định ở mức trung bình khoảng 3%. Đầu tư khu vực Nhà nước được cải thiện hơn cả về tốc độ giải ngân và hiệu quả.

Điều hành chính sách có nhiều cải thiện, thủ tục pháp lý và môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Tốc độ tăng đầu tư toàn xã hội trung bình giai đoạn tăng 7%... Dự báo, tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2016-2020 có thể đạt mức 6,55%. Kịch bản cao ít khả năng xảy ra hơn nhưng cũng có thể đạt được nếu nền kinh tế có được những kỳ vọng như kịch bản cơ sở nhưng tiến trình tái cơ kinh tế được diễn ra mạnh mẽ hơn, đặc biệt là cải cách triệt để thể chế quản lý, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư công; năng suất lao động đạt được trung bình của các nước ASEAN.

Khi đó, không những nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng và ổn định cao hơn (tương ứng tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn khoảng 6,85%) mà còn có thể duy trì được sự phát triển bền vững, tạo tiền đề cho những giai đoạn kế hoạch 5 năm tiếp theo. TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích Dự báo, NCIF cho biết, kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng với kỳ vọng đột phá của tiến trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Giai đoạn 2016-2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ thoát khỏi giai đoạn suy giảm và bắt đầu vào chu kỳ phục hồi mới. Theo đó, khu vực công nghiệp - xây dựng sẽ có tăng trưởng mạnh mẽ, là động lực chính cho sự phục hồi toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, trong dài hạn, khu vực này vẫn còn đối mặt với những thách thức, như giá cả một số nguyên vật liệu đầu vào quan trọng (than, điện, dầu) không ổn định và nhiều khả năng sẽ tăng giá.

Điều này sẽ bất lợi cho hoạt động kinh doanh và sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến. Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất còn yếu, giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm còn thấp, công nghiệp phụ trợ phát triển chậm. Đặc biệt, với việc hội nhập khu vực sâu rộng, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của Việt Nam sẽ phải đối mặt với khó khăn lớn hơn khi năng lực cạnh tranh còn yếu và chưa có sự chuẩn bị tốt cho hội nhập. Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ gặp không ít trở ngại đối với việc các nước tăng cường áp dụng các hàng rào kỹ thuật, các quy định yêu cầu chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc ngày càng khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu đặc biệt là nhóm hàng nông lâm thủy sản. Đối với khu vực dịch vụ, với sự cải thiện cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại được triển khai mạnh mẽ, cùng với việc thực hiện các cam kết của cộng đồng chung ASEAN và các hiệp định tự do thương mại mang lại sẽ có nhiều tác động tích cực đến việc mở rộng các hoạt động dịch vụ, giúp khu vực này tăng trưởng tốt hơn trong giai đoạn 2016-2020. Đối với khu vực nông nghiệp, ngoài hạn chế về năng suất và khả năng cạnh tranh, khu vực này còn phải đối diện với những yêu cầu ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng và hàng rào kỹ thuật.

Trong khi đó, việc chuyển đổi cơ cấu sản phẩm nông nghiệp và áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp diễn ra chậm, chưa phát huy được lợi thế so sánh và chưa đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Đây vẫn sẽ là những yếu tố cản trở đến sự phát triển của khu vực này trong dài hạn./.

Thúy Hiền

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.