|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Áp lực tỷ giá liệu có tiếp diễn trong năm 2025?

19:38 | 13/12/2024
Chia sẻ
Những biến động trên thị trường tài chính quốc tế, sự mạnh lên của đồng USD đã gây áp lực lớn đến tỷ giá và giá trị tiền đồng Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở cao, tỷ giá trở thành yếu tố ảnh hưởng đáng kể nhất lên thị trường tài chính Việt Nam, bao gồm cả thị trường tiền tệ và thị trường vốn trong năm 2024. Tuy nhiên, nhờ các chính sách điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá và thị trường ngoại hối vẫn được duy trì ổn định.

“Té nước” theo đồng USD

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV & Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ quốc gia, diễn biến tỷ giá năm nay có nhiều biến động hơn so với năm ngoái. Nguyên nhân là do nền kinh tế Mỹ phục hồi tương đối mạnh, kéo theo đồng USD tăng lên và khiến các đồng tiền khác mất giá.

TS. Cấn Văn Lực. (Ảnh: TTXVN)

Đặc biệt, gần đây, thị trường kỳ vọng nhiệm kỳ mới của ông Donald Trump có thể khiến lạm phát tăng lên. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo đó có thể giãn lộ trình giảm lãi suất, thay vì như mong đợi trước đây.

Dữ liệu của Bloomberg và nhóm nghiên cứu BIDV cho thấy, tính đến cuối tháng 11/2024, đồng VND đã giảm 4,25%. Không chỉ riêng Việt Nam, đồng nội tệ của nhiều quốc gia cũng ghi nhận giảm giá mạnh so với đồng USD trong năm nay như EUR giảm 4,79%; AUD giảm 4,75%; JPY giảm 6,22%... Trong đó, đáng kể nhất là đồng Won Hàn Quốc (KRW) đã giảm tới hơn 8% trong 11 tháng.

Trên thị trường, nhiều doanh nghiệp vay nợ USD lớn và doanh nghiệp nhập khẩu ghi nhận lợi nhuận kém tích cực, thậm chí thua lỗ vì tỷ giá tăng. Tác động của việc tỷ giá tăng cũng thể hiện rõ trên thị trường chứng khoán trong năm nay. Thống kê mới đây của các công ty chứng khoán cho thấy, trong 11 tháng qua, thị trường ghi nhận khối ngoại bán ròng lên tới hơn 89.000 tỷ đồng.

Dĩ nhiên, yếu tố bán ròng của khối ngoại còn do một số nguyên nhân khác, song trong bối cảnh chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND có sự gia tăng thì việc dòng vốn bị rút mạnh là điều khó tránh khỏi. Và thực tế, điều này cũng xảy ra tương tự ở các thị trường chứng khoán khác, ngoài Mỹ.

Dù chịu nhiều thử thách trong nỗ lực giữ mặt bằng lãi suất ổn định để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định với mục tiêu điều hành tỷ giá, ngoại hối linh hoạt, phù hợp tình hình diễn biến thị trường.

Thực tế, nửa đầu năm 2024, bên cạnh sự mạnh lên của đồng USD, áp lực tỷ giá còn đến từ sự biến động mạnh của giá vàng. Do đó, để ổn định thị trường ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước đã phải đưa ra nhiều biện pháp như tổ chức đấu thầu vàng miếng nhằm thu hẹp chênh lệch giá bán trong nước và thế giới; đồng thời phát hành tín phiếu hút tiền về, bán dự trữ ngoại hối…

Trong thời gian gần đây, tỷ giá biến động mạnh liên quan đến sự mạnh lên của đồng USD và những kỳ vọng của thị trường sau khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ. Ở lần này, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng nghiệp vụ thị trường mở nhằm kiểm soát thanh khoản hệ thống ở mức hợp lý, qua đó góp phần giữ tỷ giá ổn định.

