|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

‘Bà đỡ’ cho loạt doanh nghiệp trên thị trường xe điện muốn rót 1 tỷ USD vào châu Á

15:31 | 15/04/2024
Chia sẻ
BP Ventures lên kế hoạch đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào các startup khởi nghiệp trong lĩnh vực năng lượng như xe điện, trạm sạc,… trên khắp châu Á trong 3-4 năm tới.

BP Ventures, bộ phận đầu tư của tập đoàn năng lượng toàn cầu BP, đang tích cực tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại châu Á với mục tiêu rót khoảng 1 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp trong 3 đến 4 năm tới.

Trong cuộc phỏng vấn với DealStreetAsia, bà Sophia Nadur, Giám đốc điều hành tại BP Ventures cho biết: "Chúng tôi tập trung đầu tư vào những công nghệ đột phá và sáng tạo trên toàn bộ lĩnh vực năng lượng và thị trường, phù hợp với chiến lược cốt lõi và các động lực tăng trưởng chuyển đổi của BP. Chúng tôi không phân bổ nguồn vốn theo từng khu vực cụ thể”.

BP Ventures đã thực hiện các khoản đầu tư đáng kể vào lĩnh vực xe điện tại châu Á để hỗ trợ các thành phố chuyển đổi từ động cơ đốt trong truyền thống sang các giải pháp di chuyển bền vững.

Lĩnh vực giao thông xanh và phương tiện xe điện đang phát triển ở Việt Nam. (Ảnh: Đức Huy).

Bà Nadur chia sẻ: "Chúng tôi không ngừng tìm kiếm các công nghệ mới. Các khoản đầu tư của chúng tôi hỗ trợ các động lực tăng trưởng chuyển đổi của BP đồng thời cải thiện hoạt động cốt lõi và mở đường cho các cơ hội đột phá trong tương lai”.

Năm ngoái, BP Ventures đã đầu tư 11 triệu USD vào Magenta Mobility, một công ty xe điện hàng đầu tại Ấn Độ chuyên về điện khí hóa chuỗi cung ứng và giao hàng tận nơi (đoạn đường từ trung tâm phân phối đến nhà hoặc doanh nghiệp). Khoản đầu tư này là một phần trong vòng gọi vốn 22 triệu USD của Magenta Mobility.

Trước đó vào năm 2021, BP Ventures đã đầu tư 13 triệu USD vào BluSmart, công ty cung cấp dịch vụ gọi xe điện và sạc tích hợp, đánh dấu khoản đầu tư trực tiếp đầu tiên của BP Ventures tại Ấn Độ.

"Những khoản đầu tư này không chỉ góp phần mở rộng cơ sở hạ tầng sạc xe điện ở Ấn Độ mà còn phù hợp với mục tiêu toàn cầu của BP là phát triển mạng lưới sạc xe điện lên 100.000 điểm đến năm 2030", bà Nadur cho biết thêm.

Năm 2019, BP Ventures lần đầu tiên đặt chân vào thị trường Trung Quốc với khoản đầu tư vào PowerShare, một công ty cung cấp nền tảng trực tuyến kết nối các tài xế xe điện.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đó với Global Venturing, Phó Chủ tịch BP, ông Gareth Burns, người đứng đầu BP Ventures, cho biết bộ phận đầu tư này có kế hoạch rót khoảng 1 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp trong 3 đến 4 năm tới, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chuyển đổi năng lượng. 

"Hơn 90% số tiền này sẽ được đầu tư vào các công ty khởi nghiệp đang phát triển các công nghệ liên quan đến năm động lực tăng trưởng chuyển đổi của BP - năng lượng sinh học, sạc xe điện, tiện ích, năng lượng tái tạo và điện, và hydro", ông nói.

Các khoản đầu tư vào xe điện phù hợp với mục tiêu chiến lược của BP Ventures tại thị trường châu Á, khi mảng kinh doanh sạc xe điện toàn cầu của công ty - bp pulse, đang tích cực triển khai mạng lưới sạc nhanh ở các quốc gia như Trung Quốc.

Với hàng nghìn bộ sạc tại các thành phố lớn của Trung Quốc và lượng người dùng hơn 1 triệu, bp pulse đang dẫn đầu trong việc phát triển các giải pháp sạc tích hợp đáp ứng các nhu cầu ngày càng thay đổi của thị trường. Trung Quốc là một trong bốn quốc gia cốt lõi của bp pulse, cùng với Đức, Anh và Mỹ.

Bà Nadur cho biết, khi đánh giá tiềm năng tăng trưởng của các công ty khởi nghiệp xe điện ở châu Á, BP Ventures xem xét một loạt các yếu tố như sức mạnh công nghệ, khả năng khác biệt, tính vững chắc của mô hình kinh doanh, quan hệ khách hàng, chuyên môn của nhóm, thành tích trước đó và sự phù hợp với chiến lược điện khí hóa của BP. Các tiêu chí này nhằm mục đích xác định các công ty khởi nghiệp có tiềm năng thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng bền vững trong khu vực.

Tuy nhiên, vị giám đốc điều hành cũng chỉ ra rằng môi trường pháp lý cho lĩnh vực xe điện ở châu Á đang thay đổi và đa dạng là một thách thức then chốt cần vượt qua đối với các công ty khởi nghiệp, và do đó, BP Ventures cũng cân nhắc đến điều này khi ra quyết định đầu tư.

"Ngoài ra, việc thiếu cơ sở hạ tầng sạc tương đối ở khu vực là một thách thức đối với việc áp dụng xe điện, nhưng đây cũng là cơ hội cho các mô hình kinh doanh sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực chia sẻ di chuyển và giao hàng tận nơi. Cũng có nhiều cơ hội cho đổi mới và đầu tư ở châu Á khi thị trường xe điện phát triển", bà nói thêm.

Đức Huy