Apple, Qualcomm và cuộc chiến pháp lý sặc mùi tiền bạc
Một năm trước, CEO của Apple và Qualcomm gặp nhau tại trụ sở của Apple. Hai vị lãnh đạo cần phải đàm phán để tìm ra giải pháp cho vụ kiện về bản quyền kéo dài nhiều năm giữa hai công ty. Tuy nhiên Steve Mollenkopf, CEO của Qualcomm lại im lặng. Ông không bắt đầu câu chuyện mà để cho luật sư của mình nói trước.
2 ông Mollenkopf và Tim Cook dường như rất khó tìm được tiếng nói chung. Sự khác biệt về tính cách, cách lãnh đạo của 2 người phần nào khiến cho Apple và Qualcomm khó có thể đạt được một thỏa thuận mà không có sự phán xử từ tòa án.
Apple gọi Qualcomm là độc quyền, và cho rằng ông Mollenkopf đã nói dối về thỏa thuận trước đó của hai bên. Qualcomm thì cho rằng Apple đã qua mặt các cơ quan quản lý và lấy trộm phần mềm của họ để làm lợi cho một đối thủ của Qualcomm.
Vụ kiện giữa 2 công ty đã kéo dài 2 năm. Những khác biệt của 2 CEO càng khiến cho hai bên xa rời. Apple bảo vệ quyền lợi cho những đối tác lắp ráp của họ, và nói rằng số tiền Qualcomm đã thu bất hợp lý lên tới 9 tỷ USD. Apple đồng thời đòi hỏi Qualcomm phải trả lại 3,1 tỷ USD cho những bản quyền đã hết hạn.
Trong khi đó, Qualcomm cho rằng các đối tác của Apple nợ họ 7,5 tỷ USD. Họ đồng thời muốn Apple đền bù thiệt hại gấp đôi số đó, tức là 15 tỷ USD.
Những con số rất lớn này chỉ là một phần lý do khiến CEO của 2 công ty xuất hiện tại các phiên xử tại tòa, diễn ra trong tuần này.
Hai vị CEO khác biệt
Trong quá khứ, mối quan hệ tốt đẹp giữa các lãnh đạo là mấu chốt để giải quyết mối bất hòa giữa các công ty. CEO của Microsoft và Sun Microsystems, Steve Ballmer và Scott McNealy từng nói chuyện với nhau hàng tuần trong nửa năm để giải quyết vụ kiện độc quyền giữa 2 công ty vào năm 2004.
Một vụ tranh chấp bản quyền khác giữa Nokia và Qualcomm cũng đi đến bước thỏa thuận khi CEO của 2 công ty làm việc trực tiếp vào năm 2008.
Ông Steve Mollenkopf, CEO của Qualcomm sẽ xuất hiện tại phiên tòa trong tuần này để tìm cách giải quyết tranh chấp pháp lý giữa Apple và Qualcomm. Ảnh: Getty. |
“Những vị CEO là người ra quyết định, do vậy họ hiểu những gì phải đánh đổi trong các thỏa thuận mà cấp dưới có khi rất khó nắm bắt”, John Chambers, CEO của Cisco System giai đoạn 1995-2015 nhận xét.
“Anh nhấc máy lên và gọi điện hoặc hẹn gặp. Đấy là mối quan hệ dựa trên niềm tin”, ông Chambers, người từng giải quyết những tranh chấp với Steve Jobs chia sẻ.
Ông Cook và Mollenkopf thì có quá ít mối liên hệ, và dường như quá tập trung vào việc hai công ty đang đối đầu về mặt pháp lý để có thể đi đến thỏa thuận với nhau. Thậm chí một quản lý tại Apple còn nhận xét Apple sẽ không bao giờ có thể đàm phán với Qualcomm khi ông Mollenkopf còn là CEO.
“Cá nhân tôi cho rằng không ai trong hai người có thể xóa đi khoảng cách”, vị quản lý này nhận định.
