Áp lực tăng giá trên thị trường dầu thế giới
Vào đầu tháng Tư giá dầu Brent Biển Bắc vượt ngưỡng 91 USD/thùng và giá dầu ngọt nhẹ (WTI) chạm mức cao nhất 5 tháng khi thị trường kỳ vọng rằng tăng trưởng kinh tế ở Mỹ và Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ, còn hoạt động của các nhà máy lọc dầu của Nga đình trệ.
Giờ đây, câu hỏi đặt ra là xu hướng này có thể kéo dài bao lâu và liệu dầu có thể chạm mốc 100 USD/thùng trong năm nay hay không?
Giá dầu liên tiếp hưởng lợi từ căng thẳng địa chính trị leo thang, đặc biệt là ở Trung Đông, cũng như suy đoán về nguồn cung dầu của Mexico sẽ giảm trong thời gian tới.
Thị trường dầu mỏ vẫn đang chứng kiến tác động của việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện đạt được trong quý II năm ngoái vào tháng trước.
Bên cạnh đó, báo cáo chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ và Trung Quốc vượt mong đợi cũng góp phần vào tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư dầu, khi họ kỳ vọng cả hai quốc gia này sẽ sớm thấy nhu cầu gia tăng trong lĩnh vực sản xuất và công nghiệp.
Chuyên gia Claudio Galimberti, Phó Chủ tịch cấp cao của Hãng năng lượng Rystad Energy, chia sẻ với Yahoo Finance về xu hướng tăng giá dầu thời gian qua rằng: “Có rất nhiều lý do địa chính trị để lo ngại về rủi ro nguồn cung. Vì vậy, tôi cho rằng việc giá dầu tăng lên mức ba chữ số không còn xa vào thời điểm này. Đây chắc chắn là mức giá có thể đạt được trong vài tháng tới”.
Tuy nhiên, nhà phân tích này cũng lưu ý rằng công suất dự phòng dồi dào và khả năng bơm thêm dầu ở Trung Đông có thể hạn chế đà tăng giá.
Ông Syed Muhammad Osama Rizvi, nhà phân tích dầu tại Oilprice.com, cho biết: "Tâm lý chung trên thị trường dầu mỏ, đặc biệt là thị trường kỳ hạn, là khá chắc chắn về triển vọng tăng giá. Bằng chứng là việc mua 140 triệu thùng dầu giao kỳ hạn trong sáu hợp đồng quan trọng nhất. Đây là tốc độ mua nhanh nhất trong bốn năm qua”.
Tháng trước, Nga cho biết họ sẽ giảm sản lượng dầu sâu hơn, khiến nhà phân tích Natasha Kaneva của JPMorgan dự đoán giá dầu thô Brent sẽ đạt 100 USD/thùng vào tháng Chín. Nhà phân tích Kaneva và các đồng nghiệp cho rằng: “Hành động của Nga có thể đẩy giá dầu Brent lên 90 USD/thùng trong tháng Tư, đạt mức trung bình 90 USD/thùng vào tháng Năm và gần 100 USD/thùng vào tháng Chín tới”.
Tuy nhiên, bà Kaneva cũng lưu ý giá dầu Brent có thể sẽ chỉ giao dịch ở mức 90 USD/thùng vào tháng Năm và 85 USD/thùng trong nửa cuối năm nay vì các biện pháp đối phó sẽ có hiệu lực nếu giá tăng quá cao. Ví dụ, Mỹ có thể chọn tăng thêm nguồn cung từ nguồn dự trữ dầu mỏ chiến lược, Nga có thể chọn duy trì xuất khẩu ở mức hiện tại hoặc nhu cầu sụt giảm.
Báo cáo Nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Bank of America (BofA) mới công bố cũng đã nâng dự báo giá dầu Brent và WTI năm 2024, với lý do căng thẳng địa chính trị leo thang và OPEC+ duy trì chính sách hạn chế nguồn cung. Ngân hàng này kỳ vọng giá dầu thô Brent và WTI trong năm nay sẽ đạt trung bình lần lượt là 86 USD/thùng và 81 USD/thùng, với giá của cả hai loại dầu đều đạt đỉnh khoảng 95 USD/thùng trong mùa Hè này.
BofA cho biết: “Chúng tôi ước tính rằng kỳ vọng tăng trưởng kinh tế được cải thiện đẩy thị trường dầu mỏ toàn cầu rơi vào tình trạng thiếu hụt khoảng 450.000 thùng mỗi ngày trong quý II và quý III/2024. Bất ổn địa chính trị cũng thúc đẩy nhu cầu dầu thông qua việc các chuyến hàng thương mại phải định tuyến dài hơn và tác động đến nguồn cung do các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga”.
Nhóm phân tích của JPMorgan viết: “Bài học từ cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022 đã cho thấy có nhiều đòn bẩy hiệu quả giúp giảm tác động của việc giá tăng cao. Quan điểm của chúng tôi vẫn là trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và chi phí vay cao, việc giá dầu vượt 90 USD/thùng có thể gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng về nhu cầu dầu toàn cầu - như đã xảy ra vào giai đoạn tháng 3-6/2022 và tháng 9-10/2023 – tạo ra mặt bằng giá thấp hơn".
Tại cuộc họp lần thứ 53 được tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 3/4, Ủy ban Giám sát Chung cấp Bộ trưởng (JMMC) của OPEC+ đã quyết định không thay đổi chính sách sản lượng. OPEC+ đã xem xét các dữ liệu sản lượng dầu thô trong tháng Một và tháng 2/2024, tình hình thị trường cũng như việc thực hiện cắt giảm sản lượng của các thành viên.
Tuyên bố chung tại cuộc họp cho hay, JMMC sẽ tiếp tục giám sát việc tuân thủ các điều chỉnh sản lượng được quyết định trong cuộc họp ngày 4/6/2023 và các điều chỉnh sản lượng tự nguyện bổ sung được một số nước trong và ngoài OPEC công bố hồi tháng 4/2023, cũng như các điều chỉnh tiếp theo được đưa ra vào tháng 11/2023 và tháng 2/2024.
Ông Russ Mold, Giám đốc đầu tư tại AJ Bell, cho biết: “Giá dầu tăng liên tục trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt hơn là mối lo ngại đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng vì đây là nguyên nhân được cho là gây ra lạm phát cao. Mức tăng 23% và gần 20% tương ứng của giá dầu WTI và dầu Brent Biển Bắc kể từ đầu năm đến nay đã góp phần đưa giá hàng hóa lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2023 và giải thích tại sao cổ phiếu của Shell và BP là một trong những động lực lớn nhất cho chỉ số FTSE 100 của Anh hiện nay”.