Áp lực phải tiêu tiền
Khoảng 21,82% là mức tăng trưởng tín dụng của năm nay được các ngân hàng kỳ vọng mà Vụ Dự báo thống kê (NHNN) vừa công bố dựa trên kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng. Các ngân hàng cho rằng tín dụng bình quân toàn hệ thống sẽ tăng 7,37% trong quí cuối cùng của năm. Nhìn vào đây, từ tháng 10 mỗi tháng tín dụng phải “nhảy” gần 2,5%, quả là một “bước nhảy” không dễ dàng.
Đến hết tháng 9-2016 tín dụng tăng trưởng 11,74%, theo số liệu của NHNN. Ảnh TL SGT |
So sánh với con số thực tế, trong phiên họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội ngày 7-10-2016, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cập nhật đến hết tháng 9-2016 tín dụng tăng trưởng 11,74% và bà nhận định kế hoạch tăng tín dụng 18-20% có thể đạt được trong năm nay. Nếu lấy mức 18% làm đích, ba tháng cuối năm tín dụng cũng phải tăng bình quân ít nhất 2%/tháng.
Tín dụng dồn vào quí 4 đã mang tính chu kỳ, nhưng điều đó không có nghĩa sức hấp thụ vốn của nền kinh tế được cải thiện mạnh mẽ đến nỗi tín dụng “nhảy vọt”. Tại không ít ngân hàng, tín dụng thường tăng đột biến trong tháng 11, 12, sau đó sụt giảm trong tháng 1, tháng 2 năm sau. Lý giải điều này, thành viên hội đồng quản trị một ngân hàng lớn thừa nhận có hiện tượng cho doanh nghiệp vay ngắn hạn để đạt chỉ tiêu định mức tín dụng. Thời hạn vay thường dưới ba tháng, nên đầu năm sau là doanh nghiệp trả nợ, tín dụng vì thế tụt xuống. Thêm vào đó, một số khoản vay được đảo nợ cuối năm dưới nhiều hình thức khác nhau, làm tín dụng tăng thực mà ảo.
Tín dụng đang được xem là một trong những công cụ chủ yếu để đẩy tăng trưởng GDP nhằm đạt mục tiêu năm nay ở mức 6,3-6,5%. Theo NHNN, số tuyệt đối dư nợ toàn hệ thống đến hết tháng 9-2016 đạt 5,2 triệu tỉ đồng (số chính xác 5.202.273 tỉ đồng). Để mỗi tháng tín dụng tăng trưởng 2%, số dư tuyệt đối phải tăng thêm gần 100.000 tỉ đồng/tháng. Nhu cầu bắt buộc phải tiêu tiền đặt ra cho nền kinh tế là rất cao.
Cơ cấu tín dụng cho đến cuối tháng 7-2016 vẫn tập trung vào mảng công nghiệp và xây dựng; thương mại - vận tải - viễn thông; các hoạt động khác (trong đó có cho vay bất động sản). Số dư của ba mảng trên là 4,5 triệu tỉ đồng. Mặc dù tín dụng cho nông, lâm và hải sản có mức tăng trưởng cao 9,82% so với cuối năm ngoái, nhưng số dư chỉ ở mức 511.186 tỉ đồng.
Tiền ngân hàng có ra được không và chảy vào đâu để tạo ra GDP là một câu hỏi khó. NHNN tiếp tục yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt tín dụng vào bất động sản và dự án BOT giao thông. Điều này sẽ thu hẹp tăng trưởng của tín dụng xây dựng, bất động sản. Tăng trưởng của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp đã trở lại mức dương trong quí 3 vừa qua và nguồn vốn sẵn sàng cho vay tại đây tương đối lớn. Chỉ còn lại là sức hấp thụ vốn của khu vực này đến đâu mà thôi.
Một mặt nợ xấu buộc các ngân hàng phải thận trọng, tính toán đầu ra sao cho có lợi nhất. Mặt khác nếu không giảm thêm lãi suất, doanh nghiệp vẫn chưa muốn vay vì chi phí tài chính đang ảnh hưởng đến biên lợi nhuận. Việc tìm kiếm lợi nhuận hay nói cách khác là kinh doanh sao cho đảm bảo có lời của doanh nghiệp nói chung ngày càng gian nan hơn. Đây cũng là một trong những lý do vì sao giải ngân đầu tư công còn chậm.
Nhìn lại, nợ xấu là mấu chốt của gần như mọi vấn đề có liên quan đến tín dụng, và tăng trưởng kinh tế. Từ đầu năm đến nay VAMC chỉ mua vào 16.000 tỉ đồng nợ xấu. Có ý kiến rằng các ngân hàng không còn nợ xấu để bán cho VAMC! Thực tế có ngân hàng muốn bán cho VAMC cả vài chục ngàn tỉ đồng nợ xấu, nhưng liệu VAMC có chịu mua và mua với giá nào? Một số ngân hàng không muốn bán nữa vì ngại phải trích lập dự phòng rủi ro. Trong tám tháng đầu năm, theo như công bố của VAMC, đơn vị này đã xử lý được 58.000 tỉ đồng nợ xấu chủ yếu nhờ thu nợ khách hàng. Với tốc độ này, có thể phải năm năm nữa VAMC mới xử lý hết số nợ đang “ôm”.
Với số nợ xấu đang sở hữu bằng khoảng 5% tổng dư nợ toàn bộ nền kinh tế của VAMC, cộng với nợ xấu tại các ngân hàng hiện khoảng dưới 3%, tính ra cứ 100 đồng vốn huy động, các tổ chức tín dụng phải để ra 8 đồng cho nợ xấu. Chi phí giá thành vốn, vì thế, sẽ không thể thấp được. Mà đầu vào cao, thử hỏi làm sao đầu ra thấp được? Tín dụng sẽ vẫn tăng, nhưng tăng cầm chừng và sự đóng góp của nó vào tăng trưởng GDP bị hạn chế bởi lãi suất.
Theo khảo sát của chúng tôi, một số tổ chức tín dụng đã bắt đầu trộn vốn huy động kỳ hạn ngắn lãi suất thấp có được từ thị trường liên ngân hàng với vốn huy động từ dân cư để hạ lãi suất cho vay. Quá trình này kéo dài đến đâu phụ thuộc vào nguồn vốn lãi suất thấp bền vững đến độ nào trên thị trường liên ngân hàng. Nếu nó có thể kéo dài tầm sáu tháng trở lên kể từ thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất đầu ra có cơ hội để đi xuống.
Theo Thành Nam