|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuỗi phòng khám Medlatec tìm cách huy động vốn

12:11 | 09/04/2024
Chia sẻ
Số vốn mà Medlatec muốn huy động được từ các quỹ đầu tư tư nhân là khoảng dưới 100 triệu USD.

Nguồn tin của DealStreetAsia cho hay Medlatec bắt đầu đàm phán với một số quỹ đầu tư cổ phần tư nhân để huy động vốn. Các nguồn tin cho biết chuỗi phòng khám này có thể huy động khoảng 100 triệu USD trở xuống. Đây là vòng gọi vốn đầu tiên từ các quỹ của Medlatec.

Medlatec từ chối bình luận về kế hoạch huy động vốn khi được liên hệ.

Ảnh: Medlatec.

Nguồn vốn dự kiến sẽ dùng để hỗ trợ các kế hoạch mở rộng khi Medlatec tìm cách tăng số lượng các trung tâm xét nghiệm nhằm củng cố thị phần không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các thị trường khác tại Đông Nam Á. Năm 2023, Medlatec đã khai trương một trung tâm xét nghiệm ở Campuchia, là chi nhánh nước ngoài đầu tiên.

Medlatec, có trụ sở tại Hà Nội, tập trung vào các lĩnh vực như khám, điều trị, tiêm chủng và xét nghiệm. Ngoài ra, công ty còn sở hữu một nhà thuốc và tham gia vào lĩnh vực phân phối trang thiết bị y tế, công nghệ chăm sóc sức khỏe, hình ảnh và đào tạo y tế.

Được thành lập vào năm 1996, Medlatec đang sở hữu một bệnh viện và 13 phòng khám, cùng với các chi nhánh trên khắp cả nước. Dữ liệu tự công bố cho thấy Medlatec có khoảng 4 triệu khách hàng mỗi năm.

Nếu các cuộc đàm phán với các nhà đầu tư thành công, đây sẽ là một thương vụ huy động vốn khác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. Năm ngoái, DealStreetAsia đưa tin ông lớn KKR có trụ sở tại Mỹ sẽ mua lại tập đoàn Y Khoa Sài Gòn - đơn vị sở hữu một chuỗi bệnh viện và phòng khám chuyên về nhãn khoa, từ Heliconia, công ty con của Temasek.

Trong các thương vụ khác đang được xúc tiến, quỹ đầu tư tư nhân Warburg Pincus được cho là đang tìm kiếm khoản đầu tư tiềm năng vào Bệnh viện Xuyên Á - vận hành một chuỗi bệnh viện với 4 cơ sở tại TP HCM và các tỉnh lân cận.

Trong số các thương vụ đã được ký kết, Thomson Medical Group - tập đoàn chăm sóc sức khỏe được niêm yết trên SGX, đã đồng ý mua lại Bệnh viện FV của Việt Nam với giá trị lên tới 381,4 triệu USD vào đầu năm nay. Giao dịch đánh dấu thương vụ M&A trong ngành chăm sóc sức khỏe lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay và lớn nhất Đông Nam Á kể từ năm 2020.

Tháng 4/2023, khoản đầu tư của GIC vào chuỗi phòng khám Nhi Đồng 315 mở đường cho một số nhà đầu tư ban đầu rút vốn. Gần đây nhất, Gene Solutions được Mekong Capital hậu thuẫn được cho là đang tìm cách huy động 70 triệu USD để hỗ trợ cho việc mở rộng tại Đông Nam Á.

Năm ngoái, Gene Solutions gây chú ý khi huy động được 21 triệu USD do quỹ đầu tư Mekong Capital dẫn dắt.

Theo Hoda Abou-Jamra, Đối tác sáng lập tại TVM Capital Healthcare chuyên tập trung vào các thị trường mới nổi, cho hay một số người mua chiến lược và nhà đầu tư cổ phần tư nhân hiện đang tìm kiếm các khoản đầu tư mua lại tại Việt Nam.

TVM Capital Healthcare thường đầu tư từ 10 triệu đến 25 triệu USD vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực y tế, giúp các doanh nghiệp này mở rộng quy mô.

Theo báo cáo của ResearchAndMarkets.com, thị trường bệnh viện tại Việt Nam dự kiến đạt 11,228 triệu USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 6,2%.

Tuy nhiên, không chỉ riêng Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trên khắp Đông Nam Á đang đẩy mạnh các hoạt động huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư nhằm tận dụng cơ hội khi đại dịch được đẩy lùi và nhu cầu về dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong khu vực chưa được đáp ứng đủ.

Quỹ đầu tư tư nhân có trụ sở tại Singapore - Heritas Capital, gần đây đã thoái vốn khỏi Timberland Medical Centre của Malaysia, qua đó bán cổ phần của mình cho IHH Healthcare, thu về khoản lợi nhuận gấp 3 lần.

Trước đó vào năm 2022, quỹ đầu tư tư nhân TPG Capital và quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC đã cùng nhau rót thêm tiền vào nền tảng chăm sóc sức khỏe Asia Healthcare Holdings (AHH).

Đức Huy (theo DealStreetAsia)