Ông Mollenkopf sinh ra tại Baltimore, từng gia nhập quân đội Mỹ và có thời gian thử việc tại CIA trước khi gia nhập Qualcomm.
Ông từng có một đội ngũ dưới quyền đông đảo, và thường xuyên tham khảo ý kiến của các cấp dưới. Tuy nhiên theo WSJ, nhiều lãnh đạo trực tiếp dưới quyền ông Mollenkopf đã rời Qualcomm trong vài năm qua, khiến cho ông cô độc và không có được nhiều ý kiến đóng góp.
Ông Tim Cook, một người sinh ra tại Alabama, thường trưng cầu ý kiến đội ngũ lãnh đạo của Apple để đưa ra một quyết định cuối cùng. Trong vụ việc với Qualcomm, đội ngũ lãnh đạo này đã đi đến quyết định cuối cùng là mức phí bản quyền 5% cho mỗi chiếc iPhone là quá cao.
Vụ kiện Qualcomm cũng là dịp hiếm hoi CEO của Apple xuất hiện trực tiếp tại tòa để đối chất. Tuy nhiên, ai là nạn nhân sẽ chỉ được quyết định tại phiên tòa tới đây. Trong khi Apple cho rằng Qualcomm lấy mức phí bản quyền quá cao, thì Qualcomm cũng bị thiệt hại hàng tỷ USD nếu như Apple không trả tiền bản quyền cho họ.
Phán quyết của tòa án trong vụ kiện này có thể ảnh hưởng tới cả mô hình kinh doanh và cấp bằng sáng chế của Qualcomm, hoặc khiến Apple phải bỏ ra hàng tỷ USD để trả cho Qualcomm. Tác động rất lớn khiến 2 công ty không ngần ngại bỏ ra hàng triệu USD để thuê những luật sư giỏi và theo đuổi vụ việc.
Vụ kiện tỉ USD của hai gã khổng lồ
Apple và Qualcomm từng là những đối tác quan trọng. Khi phát triển iPhone đời đầu vào năm 2007, Apple đã sử dụng nhiều công nghệ của Qualcomm. Hãng sản xuất chip muốn tính phí 5% cho mỗi chiếc iPhone, tương đương khoảng 12-20 USD.
Ngay từ lúc đó ông Cook, còn là COO dưới quyền Steve Jobs, đã không hài lòng với thỏa thuận này. Ông cho rằng Qualcomm chỉ nên lấy tiền bản quyền từ linh kiện chứ không phải từ giá bán thiết bị hoàn chỉnh, và số tiền này sẽ được trả qua đối tác lắp ráp.
Tim Cook đề xuất chỉ trả 1,5 USD cho mỗi chiếc iPhone bán ra. Tuy nhiên CEO Steve Jobs thì cho rằng các công ty nên tôn trọng công nghệ của nhau. Ông Jobs cũng có quan hệ tốt với CEO Qualcomm lúc đó, ông Paul Jacobs.
Năm 2011, hai công ty ký gia hạn thỏa thuận. Qualcomm trả cho Apple 1 tỷ USD/năm để trở thành nhà cung cấp độc quyền chip modem cho iPhone, nhưng họ có thêm một thỏa thuận: Apple phải trả lại số tiền đó nếu ký hợp đồng với một hãng chip khác.
Sau 5 năm ra mắt, 250 triệu chiếc iPhone bán ra đã mang lại cho Apple 150 tỷ USD. Trong khoảng thời gian này, Qualcomm cũng thu được tới 23 tỷ USD từ mọi đối tác sử dụng công nghệ của họ. Đây là nguồn thu rất lớn, khi mà doanh thu từ bán trực tiếp chip và các sản phẩm khác của Qualcomm vào khoảng 42 tỷ USD.
