APEC: Hiệp định thương mại tạo động lực phát triển cho các nền kinh tế
Ngày làm việc thứ 10 trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC), Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký APEC quốc gia và Ban thư ký APEC quốc tế 2017 tổ chức “Đối thoại của APEC về các Hiệp định thương mại khu vực, hiệp định thương mại tự do (RTAs/FTAs) trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương”.
Nhiều vấn đề xung quanh công tác đàm phán và thực thi các hiệp định thương mại khu vực, hiệp định thương mại tự do đã được các nền kinh tế thành viên APEC nêu ra bàn thảo một cách thẳng thắn. Đại diện Việt Nam tham gia đối thoại cũng đã nêu ra nhiều kinh nghiệm trong đàm phán các hiệp định này.
Trong gần 30 năm qua, các hiệp định thương mại khu vực và hiệp định thương mại tự do tại khu vực APEC, nơi tập trung 1/2 tổng số các hiệp định thương mại trên thế giới, đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô và tính chất.
Giáo sư Jeff Schott, Viện Kinh tế quốc tế Peterson, Hoa Kỳ. |
Tính đến nay, có 165 hiệp định thương mại tự do, trong đó bao gồm ít nhất một thành viên APEC tham gia có hiệu lực, 62 hiệp định thương mại khu vực và hiệp định thương mại tự do đã được lý kết và thực thi giữa nội bộ các thành viên APEC với nhau. Nhờ vào tác động của các hiệp định thương mại tự do, giao dịch thương mại nội khối APEC đã tăng trưởng 274%, từ 2,3 ngàn tỷ USD lên 6,3 ngàn tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2000 - 2016.
Ngày càng có nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới được đàm phán và ký kết tại khu vực, tập trung vào các vấn đề thương mại và đầu tư, các vấn đề sau biên giới cũng như các rào cản mang tính phi thuế. Các nền kinh tế thành viên xác định: Trong bối cảnh kinh tế, thương mại thế giới và khu vực có đấu hiệu hồi phục tích cực, việc tranh thủ tối ưu các lợi ích từ các hiệp định thương mại khu vực và hiệp định thương mại tự do có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm tạo động lực mới cho sự tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư.
Giáo sư Jeff Schott, Viện Kinh tế quốc tế Peterson, Hoa Kỳ cho rằng, Việt Nam và các nền kinh tế nhỏ nên tận dụng cơ hội về giao thương và đầu tư ngay trong các nền kinh tế APEC. Từ đó, các nền kinh tế có nhiều cơ hội hơn trong đàm phán, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do.
“Tôi cho rằng RTAs/FTAs mà các thành viên APEC tham gia đều khá toàn diện. Nhiều khía cạnh về chính sách kinh tế nội địa đã được đưa ra bàn bạc, điều này quan trọng vì đây là nền tảng cho sự phát triển của một nền kinh tế. Khi các nước APEC trao đổi với nhau, có thể đưa ra những chính sách và cải cách phù hợp với nền kinh tế để phát triển”, Giáo sư Jeff Schott nói.
Bà Marie Sherylyn Aquia, Chủ tịch Ủy ban Thương mại và Đầu tư APEC cũng đánh giá cao vai trò của các nền kinh tế APEC trong các hiệp định thương mại tự do.
“Các nước trong APEC đã và đang là một phần quan trọng trong FTAs và RTAs. Họ áp dụng và đàm phán nhiều về các hiệp định FTA, đặc biệt là đối thoại về mặt chính sách. Tôi thấy Việt Nam đã có kế hoạch dài hạn và cũng rất nỗ lực trong hội nhập và hợp tác với các nền kinh tế khác”, Bà Marie Sherylyn Aquia cho biết.
Tại đối thoại, đại diện các nền kinh tế APEC đã chia sẻ kinh nghiệm trong đàm phám các hiệp định thương mại, nhấn mạnh đến các điểm cần chú ý trong việc thực thi. Một số điển hình đàm phán thành công và tác động của hiệp định trên thực tế cũng được nêu ra để các thành viên cùng tham khảo.
Về kinh nghiệm của Việt Nam trong đám phán các hiệp định thương mại khu vực, hiệp định thương mại tự do, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Việt Nam có đàm phán cùng với các nước ASEAN về các hiệp định thương mại giữa ASEAN với các nền kinh tế quan trọng và Việt Nam cũng có những hiệp định thương mại song phương.
Khó khăn của Việt Nam là đang ở trình độ phát triển của nước thu nhập trung bình- thấp nên trong đàm phán Việt Nam đưa ra các nguyên tắc như: có những đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các nền kinh tế còn đang mở cửa, chuyển đổi, tiếp cận thị trường.
“Những nguyên tắc của Việt Nam khi đàm phán các Hiệp định thương mại tự do đều được các nền kinh tế có trình độ phát triển hơn chia sẻ. Do đó, trong các hiệp định thương mại của Việt Nam đều có lộ trình, có thời gian để các doanh nghiệp, các địa phương có thời gian điều chỉnh, tham gia hiệu quả hơn”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ.
Ông Robert Holleyman, một đại biểu của Hoa Kỳ nhận xét: Các nền kinh tế thành viên APEC ngày càng quan tâm, chú trọng đến tham gia, đàm phán, ký kết, thực thi các hiệp định thương mại khu vực và hiệp định thương mại tự do.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. |
Riêng với Việt Nam, các hiệp định đã ký kết và có hiệu lực thời gian qua đã giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam giao thương quốc tế thuận lợi hơn, tạo nhiều việc làm hơn cho người lao động và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.
“Việt Nam có một nền kinh tế mở là cơ hội và cũng là thách thức khi tham gia các hiệp định thương mại. Việt Nam có nhiều cơ hội cho việc làm, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế và có thể trở thành một nền kinh tế phát triển hàng đầu”, ông Robert Holleyman khẳng định.
Trên thực tế, các hiệp định thương mại tự do mang lại nhiều lợi ích to lớn về tăng trưởng kinh tế, tiếp cận thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, tác động cải cách thể chế, luật lệ trong nước.
Song trong bối cảnh kinh tế khu vực và toàn cầu hiện nay, dưới tác động động của cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể tranh thủ tối ưu các lợi ích kinh tế - xã hội của các hiệp định này, đồng thời giảm thiểu những tác động bất lợi từ chi phí điều chỉnh, sự bất bình đẳng thu nhập gia tăng…
Cho nên, các nền kinh tế thành viên APEC sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm để cùng nhau phát triển kinh tế.
SOM 3-APEC 2017: Đề cao tầm quan trọng của các FTA Nhờ vào tác động của các Hiệp định thương mại tự do, giao dịch thương mại nội khối APEC đã tăng trưởng 174% trong giai ... |
APEC vẫn giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương APEC đã và đang được coi là vườn ươm của các sáng kiến mới về kinh tế, thương mại, đầu tư, tăng trưởng và sáng ... |
Thủ tướng: 'APEC cần hợp tác hiệu quả và tạo tính riêng biệt so với các tổ chức khác' APEC cần tăng cường hợp tác kinh tế, kỹ thuật, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong hoạch định chính sách và triển khai các ... |