|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ba giải pháp phát triển khu vực kinh tế tư nhân

15:32 | 26/07/2017
Chia sẻ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2016, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 40% GDP, thu hút khoảng 51% lực lượng lao động của cả nước. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân quy mô còn nhỏ và đang phát triển dưới mức tiềm năng.
ba giai phap phat trien khu vuc kinh te tu nhan
Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 40% GDP, thu hút khoảng 51% lực lượng lao động của cả nước. Ảnh minh họa.

Làm thế nào để khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) về vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của kinh tế tư nhân hiện nay trong nền kinh tế nước ta hiện nay? Đâu là những rào cản khiến cho khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự là một động lực của nền kinh tế?

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn: Theo quan điểm của tôi, kinh tế tư nhân có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Bởi kinh tế tư nhân đóng góp 40% GDP, tạo ra 86% việc làm và đóng góp hơn 30% ngân sách Nhà nước. Khu vực kinh tế tư nhân còn góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm sự chênh lệch vùng miền.

Mặc dù có vai trò quan trọng trong nền kinh tế và có số lượng đông, tuy nhiên khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự trở thành động lực trong nền kinh tế.

Thứ nhất, đó là số lượng rất đông, nhưng quy mô nhỏ, có tới 70% số doanh nghiệp (DN) ngoài Nhà nước là các DN siêu nhỏ. Thứ hai, trong số 40% GDP do khu vực kinh tế tư nhân tạo ra thì hộ kinh doanh chiếm 30%. Thứ ba, hiệu quả kinh doanh, năng suất lao động khu kinh tế tư nhân không cao trong so sánh khu vực kinh tế Nhà nước với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Thêm nữa, tính kết nối của khu vực kinh tế tư nhân với khu vực kinh tế Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân với chuỗi giá trị toàn cầu cũng thấp.

Khu vực này đang phải đối mặt với rất nhiều rào cản: Rào cản chưa có sự thống nhất cao về nhận thức, về sự phát triển, rào cản môi trường kinh doanh, rồi sự bất bình đẳng giữa khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài…

Một lý do nữa khiến cho khu vực kinh tế tư nhân không thể lớn mạnh đó là DN thiếu kiến thức, thiếu vốn, thiếu cơ chế chính sách, chưa liên kết được sức mạnh với nhau… Theo ông, điều cần thiết nhất để các DN lớn, mạnh thì yếu tố cần và đủ là gì?

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn: Theo quan điểm của tôi, có 3 giải pháp lớn để khu vực kinh tế tư nhân có thể trở thành động lực kinh tế.

Đầu tiên phải xóa bỏ rào cản, trong đó rào cản môi trường kinh doanh như khả năng tiếp cận thị trường, khả năng tiếp cận nguồn lực, khả năng tiếp cận thông tin và các chi phí không chính thức, chi phí kinh doanh, chi phí tuân thủ… đóng vai trò rất quan trọng.

Thứ hai là tạo dựng các nền tảng cơ bản để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân có thể phát triển bền vững ở trong tương lai, trong đó việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược và một loạt các giải pháp như: Xây dựng chiến lược công nghiệp mới, đặt trọng tâm vào khu vực kinh tế tư nhân, gắn với đổi mới và sáng tạo, cũng như cải cách hành chính công, xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính.

Nhóm giải pháp thứ 3 rất quan trọng, đó là phải có cơ chế chính sách riêng cho từng nhóm đối tượng DN. Đơn cử như đối với nhóm đối tượng DN lớn phải định hướng theo hướng quốc tế hóa, gắn nhiều với đổi mới sáng tạo, gắn nhiều hơn với xuất khẩu và các DN lớn gắn nhiều hơn với xu hướng của cuộc cách mạng 4.0.

Đối với nhóm đối tượng DN nhỏ và vừa, phải có cơ chế chính sách để cho các DN này liên kết với nhau, các DN nhỏ gắn kết với DN lớn và nâng cao năng lực đổi mới quản trị…

Đối với nhóm đối tượng là DN khởi nghiệp, nhóm đối tượng DN đổi mới sáng tạo, điều quan trọng phải tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi nhất để có hiệu quả các quỹ đầu tư rủi ro nhằm hỗ trợ các DN.

Đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, phải có cơ chế chính sách để các DN này có thể ứng dụng công nghệ cao và hoạt động trên quy mô lớn.

Đối với nhóm đối tượng là các hộ kinh doanh, không nên có chính sách hành chính để chuyển đổi các hộ kinh doanh này thành DN, mà điều quan trọng phải giảm các chi phí không chính thức, chi phí tuân thủ… để làm sao cho các hộ kinh doanh này nâng cao năng lực chuyển đổi sang DN.

Nói về điều kiện cần và đủ, thì trên là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là bản thân DN cũng phải nâng cao năng lực của mình lên, trong đó đặc biệt là năng lực về quản trị DN.

Tại Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh về ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân và mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ các DN để lắng nghe ý kiến và giải đáp những thắc mắc về cơ chế chính sách. Ông kỳ vọng gì về điều này?

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn: Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh về ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân và gần đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tọa đàm với DN với chủ đề “đồng hành cùng DN”, hai sự kiện này theo quan điểm của tôi là thổi một luồng gió mới vào sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trên 2 góc độ: Thứ nhất là chủ trương chính sách, chủ trương đường lối; thứ hai là thực hiện chủ trương đường lối đó trên thực tế.

Điều này thể hiện sự quyết tâm cao, sự thống nhất trong toàn hệ thống chính trị đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, tạo ra niềm tin cho khu vực kinh tế này, đồng thời mở đường cho các giải pháp cụ thể hơn đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Cảm ơn ông!

Minh Thắm