Năm 2011, Tim Cook lên thay thế Steve Jobs làm CEO của Apple. Một lần nữa, ông tỏ ra không đồng tình với chi phí bản quyền Apple phải trả cho Qualcomm, lớn hơn phí bản quyền của tất cả các công nghệ khác trên iPhone cộng lại. Bên cạnh đó, Tim Cook và giám đốc vận hành Jeff Williams cũng không hài lòng với thỏa thuận độc quyền về modem Qualcomm.
“Chúng tôi cảm thấy như bị dí súng vào đầu”, ông Williams nói trong một phiên tòa gần đây.
CEO Tim Cook của Apple đã phản đối cách Qualcomm tính tiền bản quyền trên iPhone từ hơn 10 năm trước. Ảnh: Reuters. |
Năm 2016, Apple chỉ trích Qualcomm “lạm dụng quyền lực” để ép buộc họ. Chỉ vài tuần sau, Qualcomm biết được rằng Apple đã âm thầm ký kết với Intel để sử dụng modem trên iPhone 7 bán tại Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Mollenkopf thì cho rằng chính Apple yêu cầu Qualcomm trả tiền để được độc quyền cung cấp chip cho iPhone. Điều này khiến những người lãnh đạo Qualcomm tức giận và quyết định chấm dứt thỏa thuận trả 1 tỷ USD mỗi năm vì cho rằng Apple đã vi phạm.
Để phản ứng lại nước đi này, Apple ngừng trả tiền bản quyền, lên tới hàng tỷ USD cho Qualcomm và đâm đơn kiện hãng sản xuất chip vào tháng 1/2017.
Chiến lược của Qualcomm trong vụ tranh chấp này giống cách họ đã từng dùng để đối phó với Nokia đầu những năm 2000. Qualcomm kiện ngược lại Apple ở cả Mỹ, Đức và Trung Quốc. Họ cũng ngừng cung cấp những phần mềm quan trọng để thử nghiệm chip vì cho rằng Apple chia sẻ phần mềm với đối thủ Intel.
Tháng 10/2017, Apple bắt tay vào nghiên cứu những mẫu iPhone, iPad mới hoàn toàn không có linh kiện từ Qualcomm.
Không lâu sau, một đối thủ khác là Broadcom đề nghị mua lại Qualcomm với giá 105 tỷ USD. Nhiều người trong nội bộ Qualcomm cho rằng thương vụ này có sự hậu thuẫn từ Apple. Tuy nhiên thương vụ đã không thể tiến hành.
Trước công luận, ông Mollenkopf thường xuyên ngỏ ý 2 công ty sắp đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên ông Cook lại khẳng định không thể có thỏa thuận giữa Apple và Qualcomm, và nói rằng hai vị lãnh đạo đã không nói chuyện trực tiếp từ cuối năm 2018.
Apple đang tìm mọi cách để không phải phụ thuộc vào Qualcomm. Họ đã bắt đầu phát triển chip modem của riêng mình, và CEO Tim Cook có lẽ sẽ không nhượng bộ.
Tuy nhiên Qualcomm cũng không muốn mất giá trước Apple. Thua cuộc không chỉ khiến họ bị thiệt hại hàng tỷ USD, mà còn ảnh hưởng tới mô hình kinh doanh đang giúp Qualcomm thu lợi lớn từ các nhà sản xuất khác.
Kể từ khi Apple kiện Qualcomm, giá trị thị trường của Qualcomm đã giảm tới 25%. Trong khi đó, do công nghệ của Intel chưa thể đáp ứng, iPhone sẽ chậm hơn các thiết bị khác vài năm trong việc tích hợp công nghệ 5G. Những vụ kiện tại Đức, Trung Quốc dẫn đến nhiều mẫu iPhone bị cấm bán tại 2 nước này.
“Cả 2 bên đều có những vũ khí lợi hại. Cần phải có một sự kiện gì khiến cho một bên hạ vũ khí của mình xuống”, một người trong cuộc nhận xét.