Đánh giá về kết quả ngân hàng năm nay, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, trong năm 2024, chính sách tiền tệ tiếp tục thực hiện tốt vai trò ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Theo ông, kết quả này rất đáng được ghi nhận khi đặt trong bối cảnh đồng USD biến động mạnh và các đồng tiền mạnh mất giá; trong khi đó, giá vàng trên thế giới diễn biến rất phức tạp, kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn và xung đột vũ trang tại một số khu vực trên thế giới căng thẳng...

“Những yếu tố này làm thị trường tài chính thế giới biến động và gây áp lực rất lớn đến tỷ giá và giá trị tiền đồng Việt Nam, đặc biệt trong mối liên hệ tỷ giá và lãi suất và môi trường kinh tế hội nhập, nền kinh tế có độ mở lớn. Tuy nhiên, tỷ giá và thị trường ngoại hối vẫn ổn định, lạm phát kìm giữ theo đúng định hướng mà Chính phủ đề ra. Đây là kết quả rất quan trọng và ấn tượng trong năm 2024”, ông Lệnh nhận định.

Áp lực tỷ giá liệu có dịu bớt?

Giới chuyên gia cho rằng, tỷ giá USD/VND trong năm 2025 sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tốc độ hồi phục của nền kinh tế toàn cầu, chính sách của FED, mức độ nghiêm trọng của cuộc xung đột địa chính trị… Đặc biệt, "ẩn số" chính sách thuế quan của ông Donald Trump có thể làm tăng giá trị đồng USD và gây áp lực lên tỷ giá.

Tỷ giá USD/VND trong năm 2025 sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. (Ảnh: TTXVN).

Hiện chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng bạc xanh) đã chạm mốc đỉnh 107 điểm, tăng khoảng 5% so với cuối năm 2023. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho thấy áp lực tỷ giá sẽ dịu bớt thời gian tới.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới đây về Việt Nam, ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế khu vực Thái Lan và Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered dự báo, việc FED cắt giảm lãi suất có thể dẫn đến xu hướng suy yếu của đồng USD trong vài quý tới. Qua đó, giúp tỷ giá giữ ở mức 25.250 VND/USD vào cuối năm 2024 và 25.450 VND/USD vào quý II/2025.

Cụ thể, đồng USD có thể phải đối mặt với giai đoạn suy yếu vào đầu năm 2025, do FED tiếp tục cắt giảm lãi suất và sự bất ổn trong việc thực hiện chính sách. Việc cắt giảm lãi suất gần đây của FED được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các loại tiền tệ châu Á, bao gồm VND.

Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan hơn dự kiến đã gia tăng áp lực cho thị trường ngoại hối châu Á. Các yếu tố như sự bất ổn trong chính sách thương mại và các biện pháp có thể gây lạm phát dưới thời ông Trump có thể làm giảm tính ổn định của chính sách tiền tệ trong khu vực.

Sang nửa cuối 2025, đồng USD dự kiến sẽ tăng mạnh khi các chính sách thuế quan và biện pháp tài khóa dưới nhiệm kỳ thứ 2 của ông Donald Trump được làm rõ và triển khai.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng, tỷ giá sẽ ổn định hơn trong thời gian tới. Lý do là mối quan hệ cung cầu ngoại tệ của Việt Nam vẫn tương đối tốt. Trong khi đó, tâm lý hưng phấn khi ông Trump lên sẽ tạm lắng xuống, tâm lý đầu cơ liên quan đến ngoại tệ theo đó sẽ giảm bớt.

Bên cạnh đó, FED sẽ tiếp tục lộ trình cắt giảm lãi suất, dù tốc độ có thể chậm lại. Điều này sẽ giúp thu hẹp chệnh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND trong thời gian tới.

Theo đó, vị chuyên gia này và nhóm nghiên cứu BIDV dự báo mức mất giá của đồng VND sẽ dao động khoảng 3,5-4% trong năm nay và sẽ “dịu” bớt trong năm 2025 với mức giảm giá là 2,5-3%.

Các chuyên gia cũng nhận định, trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt với mục tiêu tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đây cũng là yếu tố quan trọng củng cố niềm tin thị trường, nhà đầu tư, góp phần hỗ trợ kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Hứa Chung