Arab Saudi phải 'thắt lưng buộc bụng' do thâm hụt ngân sách tăng
Trong thông báo, Bộ Tài chính Arab Saudi cho biết quốc gia này dự kiến sẽ thâm hụt 298 tỷ riyal (79 tỷ USD) trong năm nay, tương đương 12% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và là năm thâm hụt thứ 8 liên tiếp. Con số trên dự kiến sẽ giảm trong năm tới xuống còn 141 tỷ riyal (37,6 tỷ USD), tương đương 4,9% GDP.
Dự báo mới nhất về thâm hụt ngân sách năm 2020 của Arab Saudi cao hơn khá nhiều so với ước tính 50 tỷ USD được đưa ra hồi đầu vào năm nay cũng như mức thâm hụt 35 tỷ USD của năm 2019.
Cũng theo thông báo, Arab Saudi dự kiến sẽ cắt giảm chi tiêu cho năm 2021 khoảng 7% so với năm nay, xuống khoảng 990 tỷ riyal (263,91 tỷ USD). Nguồn thu ngân sách giảm nhiều khả năng sẽ cản trở chương trình cải cách đầy tham vọng "Tầm nhìn 2030" của Thái tử Mohammed bin Salman, nhằm chuyển đổi nền kinh tế phụ thuộc vào năng lượng sang hướng đa dạng hóa.
Dù vậy, truyền thông quốc gia đưa tin Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman phát biểu rằng nước này đã cẩn trọng xử lý hiệu quả cuộc khủng hoảng COVID-19, qua đó giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch đến nền kinh tế.
Thái tử Mohammed bin Salman cũng khẳng định năm 2020 là một năm khó khăn đối với toàn cầu, nhưng nền kinh tế của Arab Saudi đã chứng minh được khả năng chống chọi dẻo dai của mình.
Arab Saudi dự báo nền kinh tế lớn nhất trong thế giới Arab sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm tới, phục hồi phần lớn sau mức suy giảm 3,7% dự kiến trong năm nay. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến nền kinh tế Arab Saudi sẽ giảm 5,4% trong năm nay.
Kể từ năm 2014 đến nay, Arab Saudi đã không thể cân đối ngân sách của mình do sự sụt giảm của giá của dầu – vốn chiếm tới 2/3 nguồn thu của nước này. Điều đó khiến cường quốc dầu mỏ này phải vay mượn nhiều và rút từ nguồn dự trữ để bù đắp sự thiếu hụt.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng Arab Saudi cần giá dầu thô ở mức khoảng 80 USD/thùng để cân đối ngân sách, cao hơn mức giá hiện tại là khoảng 50 USD/thùng.