AVF vẫn 'sống' dù lỗ lũy kế 1.709 tỷ, âm vốn 1.262 tỷ
Cụ thể, trong năm qua doanh thu của AVF chủ yếu là cung cấp dịch vụ (gia công sản phẩm cho đối tác) với con số đạt được 140 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2015. Giá vốn cũng tăng 21% khi ở mức 115 tỷ đồng. Theo đó lãi gộp đạt 24,4 tỷ đồng, ứng với tỷ suất lãi gộp 17,4%, khả quan hơn mức 6,6% của năm trước.
Thêm vào đó, hoạt động tài chính kỳ này giảm lỗ từ 164 tỷ của năm trước xuống còn 86 tỷ đồng chủ yếu do chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng và quản lý cũng được tiết giảm mạnh xuống còn 140 triệu và 21,4 tỷ (cùng kỳ lần lượt là 1,86 tỷ và 157 tỷ).
Theo đó, AVF chỉ lỗ thuần 83 tỷ đồng, trong khi năm trước lỗ thuần 316 tỷ đồng. Ngược lại, nếu như năm 2015 lỗ khác chỉ 33 tỷ đồng thì năm 2016 vọt lên 441 tỷ đồng. Chính điều này đã nhấn chìm nỗ lực chính trong năm qua với mức lỗ ròng 524 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 349 tỷ của năm trước. Kéo lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm tới 1.709 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1.261 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2016, AVF vẫn duy trì vay nợ ngắn hạn ở mức 1.018 tỷ đồng, tương đương đầu kỳ và chiếm 60% nợ phải trả. Trong khi đó khoản phải thu khác vẫn duy trì quanh mức 321 tỷ đồng.
Mặc dù không nêu ra trong phần thuyết minh các nhà băng là chủ nợ, nhưng theo BCTC năm 2015, các chủ nợ của AVF gồm Vietcombank, Agribank, BIDV, VDB, Shinhan, MBB.