Áp lực từ nhiều phía, NHNN sẽ tăng lãi suất điều hành trong quý I/2023?
Theo báo cáo chiến lược giữa năm 2022 mới đây, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tăng lãi suất điều hành trong quý I/2023 trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng nhanh lãi suất điều hành, áp lực đồng USD tăng giá, cũng như áp lực lạm phát gia tăng.
Theo đó, nhóm phân tích kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành hiện tại cho trong nửa cuối năm nhờ vào các yếu tố bao gồm lạm phát vẫn ở dưới mức 4%; NHNN sẽ linh hoạt sử dụng nghiệp vụ thị trường mở để điều tiết thị trường và hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Trước Mirae Asset, Ngân hàng UOB đánh giá NHNN có đủ khả năng để giữ ổn định lãi suất chính sách để hỗ trợ các nỗ lực phục hồi kinh tế bất chấp những triển vọng không chắc chắn từ địa chính trị và bối cảnh lạm phát trong nước.
Tuy nhiên, với động thái quyết liệt hơn trong việc thắt chặt chính sách từ Fed, UOB dự đoán NHNN sẽ có xu hướng khởi đầu chu kỳ tăng lãi suất từ quý II/2023 hoặc sớm hơn, nếu đà tăng trưởng vẫn tiếp tục duy trì và các rủi ro bên ngoài đáng quan ngại hơn.
Trong khi đó, Chứng khoán MayBank Kim Eng (MBKE) cho rằng NHNN sẽ thắt chặt tiền tệ thông qua tăng lãi suất 0,5 điểm % để duy trì tăng trưởng vừa phải, bất chấp rủi ro lạm phát tăng và Fed quyết liệt hơn.
"Mọi việc thắt chặt (nếu có) sẽ chỉ được thực hiện vào giai đoạn cuối năm 2022. Mức tăng 0,5 điểm % sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên 4,5%, mức vẫn còn phù hợp theo các tiêu chuẩn lịch sử, khi so với tỷ lệ này trước khi xảy ra đại dịch cho đến tháng 2/2020 là 6%, MBKE nhận định.
Trên thực tế, NHNN đã rút ròng hơn 151.000 tỷ từ ngày 21/6 đến 30/6 do thanh khoản hệ thống ngân hàng đang dồi dào (với lãi suất liên ngân hàng qua giảm xuống dưới 1%). Bên cạnh đó, cơ quan này cũng điều chỉnh chính sách bán ngoại tệ từ bán kỳ hạn không hủy ngang 3 tháng sang bán giao ngay và nâng giá mua tại sàn NHNN lên 23.400 đồng.
Theo CTCP Chứng khoán SSI, động thái điều chỉnh chính sách này của NHNN, bên cạnh việc giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất, còn có thể quản lý được dòng vốn ngoại tệ trong hệ thống khi các NHTM phải chủ động về nguồn ngoại tệ giao ngay.
Ngoài ra, việc hút bớt tiền đồng thông qua kênh tín phiếu sẽ phần nào thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất VND và USD. Do vậy giảm bớt áp lực lên VND, giúp NHNN có dư địa điều hành trong trung hạn.